Hàng nghìn hộ dân lo lắng, mòn mỏi đợi sổ hồng

Sau một thời gian ra Hà Nội học tập và đi làm, nhiều người đã dành dụm chắt góp để mua được một căn nhà chung cư. Nhưng họ cảm thấy bị “ngược đãi” bởi số tiền họ bỏ ra mua căn hộ rồi nhiều năm sống trong lo lắng, mòn mỏi chờ cấp sổ hồng. Thậm chí, hàng nghìn hộ dân sống ở chung cư tại số 129D phường Trương Định (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) như bị bỏ rơi vì “không được chính quyền thừa nhận” do vi phạm của chủ đầu tư chưa được khắc phục.

Từ ưu đãi thành “ngược đãi”

Chung cư Athena Complex Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) lâu nay tai tiếng với nhiều bất cập. Từ việc chủ đầu tư ôm tiền quỹ bảo trì nhiều năm, phải đến tận tháng 8.2020 mới trả nhưng vẫn còn nợ. Hay như nỗi lo, nỗi bức xúc của người dân ở đây về việc cấp sổ hồng. Đã 2 năm nay, những người dân sống ở đây vẫn lo ngại khi không nhìn thấy sổ hồng của nhà mình. Thậm chí, họ lo sợ khi nhà mình vẫn ở nhưng sổ hồng lại được người khác mang đi cầm cố.

“Dù tôi và nhiều hộ dân ở đây kiến nghị, phản ánh nhưng đến nay mọi việc vẫn không hề tiến triển. Chúng tôi ở nhà của mình nhưng mọi quyền lợi về nhà ở như giấy tờ thì không có” - anh Hoàng Văn Phong, một cư dân ở chung cư Athena Complex Xuân Phương tỏ ra bức xúc.

Trao đổi với PV Lao Động, bà Đỗ Thị Hằng - Trưởng Ban quản trị Chung cư Athena Complex Xuân Phương thừa nhận đã 2 năm nay cư dân vẫn chưa nhận được sổ hồng.

“Chưa có sổ thì chúng tôi chỉ biết vào ở chứ không biết nhà mình có bị thế chấp hay cầm cố sổ ở đâu không. Vừa sống vừa lo” - bà Hằng tâm sự.

Cùng chung cảnh ngộ, cả trăm cư dân mua nhà ở xã hội tại chung cư An Bình Tower (ở phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, phải bỏ vài trăm triệu cùng với tiền vay từ gói tín dụng 30.000 tỉ đồng để mua căn hộ. Nhưng đã ở gần 5 năm song không căn hộ nào được cấp sổ đỏ và cũng không biết đến bao giờ mới được cấp.

Ông Nguyễn Đức Quyết - Phó Trưởng Ban quản trị chung cư An Bình Tower, cho biết, dự án An Bình Tower do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Tây Hồ (Công ty Tây Hồ) có địa chỉ tại số 9, ngõ 7 phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội làm chủ đầu tư. Nhiều năm qua, Ban quản trị chung cư đã thay mặt cư dân làm đơn kiến nghị gửi đến chủ đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền về việc cấp sổ đỏ nhưng chưa được giải quyết.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Trương Văn Đức - Giám đốc Công ty Tây Hồ cho rằng, dự án chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa có đủ căn cứ để xác định thuế đất nên vướng về cấp sổ cho cư dân. Dự án An Bình Tower cũng chưa có quyết định giao đất, chưa hoàn thành thủ tục chuyển mục đích từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Theo ông Đức, hiện hồ sơ đang gửi chính quyền để họ phân tích, xử lý.

“Chúng tôi đang đợi giải phóng mặt bằng để triển khai. Công ty cũng muốn càng sớm càng tốt để hoàn thiện và cấp sổ cho dân” - ông Đức nói thêm.

Được biết, Kiểm toán Nhà nước đang kiểm toán toàn bộ dự án An Bình Tower do chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, đồng thời kiến nghị Công an TP.Hà Nội điều tra một số vấn đề tại dự án này.

Chủ đầu tư vi phạm, cư dân thành “con tin”

Không chỉ riêng hai dự án trên mà tại nhiều dự án ở Hà Nội, người dân đang phải ngậm ngùi chịu đựng.

Điển hình hàng trăm hộ dân mua tại dự án Chung cư 129D Trương Định (quận Hai Ba Trưng, Hà Nội) đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi vì… không được chính quyền thừa nhận. Cụ thể, nhận nhà từ năm 2017 nhưng suốt 3 năm qua, toàn bộ cư dân dự án không được các cấp chính quyền cho làm tạm trú thường trú, nhập hộ khẩu, sinh hoạt Đảng, sinh hoạt đoàn cho thanh thiếu niên nhi đồng, chăm sóc y tế sức khỏe bà mẹ trẻ em, chăm sóc người cao tuổi, không được điều tra dân số.

Theo tìm hiểu, đồng chủ đầu tư dự án 129D Trương Định là Công ty cổ phần Đồng Tháp và Công ty Đầu tư Phát triển Nhà Hà Nội 22 (Handico 22). Cư dân nhiều lần phản ánh đến chủ đầu tư nhưng không nhận được câu trả lời và hai bên quay ra đổ lỗi cho nhau về những sai phạm liên quan việc không nghiệm thu, chậm nộp thuế.

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Trần Anh - Chủ tịch UBND phường Trương Định cũng thừa nhận, các vướng mắc tại Chung cư 129D Trương Định chủ yếu ở đây là do chủ đầu tư. Quyền lợi của các cư dân chưa được đáp ứng. Đề nghị chủ đầu tư phải tìm giải pháp khắc phục để hoàn tất các thủ tục điều chỉnh Giấy phép xây dựng dự án.

Tháng 6 vừa qua, đại diện chủ đầu tư đã họp với cư dân. Tại buổi họp, ông Dương Quốc Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tháp, đại diện chủ đầu tư dự án thừa nhận đang gặp khó khăn không nộp được tiền đất và không thể hoàn tất thủ tục xin điều chỉnh giấy phép xây dựng phục vụ quyền lợi cho các hộ dân. Hiện tại, chủ đầu tư xin Cục thuế Hà Nội gia hạn chậm nộp thuế hoặc thế chấp tài sản...

Dân không có lỗi

* GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT cho rằng, trong quá trình giao dịch người dân không biết đây là các căn hộ có vi phạm pháp luật. Do đó, các giao dịch đều được pháp luật thừa nhận và người gây ra các sai phạm phải là người giải quyết vấn đề này. Người gây ra sai phạm ở đây là chủ đầu tư, là cơ quan chức năng, chứ không phải là người dân.

* PGS-TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TNMT nói, người dân mua nhà, đương nhiên phải được đảm bảo quyền lợi chính đáng. Doanh nghiệp làm sai thì phải khắc phục, không thể thiệt thòi lại đổ lên đầu người dân.

Cao Nguyên - Thanh Hà

Cư dân khốn khổ với chuyện sổ hồng nhà chung cư Cư dân khốn khổ với chuyện sổ hồng nhà chung cư
Chủ đầu tư không làm sổ hồng, người dân nên làm gì? Chủ đầu tư không làm sổ hồng, người dân nên làm gì?
/ laodong.vn