Hàng trăm hộ dân kêu trời vì ô nhiễm nguồn nước

Nhiều năm nay, cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi một số mỏ cát ở phía thượng nguồn suối Đá xả thải nước ô nhiễm ra môi trường.

Chủ các mỏ cát xả thải trực tiếp nguồn nước ô nhiễm ra suối Đá qua hệ thống đường ống. Ảnh: Nguyên Dũng

Vô tư xả thải nước ô nhiễm ra suối Đá

Nhận được phản ánh của người dân, PV Báo Lao Động có mặt tại hiện trường thượng nguồn suối Đá (xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) để ghi nhận thực tế. Tại đây, 3 mỏ cát rộng hàng chục hécta đang khai thác. Các loại máy đào, máy múc cỡ lớn nằm ngổn ngang. Nhiều máy bơm hút cát đang chọc sâu “vòi rồng” xuống lòng đất hút cát, phát ra tiếng nổ xình xịch inh ỏi, khói bay mù mịt.

Chủ mỏ dùng vòi rồng hút cát từ lòng đất lên bãi rồi dùng nguồn nước tích trữ sẵn từ hệ thống hồ chứa bên cạnh để thau rửa lọc lấy cát sạch. Nước từ công đoạn này sẽ chảy lại các hồ chứa rồi từ hồ chứa đổ trực tiếp ra đầu nguồn suối Đá qua hệ thống đường ống bêtông. Nguồn nước từ 3 mỏ cát chảy ra suối Đá nổi váng, màu đục như nước vo gạo, tanh hôi mùi đất sét.

Quá trình xả thải này đã làm cho hơn 4km chiều dài của suối Đá đổ từ phía thượng nguồn (xã Bưng Riềng) xuống hạ nguồn qua các ấp Thèo Nèo, Lăng Căng, Bình Tiến, Khu 1, Bình An (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) ô nhiễm trầm trọng.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu (66 tuổi, ấp Bình Tiến) cho biết, trước năm 2014, khi 3 mỏ cát trên chưa khai thác, nước suối Đá sạch sẽ, trong vắt, người dân thường ra tắm rửa, giặt giũ.

“Nhưng từ ngày mỏ cát ca đi vào hoạt động, xả thải đến nay, nguồn nước suối Đá bị ô nhiễm nặng. Người dân không dám tắm giặt vì nước đục ngầu, nổi váng, có mùi tanh. Lấy nước tưới cây thì cây chết hàng loạt vì nước bị ô nhiễm. Nhiều hộ gia đình lâm cảnh trắng tay vì hoa màu thất thu. Qua các cuộc họp tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng không có kết quả” - ông Hiếu nói.

Ông Đỗ Quốc Đạt (55 tuổi, ấp Bình Tiến) cho biết thêm, nhiều năm trở lại đây, hơn 4 sào hoa màu của gia đình ông thất thu nặng vì lấy nước suối Đá tưới vào cây là cây còi cọc và đồng loạt chết.

Cũng theo ông Đạt, ngoài tưới tiêu cho cây trồng, nguồn nước suối Đá còn được hàng trăm hộ dân trong địa bàn sử dụng để sinh hoạt, tắm rửa. Nhưng từ ngày nước ô nhiễm, cuộc sống của người dân bị đảo lộn, hàng trăm hộ gia đình lâm cảnh điêu đứng.

Ông Phạm Trung Thành (60 tuổi, ấp Lăng Căng) nói rằng, hiện hàng trăm hộ dân trên địa bàn rất lo lắng vì không thể sử dụng nước suối Đá để phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, tắm giặt.

Bị xử phạt nhiều lần vẫn… tiếp tục xả thải

Liên quan đến vụ việc, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đinh Xuân Dậu - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu - nói rằng, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân tại các thôn như Thèo Nèo, Lăng Căng, Bình Tiến, Khu 1, Bình An đã nhiều lần phản ánh, đề nghị xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường từ nguồn nước suối Đá.

“Chúng tôi đã kiến nghị lên huyện và huyện đã thành lập đoàn xuống hiện trường kiểm tra. Phản ánh của người dân là có cơ sở. Hiện huyện đã có văn bản chỉ đạo các phòng ban kiểm tra và chúng tôi đang chờ cấp trên xử lý” - ông Dậu nói.

Ông Nguyễn Văn Long - Chủ tịch UBND xã Bưng Riềng - cho biết, 3 mỏ khai thác cát gây ô nhiễm nguồn nước suối Đá nói trên thuộc điểm mỏ 55 (xã Bưng Riềng). Vào năm 2010, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã cấp phép cho 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH Hạnh Dũng, Công ty TNHH MTV Khai thác Xây dựng Bảo Châu, Công ty TNHH Dịch vụ Xây dựng Đại Lộc khai thác cát tại đây.

Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, các công ty trên đã nhiều lần vi phạm về công tác bảo vệ môi trường, vi phạm tọa độ khai thác nên đã bị UBND huyện Xuyên Mộc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. “Nhưng thực tế là phạt thì vẫn phạt nhưng các công ty này tiếp tục xả thải ra suối” - ông Long nói.

Cũng theo ông Long, mặc dù biết các doanh nghiệp trên vi phạm về xả thải nhưng xã Bưng Riềng chỉ đi kiểm tra, yêu cầu dừng xả thải và làm báo cáo gửi cấp trên chứ không có thẩm quyền xử lý.

Bà Lê Thị Trang Đài - Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc - cho hay, đơn vị này đã nhiều lần ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường đối với các công ty khai thác cát tại 3 mỏ cát nói trên và hiện tại đã gửi báo cáo cho UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để xin phương án xử lý tiếp theo. 

Công ty Việt Nhật có từ bỏ xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch?
Nước đóng bình lấy từ mương nước thải từng được cung cấp cho học sinh tiểu học
Cảnh báo gia tăng ô nhiễm không khí về đêm tại khu vực miền Bắc

/ laodong.vn