Cuộc thương thuyết để Triều Tiên dự Olympic có lúc rơi vào ngõ cụt, nhưng cuối cùng cũng thành công nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ.
Đoàn cổ động viên Triều Tiên tới Hàn Quốc hôm 8/2. Ảnh: AFP. |
Hồi cuối tháng 12 năm ngoái, một nhóm thiếu niên từ Triều Tiên tới thành phố Côn Minh, Trung Quốc, tham dự giải bóng đá U15. Trên sân bóng, họ đối đầu với đội Hàn Quốc và Trung Quốc. Bên ngoài sân cỏ, một khán giả đặc biệt đang theo dõi từng động thái nhỏ tại sự kiện: Ông Choi Moon-soon, thống đốc tỉnh Gangwon, nơi diễn ra Thế vận hội Mùa đông 2018, theo New York Times.
Ông Choi đã bay hơn 1.600 km tới gặp các quan chức Triều Tiên đi theo đoàn vận động viên trẻ để đàm phán về việc Triều Tiên tham dự Thế vận hội. "Chúng tôi tìm kiếm mọi mối liên lạc có thể với Triều Tiên và đội bóng đá thiếu niên là kênh trao đổi liên Triều duy nhất còn tồn tại lúc bấy giờ", ông nhớ lại.
Trước khi ông Choi trở về Hàn Quốc, chính quyền Seoul đã kịp gửi đi một tín hiệu khác: Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết ông sẵn sàng hoãn các cuộc tập trận thường niên với Mỹ, động thái rõ ràng nhằm lấy lòng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người luôn lên án kịch liệt hoạt động này.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên nhanh chóng đáp lại, tuyên bố rằng ông sẽ cử các vận động viên tham dự Thế vận hội và đồng ý diễu hành cùng Hàn Quốc dưới một lá cờ chung tại lễ khai mạc.
Để đạt được bước tiến triển đột phá như vậy, nhà chức trách đã phải mất hàng tháng theo đuổi những nỗ lực ngoại giao thầm lặng nơi hậu trường nhằm thuyết phục Triều Tiên góp mặt trong Thế vận hội.
Giới chuyên gia nhận định giữa bối cảnh căng thẳng, với bóng ma chiến tranh phủ bóng bán đảo, việc thuyết phục Triều Tiên tham gia Thế vận hội thực sự là bài toán khó. Thách thức nằm ở việc những người tổ chức Olympic không thể biết nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn gì và làm cách nào để liên lạc với ông bởi những kênh kết nối thực sự không nhiều.
Muôn trùng trắc trở
Thomas Bach, chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), ban đầu không muốn Thế vận hội Mùa đông tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Pyeongchang, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. Tuy nhiên, mọi việc đã được an bài nên ông chỉ còn cách đảm bảo nó diễn ra thành công.
Bên cạnh việc Triều Tiên năm ngoái gia tăng các vụ thử tên lửa, hạt nhân, thách thức Mỹ - Hàn, những thảm kịch trong quá khứ như vụ Triều Tiên cử điệp viên đánh bom máy bay Hàn Quốc hồi năm 1988 nhằm phá hoại Thế vận hội Mùa hè ở Seoul, khiến triển vọng cho nhiệm vụ thuyết phục Bình Nhưỡng càng trở nên mờ mịt.
Tại Thế vận hội Mùa hè ở Rio de Janeiro, Brazil, năm 2016, Bach đã gặp quan chức Triều Tiên và đề xuất những phương án hỗ trợ tài chính, hậu cần nhằm đưa vận động viên đến Pyeongchang mà không vi phạm các lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc, theo IOC. Tháng hai năm ngoái, IOC gửi thư mời chính thức tới Triều Tiên, đề xuất chi trả mọi chi phí ăn ở, đi lại cho các vận động viên, đồng thời gỡ bỏ một số quy định về tiêu chuẩn đối với họ. Tuy nhiên, Triều Tiên khước từ lời mời này.
Thomas Bach tìm đến Hàn Quốc nhờ trợ giúp. Ông đã gặp Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là bà Park Geun-hye ít nhất ba lần. Nhưng bà Park có quan điểm vô cùng cứng rắn với Triều Tiên và không thể giúp gì nhiều.
Cuối năm 2016, khi Hàn Quốc trải qua cuộc khủng hoảng chính trị khiến Tổng thống Park bị luận tội, ông Bach tìm tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để nhờ cậy. Họ gặp nhau vào tháng 1/2017 tại thành phố Lausanne, Thụy Sĩ, nơi IOC đặt trụ sở. Ông Tập tỏ ý sẵn sàng giúp đỡ song cũng khéo léo truyền đi thông điệp rằng: Ảnh hưởng của Trung Quốc lên Triều Tiên rất hạn chế.
Đến tháng 6, ông Bach tới Washington, gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng. Thế nhưng, vấn đề Triều Tiên không được đề cập nhiều tại cuộc gặp, theo một quan chức chính quyền Mỹ.
Khi ông Bach kết thúc chuyến công tác Bắc Kinh và Seoul vào ngày 4/7, tình hình đột ngột chuyển biến xấu. Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên, đủ khả năng vươn tới Alaska, Mỹ.
Vụ thử tên lửa là đòn giáng mạnh mẽ vào Tổng thống Hàn Quốc mới đắc cử Moon Jae-in, người theo chủ trương hòa giải và giữ thái độ mềm mỏng với Triều Tiên. Ông Moon coi Olympic là cơ hội tốt nhất nhằm xoa dịu căng thẳng trên bán đảo.
Thậm chí, sau khi Triều Tiên phóng ICBM, Tổng thống Moon vẫn chìa cành ôliu cho Bình Nhưỡng. Trong một bài phát biểu tại Berlin, Đức, ông tiếp tục mời Triều Tiên tham dự Thế vận hội và gợi nhắc nhà lãnh đạo Kim Jong-un rằng IOC sẵn sàng đàm phán.
Nhưng Triều Tiên lại phóng ICBM, lần này, tên lửa đủ sức vươn tới California. Một tuần sau, Tổng thống Trump dọa trút "lửa giận" lên Triều Tiên nếu họ đe dọa tới Mỹ.
Các tình nguyện viên phục vụ Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018. Ảnh: AP. |
Trong bối cảnh bầu không khí căng thẳng bao trùm, ông Bach quyết định thử sức thêm lần nữa với Bắc Kinh. Tháng 8/2017, ông gặp Chủ tịch Tập tại thành phố Thiên Tân nhân lễ khai mạc Đại hội Thể thao Quốc gia Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh tỏ ra vô cùng giận dữ trước những vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng nên không mặn mà với việc thuyết phục Triều Tiên dự Thế vận hội, các quan chức Trung Quốc cho hay.
Đến tháng 9, Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân dưới lòng đất mạnh nhất từ trước tới nay. Triển vọng mời Triều Tiên góp mặt tại Olympic gần như tiêu tan.
Bộ trưởng Thể thao Pháp Laura Flessel-Colovic tuyên bố đoàn vận động viên của họ sẽ ở nhà nếu an ninh không được đảm bảo. Canada và Australia cũng thể hiện lo lắng về tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Thomas Bach rơi vào thế khó. Dù biết tiềm ẩn nhiều rủi ro, ông vẫn phải bác bỏ những ý kiến muốn chuyển nơi tổ chức Thế vận hội. "Thảo luận các kịch bản khác về Olympic Mùa đông vào lúc này sẽ truyền đi thông điệp gây hoang mang", ông Bach nói. "Tôi sẽ kiên trì với thông điệp đi ngược lại niềm tin của mình về hòa bình và ngoại giao".
Ông tới Seoul lần thứ hai vào cuối tháng 9/2017 để thảo luận cùng Tổng thống Moon. Cuộc gặp diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Trump có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, dọa "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên.
Trái với ông Trump, trong bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc, Tổng thống Moon vẫn chừa một cánh cửa cho Triều Tiên. "Trái tim tôi tràn ngập niềm sung sướng mỗi lần tưởng tượng ra cảnh các vận động viên Triều Tiên diễu hành giữa sân vận động tại buổi lễ khai mạc Olympic", ông nói.
Nhưng Tổng thống Hàn Quốc tiếp tục bị dội gáo nước lạnh. Triều Tiên cuối tháng 11 phóng thử mẫu ICBM mới mang tên Hwasong-15, có thể vươn tới mọi địa điểm trên lãnh thổ Mỹ.
Olympic Pyeongchang đứng trên bờ vực phá sản. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki R. Haley thậm chí tuyên bố khả năng Mỹ tham dự thế vận hội là "vấn đề còn bỏ ngỏ".
Bước chạy nước rút
5 vòng tròn biểu tượng Olympic được thắp sáng tại thành phố Gangneung, Hàn Quốc. Ảnh: AP. |
Cuối cùng, những dấu hiệu Bình Nhưỡng muốn xuống thang căng thẳng cũng xuất hiện vào tháng 12/2017, khi họ đề nghị quan chức cấp cao Liên Hợp Quốc Jeffrey Feltman tới Triều Tiên. Ông Feltman chấp thuận và lên đường tới Bình Nhưỡng, gặp gỡ các nhà ngoại giao nước này.
"Chúng tôi gợi ý với họ rằng họ cần tận dụng Olympic và dùng Olympic để mở đường đối thoại", ông Feltman cho hay. Phía Triều Tiên không đưa ra cam kết gì nhưng Feltman nhẹ nhàng thuyết phục rằng thế giới chắc chắn sẽ chú ý tới những gì ông Kim nói sắp tới.
Ở Washington, chính quyền Trump bắt đầu thảo luận về vị thế của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Vấn đề nhạy cảm nhất lúc bấy giờ liên quan đến đề xuất của ông Moon hoãn các cuộc tập trận chung đã được lên kế hoạch từ trước đến khi kết thúc Olympic và Paralympic.
Một số quan chức cho rằng việc hoãn tập trận chính là biểu hiện nhượng bộ trước Triều Tiên và làm suy yếu chính sách "gây áp lực tối đa" lên Bình Nhưỡng mà chính quyền Trump đang theo đuổi.
Trong lúc Mỹ cân nhắc, thông tin về việc Hàn Quốc muốn trì hoãn các cuộc tập trận không ngừng xuất hiện trên các bản tin. Sau đó, vào thời điểm giải bóng đá thanh thiếu niên ở Côn Minh diễn ra, Tổng thống Moon lên tiếng công khai xác nhận ông đã đề xuất hoãn tập trận.
Mỹ rút cục cũng đồng ý hoãn, đồng thời ông Kim thông báo sẽ gửi vận động viên tới Hàn Quốc, khiến cả thế giới bất ngờ. Mọi sự chú ý đổ dồn vào Olympic, ngoại giao và thiện chí. Triều Tiên nhận được lời hứa trợ giúp về hậu cần, tài chính và các vận động viên của họ có thể dự Thế vận hội dù họ không đáp ứng một số tiêu chuẩn.
Hôm 7/2, Triều Tiên còn thông báo Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, sẽ dự Thế vận hội, dường như nhằm truyền đi thông điệp rằng Triều Tiên sẵn sàng hòa giải.
Giới chức Nhà Trắng khi đó quay sang kiên quyết bảo vệ quyết định hoãn tập trận, khẳng định Hàn Quốc cần tập trung vào an ninh Olympic bởi tầm quan trọng của sự kiện. "Đối với chúng tôi, đây là vấn đề thiết thực", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói.
Tổng thống Hàn Quốc tiếp tục kiên trì với quan điểm rằng việc Triều Tiên tham dự Olympic có thể dẫn tới các cuộc thảo luận giúp giải quyết khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo. Ông công khai ghi nhận những chính sách cứng rắn của Tổng thống Trump đã góp phần làm dịu căng thẳng.
Tổng thống Trump vui mừng chấp nhận công lao thuộc về mình, tự hào khoe rằng Olympic được xúc tiến là nhờ ông, đồng thời bày tỏ sự hài lòng, thậm chí hy vọng về tương lai.
"Tôi muốn thấy họ tham gia Olympic", ông Trump nói trước các phóng viên hồi tháng 1. "Và có thể đây là điểm bắt đầu của nhiều thứ về sau".
Triều Tiên đòi dầu cho tàu chở nghệ sĩ dự Olympics mùa đông
Triều Tiên đã yêu cầu Hàn Quốc tiếp thêm dầu cho chiếc tàu chở phái đoàn nước này sang Hàn Quốc dự Olympics mùa đông. |
Phái đoàn Olympic Triều Tiên đến Hàn Quốc như thế nào?
Vận động viên Triều Tiên có thể đến Hàn Quốc qua Khu phi quân sự và không ở trong làng Olympic như vận động viên ... |