Dù có thích rapper Đen Vâu hay không thì những bạn bè thị dân của tôi đôi khi vẫn buột miệng một câu rap của cậu ta: “Hay là mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau...”. Câu rap đó, tôi nghe như tiếng thở dài của thị dân mệt mỏi.
Đầu năm 2020, năm Covid-19 thứ nhất, khi đợt giãn cách xã hội lần đầu tiên được áp dụng, khu vườn cách thành phố 200km của tôi trở thành nơi trú ẩn của mẹ tôi và những đứa trẻ. Ban đầu, mục đích là để cách ly, nhưng rất nhanh, nó trở thành lựa chọn sinh tồn nếu dịch bệnh kéo dài và giao thương hạn chế. Những ngày ở vườn, tôi chợt nhận ra một cuộc sống tự cung tự cấp và giảm tối đa những nhu cầu tiêu dùng phù phiếm hóa ra rất dễ chịu. Khi đó, tôi bất chợt nghĩ đến câu rap của Đen “Hay là mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau…” nhưng với một sắc thái khác - đó là lời mời gọi của ruộng vườn, của một lối sống giản dị, bình thản, bớt quay cuồng hơn.
“Hay là mình về quê...
Một lời mời gọi thơm tho. Nhưng, đó sẽ mãi mãi chỉ là một lời mời gọi, hoặc vẫn luôn là tiếng thở dài của mệt mỏi thị dân nếu như bạn chưa thể thoát khỏi những lệ thuộc ngoại thân”. Nhà báo Phạm Trung Tuyến |
Khi tôi lớn lên, đúng vào thời điểm đất nước bước vào một giai đoạn xoay chuyển từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường. Sau hơn 30 năm, điều nhìn thấy rõ nhất là nền kinh tế hàng hóa hiện diện khắp hang cùng ngõ hẻm, và đô thị hóa ở mọi miền quê. Bạn bè tôi từ những ngôi làng tiến về đô thị rồi chỉ quay về quê hương mỗi dịp lễ, Tết. Ở quê, những ngôi nhà vốn quay lưng ra đường đã biến thành phố chợ, phố quê. Còn Hà Nội của tôi, những khu vườn mênh mang vốn là thập tam trại ở Hà Nội đã trở thành ký ức thơm tho để thay bằng cao ốc chọc trời.
“Hay là mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau…” là lời mời gọi của ruộng vườn, của một lối sống giản dị, bình thản, bớt quay cuồng hơn |
Cơn sốt đô thị hóa và những giấc mơ thị thành sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa khi mà nó còn mang lại nhiều cơ hội kiếm tiền, và khi mà khoảng cách về hạ tầng, về khả năng tiếp cận dịch vụ vẫn còn rất xa giữa nông thôn và thành thị. Nhưng dịch bệnh, ô nhiễm không khí, và thời gian chôn chân trên những con đường ùn tắc đã dần tác động làm dịch chuyển ước mơ của nhiều người.
“Hay là mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau...”.
Về quê không dễ!
Nhà báo Phạm Trung Tuyến |
Đặc biệt là khi những kỹ năng sống của chúng ta đã thay đổi quá nhiều. Nếu bạn không có nhiều tiền để đầu tư, bạn sẽ phải tự học, tự làm mọi thứ. Nếu bạn thiếu kiến thức, kỹ năng, bạn sẽ phải loay hoay với mảnh vườn của mình để nó có thể phục vụ bạn. Nhưng quan trọng nhất, nếu bạn không có một tâm hồn đủ phong phú để yêu thương cảm xúc, và tự vui với bản thân mình, bạn sẽ không chịu nổi sự tĩnh mịch, buồn chán khi sống xa đô thị.
“Hay là mình về quê...”.
Một lời mời gọi thơm tho. Nhưng, đó sẽ mãi mãi chỉ là một lời mời gọi, hoặc vẫn luôn là tiếng thở dài của mệt mỏi thị dân nếu như bạn chưa thể thoát khỏi những lệ thuộc ngoại thân. Về quê không phải chỉ là những câu chuyện lãng mạn, những tấm ảnh đồng quê thanh bình đăng trên mạng xã hội Facebook. Về quê còn là một nắng hai sương, là hao hụt dòng tiền, là những cô đơn và sự thiếu thốn tiện nghi. Chỉ những người thực sự dũng cảm mới có thể từ bỏ những cơ hội phù hoa để về quê thực sự. Và những người đó, khi họ sống với những mảnh vườn, họ sẽ phục hồi những làng quê quạnh quẽ.
Nhưng đa số chúng ta, cơ bản sẽ vẫn rap theo Đen Vâu mỗi lúc tắc đường.
“Hay là mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau…”.
Chàng trai đi bộ 400 km về quê ăn Tết
Đi bộ 35-40 km mỗi ngày, đôi chân sưng phồng đau nhức nhưng hình ảnh bữa cơm tất niên có bố mẹ giúp anh Hà ... |