- Giá xăng dầu thất thường, quỹ bình ổn ‘hết phép’: Đến lúc bỏ?
- Còn bán túi nylon theo cân, đất nước ngập trong rác nhựa, con người tự huỷ diệt
Việc phát hành ồ ạt trái phiếu doanh nghiệp “ba không”, nhất là trái phiếu bất động sản có thể dẫn đến hậu quả khó lường.
Chuyên gia tài chính PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính, nhận xét, vài năm gần đây, trái phiếu doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp bất động sản đang dần trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả. Tuy vậy, việc phát hành ồ ạt trái phiếu doanh nghiệp “nhiều không” đang để lại nhiều hệ lụy, nếu không được chấn chỉnh có thể dẫn đến hậu quả khó lường.
“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao. Khi doanh nghiệp gặp trục trặc thì ngân hàng và cả nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp đều có thể bị vạ lây, thậm chí phá sản”, ông Thịnh nói.
Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tồn tại nhiều rủi ro chực chờ. (Ảnh minh họa)
“Khi mà rủi ro xảy ra, sau này những trái chủ không dám mua trái phiếu nữa thì thị trường cũng không có đất phát triển. Nguy hiểm hơn, nếu doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, có thể tạo ra làn sóng các nhà đầu tư đòi trả lại trái phiếu của các doanh nghiệp khác, gây xáo trộn thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán và thị trường tài chính tiền tệ. Từ đó có thể tạo ra khủng hoảng kinh tế rất lớn”, ông Thịnh nói thêm.
Theo ông Thịnh, tình trạng phát hành trái phiếu nhưng không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán cho thấy chất lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, nhất là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, đang ở mức báo động. Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu chưa đảm bảo yếu tố minh bạch và thực hiện đầy đủ trách nhiệm cung cấp thông tin, không làm rõ mục đích sử dụng vốn trái phiếu và phương án trả nợ gốc, trả lãi. Ngoài ra để bán được trái phiếu, các doanh nghiệp phát hành thường đưa ra lãi suất từ 12 - 14%. Điều này không chỉ gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư mà cho cả nền kinh tế, bởi nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến mất khả năng chi trả, hậu quả khi đó thật khó lường.
Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản thua lỗ nhưng vẫn rầm rộ phát hành trái phiếu, hầu hết là trái phiếu “ba không”. - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
“Thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản thua lỗ nhưng vẫn rầm rộ phát hành trái phiếu, hầu hết là trái phiếu “ba không”. Đáng nói, dù doanh nghiệp huy động cả trăm, ngàn tỷ đồng qua trái phiếu nhưng không ai giám sát số tiền này đi về đâu, đầu tư thế nào, có sử dụng đúng mục đích không…Do đó việc siết chặt quản lý, giám sát trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là rất cần thiết, nếu không, đây sẽ là khối u nhọt mới của nền kinh tế”, chuyên gia cảnh báo.
Theo chuyên gia kinh tế T.S Vũ Đình Ánh, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngành bất động sản để lại nhiều lo ngại. Nhà đầu tư cá nhân chỉ nhìn vào lãi suất cao mà không dựa trên sức khoẻ của doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp bất động sản ồ ạt phát hành trái phiếu trong thời điểm dịch bệnh, áp lực kinh doanh và trả nợ sẽ rất lớn.
"Hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản có thể có rủi ro phát sinh từ việc không công bố thông tin hoặc công bố thông tin không chính xác. Trong khi nhà đầu tư chỉ chạy theo lãi suất mà không tìm hiểu kỹ lưỡng sức khỏe tài chính doanh nghiệp. Ngoài ra còn có sự thiếu kiểm tra, thiếu giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó làm cho thị trường trái phiếu Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro rất lớn, ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc dân và quyền lợi nhà đầu tư", chuyên gia nhấn mạnh.
Áp lực trả nợ trái phiếu "đè" doanh nghiệp
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc từng cho biết, ngay từ tháng 4/2021, Bộ Tài chính đã nhiều lần cảnh báo về rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
“Ngay từ năm 2021, từ tháng 4 đến tháng 9, chúng tôi đã ra 5 thông cáo báo chí về rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Chúng tôi cũng đã trả lời trên nhiều báo và Đài truyền hình Việt Nam về vấn đề này để cảnh báo nhà đầu tư”, ông Phớc nói.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thêm, đến 1/4 năm nay, Bộ Tài chính tiến hành thanh tra các công ty kiểm toán độc lập đối với doanh nghiệp chứng khoán và đã phát hiện nhiều sai phạm. Từ đó, chuyển cơ quan điều tra 34 vụ, tiến hành xử phạt hành chính 568 vụ với số tiền tổng cộng hơn 29 tỷ đồng. Đây là một trong các bước để làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán.
Theo dữ liệu thống kê của FiinRatings, một bộ phận của FiinGroup, trong 5 năm qua, các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới rất lớn, với giá trị phát hành trung bình khoảng 100.000 tỷ đồng mỗi năm, chiếm từ 30 - 40% tổng giá trị phát hành. Tỷ trọng dư nợ trái phiếu chiếm khoảng 46% trong tổng nợ vay của các doanh nghiệp bất động sản.
FiinRatings nhận định, trong bối cảnh nhu cầu vốn dài hạn rất lớn và kênh tín dụng truyền thống bị siết chặt, kênh trái phiếu sẽ tiếp tục đóng vai trò là nguồn vốn trung dài hạn cho các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới.
Tuy nhiên, do phần lớn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được phát hành bởi các doanh nghiệp chưa niêm yết nên tỷ trọng của trái phiếu doanh nghiệp ngành bất động sản trong toàn hệ thống trên thực tế sẽ lớn hơn rất nhiều. Thêm nữa, năng lực trả nợ vay của các đơn vị phát hành bất động sản chưa niêm yết hiện đang rất yếu. Các chỉ số đánh giá năng lực trả nợ vay và đòn bẩy ở mức đáng báo động.
Khối lượng phát hành "khủng" nên áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn trong 2 - 3 năm tới đây sẽ vô cùng lớn. Chuyên gia phân tích của FiinRatings nhận định quy mô dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của ngành bất động sản khoảng 189.000 tỷ đồng vào cuối 2021 và 73% giá trị này sẽ có điểm rơi đáo hạn vào 3 năm tới đây (2022 – 2024).
Ngoài ra, áp lực trả nợ có thể tác động đến rủi ro của thị trường cổ phiếu do cổ phiếu được cầm cố để làm đảm bảo cho trái phiếu hoặc được cầm cố để lấy nguồn mua trái phiếu chất lượng thấp hoặc có vấn đề như các cơ quan quản lý đã chỉ ra.
"Điều này không chỉ tạo áp lực trả nợ lớn hơn của các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh dần hồi phục sau COVID-19 và trước những thay đổi pháp lý và những sự kiện gần đây mà theo chúng tôi còn tác động đến rủi ro thanh khoản của các đại lý phân phối có cam kết mua lại trái phiếu, chính là các định chế tài chính như công ty chứng khoán và ngân hàng", báo cáo của FiinRatings nêu.
Theo số liệu của báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị "Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững" tổ chức ngày 14/7, hiện nay có trên 280 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn. Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bất động sản đã huy động được gần 90.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp lớn, tình hình hoạt động tốt cũng đã mở rộng phát hành ra thị trường quốc tế với tổng khối lượng phát hành đạt 1.305 triệu USD trong giai đoạn 2019 - 2021.
Tăng trưởng của thị trường trái phiếu là tín hiệu khả quan, cho thấy đây có thể là kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng nóng đang tiềm ẩn những rủi ro, nhất là với những trái phiếu không được xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán, không có năng lực tài chính tốt, không có phương án kinh doanh khả thi… và nhất là không tài sản bảo đảm.
Khi nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp đồng nghĩa họ phải chịu rủi ro với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh không tốt hoặc phá sản, các nhà đầu tư sẽ mất vốn và gây tác động đến thị trường trái phiếu, nền kinh tế.
https://vtc.vn/he-lu-y-sau-nhung-qua-bom-trai-phieu-ba-t-do-ng-sa-n-ba-bo-n-nam-khong-ar688683.html