Hành trình không điểm dừng

Giải vô địch các CLB Muay quốc gia năm 2022 mới kết thúc ở Khánh Hòa tiếp tục chứng kiến sự phát triển ổn định của đội Muay Hà Nội khi giành ngôi Nhất toàn đoàn ở cả hai lứa tuổi tại giải đấu là 17-18, 18-40. Có được sự phát triển ổn định đó phải bắt nguồn từ quá trình đầu không liên tục với đầy khó khăn của những người làm chuyên môn. Và đó sẽ là hành trình không điểm dừng…

2.jpg -0

Đội Muay Hà Nội giành ngôi Nhất toàn đoàn tại Giải vô địch các CLB Muay quốc gia năm 2022. Ảnh: Dương Thanh.

Đi sau nhưng về trước

Như lời kể của ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT) thì sự có mặt của môn võ Muay tại Đại hội Thể thao trong nhà châu Á được tổ chức ở Việt Nam vào năm 2009 là bàn đạp tốt để môn thể thao này có chỗ đứng vững chắc trong làng thể thao Việt Nam. Rõ nhất là trường hợp của Hà Nội.

Hà Nội cũng là địa phương nhạy bén trong phát triển các môn thể thao mới, phù hợp với điều kiện của mình. Nắm bắt xu hướng phát triển của môn này nên vào năm 2010, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội đã phát triển cùng lúc môn Muay và KickBoxing. Năm đó, vai trò gây dựng và phát triển cả Muay và KickBoxing được trao cho HLV Dương Ngọc Hải, trước đó từng chứng tỏ sự mát tay từ khi phụ trách đội Tán thủ nam và đội boxing nữ của thể thao Hà Tây.

So với nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bình Định, An Giang, Hà Nội đi sau trong việc phát triển võ Muay cũng như KickBoxing. Ngay từ đầu, những người có trách nhiệm đã xác định phải đầu tư, xây dựng lực lượng cơ sở vật chất một cách bài bản, chắc chắn. Để có kiến thức huấn luyện về Muay và KickBoxing, HLV Dương Ngọc Hải cùng đội ngũ huấn luyện viên đã phải ngày đêm mày mò tài liệu về hai bộ môn này. Anh cũng không ngần ngại đến TP Hồ Chí Minh hay Bình Định để học hỏi cách phát triển bộ môn.

Phụ trách bộ Muay và KickBoxing Dương Ngọc Hải kể rằng: “Thay vì chỉ góp nhặt VĐV từ các môn khác sang trong giai đoạn đầu, bộ môn cũng chú ý gây dựng lực lượng với những VĐV trẻ, tập Muay ngay từ đầu để nắm ngay cái “hồn cốt” của môn võ này từ khi bắt đầu nghiệp VĐV”.

Hay về cơ sở vật chất, khi chưa có điều kiện, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội đã đưa đội đi tập thuê tại Nhà thi đấu Cầu Giấy. Tuy nhiên ngay từ lúc ấy, những người có trách nhiệm cũng xác định đây là hướng đi trong ngắn hạn. Còn về lâu dài vẫn phải có nơi ăn, chốn tập ổn định để bảo đảm yêu cầu chuyên môn cũng như quản lý VĐV.

Cũng vì thế, ông Dương Ngọc Hải mới tính chuyện đề xuất với Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội được đầu tư cơ sở tập luyện và ăn ở cho VĐV ngay tại mảnh đất của gia đình ở xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Từ nguồn lực gia đình, vay mượn từ anh em bạn bè theo kiểu “đến khi nào có thì trả” nên dần dà, “đại bản doanh” của Muay và KickBoxing Hà Nội tại xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ cũng hình thành.

Ở đó, ngoài sàn đấu, các thiết bị tập luyện hiện đại, VĐV còn được sinh sống, sinh hoạt trong ngôi nhà 3 tầng khang trang với điều hòa, máy giặt. Ở đây còn có máy phát điện để sử dụng khi mất điện, qua đó bảo đảm sức khỏe cho VĐV; có khoảng sân vừa đủ để VĐV đi dạo, thư giãn sau mỗi buổi tập... Ngoài ra, còn có rau trồng trong vườn, gà thả vườn để đáp ứng tại chỗ yêu cầu dinh dưỡng cho VĐV… Việc này càng phát huy tác dụng trong những ngày Hà Nội giãn cách xã hội. Có lần chính võ sĩ Triệu Thị Phương Thủy, vừa giành HCV tại Giải vô địch các CLB Muay quốc gia, đã nói rằng, nơi đây thực sự là nhà với các VĐV trong đội.

Cũng nhờ cơ ngơi này mà sau đó đội Muay và cả KickBoxxing Hà Nội với gần 70 VĐV không còn phải tập ở nhiều địa điểm mà chỉ tập tại cơ sở ở xã Thanh Đa.

Trong khi đó, thành tích của Muay Hà Nội tại các giải trong hệ thống thi đấu quốc gia luôn ổn định, thường xếp đầu nhờ dàn lực lượng đã ở đẳng cấp thế giới, châu lục… Nói như những người trong cuộc và người gần gũi với bộ môn thì trong đó chứa cả công và của. Và phải đủ tâm huyết để “cho đi”. Bởi thực sự, nhiều thời điểm đội gặp khó khăn cả về vấn đề tập huấn, thi đấu cũng như đầu tư trang thiết bị. Nhưng những người trong cuộc không kêu khó, kêu khổ. Họ chia sẻ khó khăn với đơn vị chủ quản rồi lặng lẽ tìm cách vượt khó.

Vẫn phải đi tiếp

Sau Giải vô địch các CLB Muay quốc gia năm 2022, ngồi lại với nhau, Phụ trách bộ môn Muay và KickBoxing Hà Nội Dương Ngọc Hải bảo rằng, ngoài việc giành ngôi Nhất toàn đoàn tại cả hai lứa tuổi đội cũng hoàn thành chỉ tiêu VĐV góp mặt ở đội tuyển quốc gia để tranh tài tại SEA Games 31. Những cái tên được nhiều kỳ vọng như Bùi Yến Ly, Nguyễn Doãn Long, Triệu Thị Phương Thủy… đều đáp ứng kỳ vọng, xứng đáng với sự đầu tư của ngành Thể thao Hà Nội cũng như các HLV trong đội.

Nhưng rõ ràng, vẫn không thể dừng lại, nhất là việc chăm sóc điều kiện tập luyện, nghỉ ngơi cho VĐV. Ông Dương Ngọc Hải và các HLV trong đội cũng đã huy động một số nguồn lực để mua trang thiết bị đã qua sử dụng để có một phòng tập thể lực tại cơ sở ở Thanh Đa. Ngoài ra, ở cơ sở này cũng xây thêm một số phòng ở với đầy đủ trang thiết bị trong phòng như điều hòa, tivi, mạng internet… dành cho những VĐV hàng đầu. Trong thời gian tới, cơ sở cũng thêm phòng tập. Đương nhiên, đầu tư cho việc này thực sự tốn kém và như ông Dương Ngọc Hải kể rằng, cũng may có gia đình ủng hộ nên mới có thể thực hiện được dự định nâng cấp cơ sở tập luyện, giúp VĐV yên tâm ăn, tập, nghỉ ngơi.

Và đấy cũng chỉ là một phần trong định hướng đưa đội Muay và cả đội KickBoxing Hà Nội tiếp tục giữ ngôi đầu toàn quốc cũng như đóng góp những tấm huy chương thế giới, châu lục hay HCV SEA Games. “Hà Nội từng có Bùi Yến Ly 2 lần vô địch Muay tại đấu trường SEA Games và đương nhiên chúng tôi muốn đóng góp nhiều HCV SEA Games hơn cho thể thao Việt Nam cũng như Hà Nội, nhất là tại SEA Games 31 tới”.

Nhưng về lâu dài, còn cần đến các nguồn lực khác để tiếp thêm nguồn lực cho các VĐV. Một trong những gợi ý thời gian qua chính là việc thành lập Liên đoàn Muay thành phố cũng như Liên đoàn KickBoxing thành phố. Theo ông Dương Ngọc Hải, Hà Nội có nhiều CLB Muay và nguồn lực từ đây cũng rất lớn. Nếu Liên đoàn ra đời sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các VĐV. Đơn cử như nguồn ngân sách nhà nước chỉ có thể đưa VĐV đi tập huấn nước ngoài trong nửa tháng thì với sự chung tay của Liên đoàn sẽ giúp VĐV tập huấn nước ngoài lên 20 ngày hay nhiều hơn… Rồi việc hỗ trợ cho VĐV cũng sẽ tốt hơn, giúp họ yên tâm theo đuổi cái nghiệp. Và đương nhiên, không thể để Liên đoàn lập ra cho có. Thực tế, đây không chỉ là chuyện của Muay, KickBoxing mà còn là chuyện của nhiều môn khác.

Ông Đới Đăng Hỷ, Phó Giám đốc trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội bảo rằng, đúng là môn Muay và cả KickBoxing đã đóng góp nhiều cho thể thao Thủ đô cũng như cả nước nhưng rõ ràng vẫn cần tiếp thêm nguồn lực từ việc xã hội hóa để có thể phát triển ổn định hơn. Điều đó cũng phù hợp xu thế chung.

Thế nên, sự đầu tư cho võ Muay và KickBoxing ở Hà Nội mới là hành trình không ngừng nghỉ!

3 cơ sở đậm chất xã hội hóa

Trong làng thể thao thành tích cao Hà Nội, có 3 cơ sở tập luyện môn Vật, Wushu, Muay và KickBoxing đã được hình thành từ nguồn xã hội hóa và đóng góp đáng kể cho thể thao Thủ đô trong đó có đào tạo, chăm sóc cho VĐV. Đây cũng là điểm khác của thể thao Hà Nội so với nhiều địa phương khác.

Minh Khuê

Minh Hà

Cừu Bảo Long có thể đấu cao thủ Muay Thái Cừu Bảo Long có thể đấu cao thủ Muay Thái
Nữ võ sỹ Việt Nam vô địch Muay Thái thế giới Nữ võ sỹ Việt Nam vô địch Muay Thái thế giới

/ cand.com.vn