Hậu quả của tình trạng thanh niên Trung Quốc ngại kết hôn

Tỷ lệ sinh thấp, tỷ lệ kết hôn giảm cùng già hóa dân số đang cản trở nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng để tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc.

hau qua cua tinh trang thanh nien trung quoc ngai ket hon
Một đôi vợ chồng sắp cưới chụp ảnh trong studio ở Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Năm ngoái, Trung Quốc có 10,14 triệu cặp vợ chồng đăng ký kết hôn, giảm 4,6% so với năm trước. Tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc liên tục giảm trong những năm qua, bởi thế hệ trẻ ngày càng hờ hững với việc lập gia đình do e ngại vấn đề tài chính trong bối cảnh kinh tế suy yếu.

Liang Zhongtang, nghiên cứu viên của Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho rằng tỷ lệ kết hôn giảm do quy mô dân số trẻ giảm, hậu quả của chính sách một con kéo được duy trì từ năm 1970 tới cuối năm 2015, cũng như áp lực ngày càng cao với tài chính cá nhân.

"Nhiều người không dám lập gia đình hoặc không dám sinh con", Liang nói. Ông đã dành nhiều năm để vận động chính phủ Trung Quốc từ bỏ chính sách một con nghiêm ngặt.

"Trung Quốc có khoảng 300 triệu lao động di cư từ nông thôn lên thành phố. Họ khó hòa nhập với cuộc sống thành thị vì lương thấp, công việc không ổn định và không được tiếp cận với các chính sách xã hội".

Suy nghĩ ngại kết hôn ngày càng phổ biến trong tầng lớp trung lưu Trung Quốc và cũng là vấn đề khiến các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đau đầu khi tìm cách thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình để kinh tế tăng trưởng ổn định.

"Tôi hy vọng mức sống được cải thiện. Tất cả bạn bè tôi đều nhất trí rằng điều kiện kinh tế của vợ chồng là nền tảng cho hôn nhân tốt đẹp", Cecelia Hu, 26 tuổi, nói. Cô là chuyên gia về quan hệ công chúng, độc thân, làm việc ở Bắc Kinh, dùng phần lớn tiền lương để tiết kiệm hoặc đầu tư.

Tiêu dùng cá nhân chiếm hơn 60% tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý II năm nay và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế trong những năm gần đây. Tuy nhiên, để bù đắp tác động của chiến tranh thương mại với Mỹ, chính phủ Trung Quốc hy vọng tiếp tục thúc đẩy chi tiêu của người dân.

Chính phủ Trung Quốc đã giảm thuế thu nhập cá nhân vào năm ngoái và đưa ra một số gói trợ cấp vào năm nay. Tuy nhiên, những động thái này chưa thể đảo ngược xu hướng tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế. Tỷ lệ tăng trưởng doanh số bán lẻ giảm từ 9,8% trong tháng 6 còn 7,6% trong tháng 7, trong khi doanh số ôtô, mặt hàng quan trọng với các gia đình trung lưu Trung Quốc, giảm 11,6% còn 11,5 triệu xe bán ra vào tháng trước. Đây là đà giảm liên tục của mặt hàng này trong 13 tháng.

Xia Dan, nghiên cứu viên Ngân hàng Giao thông Trung Quốc, cho hay những thay đổi về nhân khẩu học như suy giảm tỷ lệ kết hôn, tỷ lệ sinh, dân số già hóa là những yếu tố chính định hình lại xu hướng tiêu dùng. Tỷ lệ kết hôn thấp dẫn tới nhu cầu chi tiêu ít hơn.

Người Trung Quốc sẵn sàng chi một khoản rất lớn cho đám cưới, như mua ôtô, đồ gia dụng, đồ trang sức, cũng như các dịch vụ đi kèm như tổ chức cưới, tiệc tùng và du lịch. Chi tiêu cho cưới hỏi ở Trung Quốc ước tính lên tới 1,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (254 triệu USD) mỗi năm, theo Viện Nghiên cứu Công nghiệp Qianzhan.

Theo Xia, quan trọng nhất là khoản mua bất động sản của các đôi vợ chồng mới cưới, vốn hỗ trợ phát triển bất động sản, công nghiệp vật liệu xây dựng, cũng như đồ nội thất và đồ gia dụng.

"Dù giá trị gia tăng của bất động sản chỉ chiếm 6,6% tổng sản phẩm quốc nội, đóng góp thực tế của nó có thể lên tới 20%", Xia nói.

Năm ngoái, Hiệp hội Công tác Xã hội Trung Quốc lập ra quỹ trợ cấp tiêu dùng hôn nhân tại một số thành phố gồm Thái Nguyên và Đại Đồng (tỉnh Thiểm Tây), Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang), Vu Hồ và Đồng Lăng (tỉnh An Huy). Quỹ cung cấp cho những đôi vợ chồng mới cưới một khoản trợ cấp nhỏ, khoảng 5% cho một số mặt hàng nhất định mà họ mua. Quỹ đã phân phối 95 triệu nhân dân tệ (13,4 triệu USD) thông qua chương trình này cho tỉnh Thiểm Tây năm 2018.

Tuy nhiên, trợ cấp cũng không thể ngăn chặn xu hướng giảm kết hôn trong dài hạn, khi số lượng đăng ký kết hôn năm ngoái ở Thái Nguyên, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, giảm 1.160 trường hợp.

Ít người kết hôn đồng nghĩa với việc ít trẻ em được sinh ra, khiến vấn đề tăng dân số của đất nước thêm khó khăn và ảnh hưởng tới lực lượng lao động trong tương lai.

Dù chính phủ Trung Quốc đã thay đổi chính sách một con năm 2016, cho phép mỗi cặp vợ chồng sinh hai con, số trẻ sơ sinh vẫn tiếp tục giảm. Năm ngoái, Trung Quốc chỉ có 15,23 triệu trẻ sơ sinh, mức thấp nhất từ khi bỏ chính sách một con và cũng là mức thấp nhất kể từ năm 1961 tới nay.

Hồng Hạnh (Theo SCMP)

hau qua cua tinh trang thanh nien trung quoc ngai ket hon Cô dâu, chú rể qua đời 5 phút sau khi kết hôn

Harley và Rhiannon (Mỹ) bị đâm xe trên cao tốc, chưa đầy năm phút sau khi đăng ký kết hôn tại tòa án quận.

hau qua cua tinh trang thanh nien trung quoc ngai ket hon 9X Trung Quốc ngày càng hờ hững kết hôn

Lizzy Ran, nữ bác sĩ 29 tuổi ở tỉnh Hồ Bắc, rất hài lòng với cuộc sống độc thân của mình.

hau qua cua tinh trang thanh nien trung quoc ngai ket hon Cô gái 27 cưới cụ ông 83 vì yêu từ cái nhìn đầu tiên

Với cặp đôi người Indonesia này, tuổi tác không phải là rào cản trong tình yêu.

/ vnexpress.net