Hậu sốt đất, nhà đầu tư chuyển hướng đổ tiền vào homestay

Thị trường trầm lắng, nhiều nhà đầu tư thay vì đi gom đất để bán đã quyết định chuyển sang đầu tư homestay.

Sau 2 năm tăng nóng, từ đầu năm 2022, thị trường bất động sản có dấu hiệu trầm lắng, giao dịch chững lại, giá ngừng tăng, thậm chí nhiều nơi có xu hướng giảm. Theo các chuyên gia, sau câu chuyện thắt chặt tín dụng, thị trường bất động sản gần như không có giao dịch. Nhà đầu tư vì thế có tâm lý chuyển hướng kinh doanh để tận dụng dòng tiền nhàn rỗi.

Một trong các xu hướng được nhiều người lựa chọn hiện nay là làm homestay hoặc khu nghỉ dưỡng. Bởi du lịch đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ nên nhu cầu về lưu trú, vui chơi tăng đột biến. Ngoài việc thu lời từ việc cho thuê phòng du lịch, giá trị bất động sản của những nơi này sau khi được đầu tư xây dựng cũng sẽ tăng lên và trở thành 1 kênh đầu tư tốt trong thời điểm thị trường trầm lắng như hiện nay.

Hậu sốt đất, nhà đầu tư chuyển hướng đổ tiền vào homestay - 1

Những căn homestay trở thành hướng đầu tư mới của nhiều nhà đầu tư nhà đất. (Ảnh minh họa)

Chị Nguyễn Ngọc Mai (Bắc Ninh) cho hay, từ đầu năm, chị và gia đình đã quyết định chuyển lên Đà Lạt sinh sống. Trước đó, chị Mai cùng nhóm bạn thường xuyên đi lại Đà Lạt để đầu tư đất. Nhận thấy thị trường sốt ảo, nên chị Mai vừa đầu tư bán lướt vừa chuyển hướng sang làm homestay để khai thác du lịch.

Tôi đầu tư 4 phòng homestay trên mảnh đất hơn 3.000 m2 ở Bảo Lộc (Lâm Đồng). Vì làm homestay nên chi phí xây dựng chỉ tầm gần chục tỷ đồng. Các căn homestay được xây dựng theo dạng nhà nguyên căn, với mức giá 4-5 triệu đồng/đêm (tuỳ thuộc thời gian thuê cuối tuần hay trong tuần). Mỗi căn homestay này ở được khoảng 7 - 8 người/đêm, nên rất phù hợp với du khách là gia đình, nhóm bạn trẻ.

Từ khi bắt đầu khai thác khoảng tháng 4/2022 đến nay, ngày nào 4 căn homestay của chị Mai cũng kín phòng. Đặc biệt, phòng vào các dịp cuối tuần đã kín đến tận tháng 10/2022.

Thời điểm này thị trường bất động sản rất ít giao dịch, vì vậy chuyển sang kinh doanh homestay vừa có nguồn thu đều đặn hàng tháng, giá trị của khu đất cũng được nâng giá trị rõ rệt”, chị Mai nói.

Cũng theo chị Mai, giá thuê trung bình mỗi đêm là 5 triệu đồng/căn, 4 căn là 20 triệu đồng/đêm. 

Mỗi tháng cho thuê được khoảng 15 đêm (bù trừ có những khi không full hết 4 phòng), thì thu nhập cũng khoảng 300 - 400 triệu đồng/tháng. 

Chia sẻ thêm về những dự định trong tương lai, chị Mai cho biết, vẫn giữ nguyên chứ không thay đổi mô hình kinh doanh. Hiện tại, căn nhà chị cho thuê thiên về lưu trú nhiều, không được đầu tư quá nhiều về view hay các tiện ích không gian khác. 

Nếu trước đây, chị quảng cáo trên các app chuyên booking nhưng tình trạng huỷ đơn và mất phí giao dịch từ 15-20% thì nay chị thực hiện rao tin chính trên các hội nhóm du lịch, tiến hành chốt đơn trên đó để vừa dễ dàng theo dõi vừa tiết kiệm một phần chi phí. 

Giống như chị Mai, anh Trần Văn Tiến (Hà Nội) cũng cho hay, anh vốn chuyên đầu tư về đất nghỉ dưỡng ven đô nên lúc thị trường sốt, anh thường chỉ quan tâm đến việc mua bán trao tay các lô đất này kiếm lời. Nhưng từ khi thị trường chững lại, anh chuyển sang xây các căn homestay nghỉ dưỡng để vừa có thu nhập từ việc cho thuê phòng, vừa nâng giá trị đất của mình.

Anh tính toán, lô đất tại Sóc Sơn (Hà Nội) của anh có view hồ, nên làm du lịch nghỉ dưỡng rất phù hợp. Giá của nhiều căn villa nghỉ dưỡng tại khu vực này lên tới 15 - 20 triệu đồng/đêm cho khoảng 20 - 30 du khách.

Bên cạnh đó, khi có khu nghỉ dưỡng xây dựng trên đất, lô đất chắc chắn sẽ có giá trị hơn so với khi hoang hóa.

Tôi dự tính sẽ kinh doanh homestay vài năm để hoàn vốn và chờ thị trường sôi động, sau đó sẽ chuyển nhượng lại cả khu homestay này cho nhà đầu tư khác”, anh Tiến tính toán.

Theo các chuyên gia, khi thị trường nghỉ dưỡng nói riêng và bất động sản nghỉ dưỡng nói chung đang dần chạm đến điểm bão hoà, nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng và lưu trú của rất nhiều người cũng đang dần dịch chuyển theo. Bỏ qua những khu resort nghỉ dưỡng đắt đỏ hay khách sạn hạng sang, kinh doanh homestay đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho nhiều chủ đầu tư kinh doanh lưu trú. 

Khách du lịch cũng tìm đến các homestay nhiều hơn, với nhu cầu làm mới trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng của bản thân. Bên cạnh đó, đầu tư homestay, không cần đầu tư quá nhiều vào nguồn vốn, nguồn lực hay đặc biệt là đội ngũ nhân sự. 

https://vtc.vn/hau-sot-dat-nha-dau-tu-chuyen-huong-do-tien-vao-homestay-ar693908.html

Châu Anh / VTC News