“Biết không được bổ sung biên chế, tại sao lãnh đạo huyện UBND Thanh Oai vẫn ký hợp đồng với hàng trăm giáo viên trong những năm qua. Lãnh đạo ký thừa, tại sao giờ lại đổ đầu giáo viên như thế?” - một trong số gần 300 giáo viên ở Thanh Oai (Hà Nội) có nguy cơ sắp mất việc đặt câu hỏi.
“Ăn trực nằm chờ” ngóng tin
Những ngày qua, bất kể nắng mưa, hàng trăm giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục của huyện Thanh Oai (Hà Nội) thay nhau túc trực ở gần UBND huyện Thanh Oai để chờ tin tức từ chính quyền địa phương.
Với các giáo viên, văn bản số 1020/UBND-NV của UBND huyện Thanh Oai - với nội dung chấm dứt hợp đồng đối với những trường hợp trước đây được UBND huyện ký hợp đồng, để chuyển về các trường do hiệu trưởng xem xét ký - như gáo nước lạnh dội lên tâm huyết của hàng trăm giáo viên hợp đồng nơi đây.
Quyết định chấm dứt hợp đồng với hàng trăm giáo viên ở huyện Thanh Oai.
Thầy Đ.V.T - Trường THCS Cao Dương (Thanh Oai) đã công tác trong ngành được 8 năm. Vợ thầy cũng làm giáo viên mầm non đi dạy được 6 năm nay. Cả hai người đều chung thân phận là giáo viên hợp đồng, ngoài đồng lương hưởng theo lương tối thiểu vùng, thầy cô không nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào khác.
“Lương của tôi vừa tăng thêm 90.000 đồng, được tổng cộng 1.390.000 đồng. Đến nay, cộng dồn tất cả khoản thu nhập của cả hai vợ chồng vẫn chưa được 5 triệu đồng, tằn tiện lắm mới đủ nuôi hai con đang ở tuổi mẫu giáo. Con càng lớn, càng thêm nhiều khoản chi tiêu.
Nay cả hai vợ chồng lại nằm trong diện bị UBND huyện Thanh Oai chấm dứt hợp đồng, thật sự từ hôm nhận quyết định đến giờ, chẳng bữa nào ngủ được ngon giấc. Nếu chưa lập gia đình thì dễ bề xoay sở, nay thêm mấy miệng ăn là cả một gánh lo.
Đời sống khó khăn về kinh tế đã đành, nay tinh thần cũng đang bất ổn. Một tuần nay, từ ngày nhận quyết định với nội dung sẽ bị chấm dứt hợp đồng của UBND huyện, vợ chồng tôi chỉ biết hoang mang, lo lắng”- thầy T tâm sự.
Thầy T và hàng trăm giáo viên có thâm niên công tác từ 20-23 năm trong ngành giáo dục ở huyện Thanh Oai đều có chung mong mỏi phía UBND huyện Thanh Oai có câu trả lời thỏa đáng, có những chính sách để hỗ trợ cho những giáo viên đã gắn bó cả tuổi thanh xuân với nghề giáo. Nếu bây giờ vì lý do thừa giáo viên, thừa biên chế mà đẩy thầy cô ra đường như thế, sẽ khiến nhiều người ở độ tuổi 40-50 không biết xoay sở ra sao.
Lãnh đạo ký thừa, sao bắt giáo viên chịu thiệt?
Cũng theo phản ánh của các giáo viên hợp đồng huyện Thanh Oai (Hà Nội), họ cố lên lớp với đồng lương bèo bọt cũng chỉ vì yêu nghề và nuôi hy vọng một ngày nào đó sẽ được vào biên chế.
“Khi ký hợp đồng với chúng tôi, lãnh đạo huyện đều hứa là sẽ sớm có đợt thi biên chế. Tôi dạy môn Văn từ năm 2008 đến nay, nhưng chẳng có đợt thi tuyển giáo viên Văn nào cả.
Đã thế, hàng năm, UBND huyện và các phòng chức năng vẫn ký thêm hợp đồng, hay nhận biên chế từ các nơi khác chuyển về. Lãnh đạo ký thừa, sao bây giờ lại đổ đầu giáo viên, lại bắt chúng tôi chịu thiệt như thế.
Nay nhiều người đầu đã hai thứ tóc, đi làm công nhân cũng khó, giờ chẳng biết làm gì để nuôi mình và gia đình”- cô N (giáo viên dạy Toán tại một trường ở huyện Thanh Oai - ngậm ngùi.
Về những băn khoăn của giáo viên, ông Nguyễn Tuệ Sơn - Trưởng phòng Nội vụ huyện Thanh Oai - cho biết, huyện chỉ đang làm theo nghị quyết của cấp trên, nếu không làm đúng sẽ bị xử lý.
Ông Sơn cũng cho biết, với gần 300 giáo viên hợp đồng của huyện, thời gian tới sẽ có đợt thi tuyển biên chế. Những ai đỗ sẽ được tiếp tục đứng trên bục giảng, còn không huyện sẽ có định hướng để thầy cô chuyển đổi công việc.
Giáo viên đề nghị bỏ thi trắc nghiệm môn Lịch sử
Nhiều nhà nghiên cứu và giáo viên phân tích, đề thi Lịch sử THPT quốc gia không chỉ đánh đố học sinh mà còn "có ... |
Cà Mau cắt hợp đồng hơn 1.400 giáo viên
Ngành giáo dục Cà Mau còn thiếu trên 1.900 biên chế nhưng tỉnh vẫn cắt hợp đồng 1.405 giáo viên vì những thầy, cô giáo ... |
11 giáo viên Mỹ ngồi tù vì sửa bài thi của thí sinh
Trong vụ gian lận thi cử từng gây chấn động nước Mỹ, 11 giáo viên bị buộc tội và nhận án phạt tù. Không ít ... |