Hàng tiêu dùng, thực phẩm tăng giá

Thị trường hàng hóa ghi nhận dịp sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, một số mặt hàng có xu hướng tăng giá, đặc biệt là các loại hàng thực phẩm như rau, củ, quả, thịt, cá… Tuy nhiên, mức tăng không cao, lượng thực phẩm tiêu thụ không lớn so với dịp trước Tết Nguyên đán.

\\"\\"
Ảnh chụp tại chợ Mun (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Hải NGuyễn

Rau quả, thực phẩm tăng giá

Khác với hệ thống các siêu thị, được bình ổn giá, thị trường hàng hóa, thực phẩm tại các chợ truyền thống, các chợ cóc, những cửa hàng tạp hóa những ngày đầu năm Canh Tý 2020 có nhiều biến động, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm. Theo khảo sát của Báo Lao Động, tại các chợ, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội, một số mặt hàng vẫn giữ nguyên giá so với dịp cuối năm, nhất là những mặt hàng như bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các mặt hàng khô… Tuy nhiên, riêng hàng thực phẩm có xu hướng tăng mạnh, thậm chí có những mặt hàng tăng từ 10.000 - 30.000 đồng so với dịp cuối năm 2019.

Tại các chợ truyền thống, chợ cóc, giá rau xanh tăng từ 3.000-10.000 đồng, tùy theo từng loại rau. Còn thịt lợn, cá, các loại gia súc, gia cầm khác cũng tăng giá từ 10.000 - 30.000 đồng/kg. Điển hình như cá trắm cỏ có trọng lượng từ 5kg trở lên, trước tết Nguyên đán có giá từ 65.000 - 70.000 đồng/kg, nhưng sau Tết Nguyên đán đã tăng lên 85.000 - 90.000 đồng/kg, thậm chí có những chợ bán với giá từ 95.000 - 100.000 đồng/kg.

Không chỉ ở Hà Nội, tại thành phố Hải Phòng, giá thực phẩm cũng tăng mạnh sau Tết Nguyên đán, ghi nhận thực tế tại chợ Cố Đạo (phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền), giá các loại cá, tôm, mực, thịt lợn, thịt bò… tăng từ 15.000 - 30.000 đồng/kg. Riêng các loại rau, củ, quả tăng gấp đôi so với những ngày cuối năm 2019.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1.2020, so với cùng kỳ năm trước và so với dịp trước Tết Nguyên đán 2020, có sự tăng nhẹ, cụ thể: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1.2020 tăng 1,23% so với tháng 12.2019 và tăng 6,43% so với tháng 1.2019, đây là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 1 trong 7 năm gần đây. Việc tăng giá chủ yếu ở các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 như: hàng thực phẩm tăng 114,45% so với cùng kỳ tháng 1.2019; ăn uống gia đình tăng 107,41% so với cùng kỳ năm 2019…

Cũng theo ghi nhận, hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tháng 1.2020 diễn ra sôi động, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1.2020 ước tính đạt 448,1 nghìn tỉ đồng, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cung giảm, cầu tăng

Về việc một số mặt hàng tăng giá dịp sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trao đổi với Báo Lao Động, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế - cho rằng: Sau Tết Nguyên đán, một số siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng chưa mở cửa, còn khu vực chợ truyền thống, chợ cóc, cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ thì bày bán ngay từ mùng 2 Tết. Việc họ tự đẩy giá bán lên là do nhu cầu mua của người dân vẫn còn, trong khi lượng cung hàng hóa sau Tết Nguyên đán thì không còn dồi dào như dịp trước Tết. Đặc biệt ngày hôm nay (5.1.2020 âm lịch - PV), ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lượng người về quê ăn tết lên thành phố nhiều, nhu cầu thực phẩm tăng mạnh, một vài mặt hàng giá cả tăng, chẳng hạn như thịt lợn, cá, rau… hiện tượng tăng giá này là do nguồn cung giảm sâu hơn cầu và sẽ sớm trở lại ổn định - ông Hiếu nhận định.

Theo ông Hiếu, so với cùng kỳ năm trước, hàng hóa có tăng, tuy nhiên việc một số mặt hàng tăng giá trong những ngày đầu năm chưa nói lên điều gì cho sự phát triển của nền kinh tế cũng như lạm phát. Thời gian tới, một số mặt hàng sẽ trở lại ổn định, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận thực tế, đối với thực phẩm, giá cả còn phụ thuộc rất lớn vào khí hậu, thời tiết cũng như các loại dịch bệnh lây lan, chính vì vậy, việc cân đối giữa cung và cầu là rất cần thiết - ông Hiếu nói.

Tăng giá sau tết mang tính tự phát

Ghi nhận của Báo Lao Động, việc một số mặt hàng tăng giá sau Tết Nguyên đán chỉ mang tính tự phát, chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân sau Tết Nguyên đán như lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng… Tại một số siêu thị, giá cả vẫn tương đối ổn định, các mặt hàng vẫn giữ nguyên mức giá so với dịp trước Tết Nguyên đán. Đối với các chợ truyền thống, một số mặt hàng tăng giá, tuy nhiên mức tăng này không quá cao so với cùng kỳ năm trước cũng như so với trước Tết Nguyên đán và người tiêu dùng chấp thuận được.

Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, để bình ổn giá cả thị trường, ngay từ trước Tết Nguyên đán 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn. Trong đó, chú trọng theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường trước, trong và sau Tết nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng, để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật. 

 

“Khách quốc tế đến Việt Nam cao nhất từ trước đến nay: Tháng 1.2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt gần 2 triệu lượt, cao nhất từ trước đến nay, nguyên do bởi nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng và thăm thân nhân của khách quốc tế và Việt kiều tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán 2020. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1.2020 đã tăng 16,6% so với tháng 12.2019 và tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 1.621,6 nghìn lượt người, tăng 38,9%; khách đến bằng đường biển đạt 80,1 nghìn lượt người, tăng 231,5%; riêng khách đến bằng đường bộ giảm 5,8% với lượng khách đạt 292,4 nghìn lượt người. Việc gần 2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Canh tý 2020 đã làm cho lượng hàng hóa tiêu thụ lớn và là một trong những nguyên nhân tăng giá của các loại thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán”. T.Dũng

Tiến Nguyễn

 

/ laodong.vn