Hàng loạt chiến hạm Mỹ ở Nhật không có chứng nhận sẵn sàng chiến đấu

Báo cáo cho thấy hơn 1/3 tàu khu trục và tuần dương hạm Mỹ ở Nhật không đủ điều kiện sẵn sàng chiến đấu kể từ tháng 6. 

hang loat chien ham my o nhat khong co chung nhan san sang chien dau
Lực lượng của Hạm đội 7 tham gia diễn tập gần Nhật Bản. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) dự kiến đưa ra báo cáo về tình trạng của hạm đội Thái Bình Dương hải quân Mỹ vào ngày 7/9. Trong đó, GAO kết luận 37% số tàu khu trục và tuần dương hạm Mỹ đóng tại Nhật Bản không có chứng nhận sẵn sàng chiến đấu do đã hết hạn từ ba tháng trước, CNN đưa tin.

Con số này tăng gấp 5 lần so với mức 7% được tổng kết đầu năm 2015. Báo cáo của GAO sẽ được đệ trình lên Quốc hội Mỹ, có thể đặt ra nhiều nghi vấn mới về nguyên nhân gây ra 4 vụ tai nạn của hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương trong năm nay. Loạt sự cố đã làm 17 thủy thủ thiệt mạng và hai tàu khu trục hiện đại mất hoàn toàn khả năng chiến đấu, tạo lỗ hổng trong lá chắn tên lửa Mỹ.

Sau vụ tàu chiến USS John S. McCain va chạm với tàu chở dầu ngoài khơi Singapore, tư lệnh Hạm đội 7 đã bị cách chức. Hải quân Mỹ cũng phải ra lệnh ngừng mọi hoạt động trên thế giới trong vòng 24 giờ, một quyết định rất hiếm gặp trong lịch sử nước này. Đô đốc Bill Moran, Phó tham mưu trưởng hải quân Mỹ, đang tham gia cuộc điều trần trước Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ về vụ tai nạn của USS John S. McCain và USS Fitzgerald.

Hạm đội 7 có lực lượng gồm 70-80 tàu nổi và tàu ngầm, đóng quân dài hạn tại Nhật Bản với vai trò là tuyến đầu trong lá chắn phòng thủ đối phó Triều Tiên. Mỗi tàu phải đáp ứng hơn 10 chứng nhận khác nhau, từ khả năng vận hành, cơ động trên biển tới tác chiến chống tên lửa đạn đạo và diệt hạm. GAO nhận định việc không có chứng nhận sẵn sàng chiến đấu có thể bắt nguồn từ yếu tố huấn luyện.

Nguyên nhân của hai vụ tai nạn chết người vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, các lãnh đạo quân đội, nhà lập pháp và bản thân GAO đã cảnh báo sự suy giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của hải quân Mỹ từ lâu. Lý do là số lượng tàu chiến được triển khai không thay đổi, nhưng thời gian thực hiện nhiệm vụ bị kéo dài.

hang loat chien ham my o nhat khong co chung nhan san sang chien dau
Hạm đội 7 sở hữu 70-80 tàu chiến các loại. Ảnh: Hải quân Mỹ.

"Hải quân phải rút ngắn, hủy bỏ hoặc thay đổi chương trình huấn luyện và bảo dưỡng tàu chiến để duy trì yêu cầu tác chiến", ông John Pendleton, giám đốc bộ phận quốc phòng của GAO, viết trong báo cáo.

GAO cũng đưa ra cảnh báo cụ thể nhằm vào các tàu chiến Mỹ đóng quân ở nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản. "Quan chức hải quân cho biết các đơn vị đóng tại Mỹ được huấn luyện và chứng nhận đầy đủ, chỉ có một vài ngoại lệ. Ngược lại, nhịp độ hoạt động cao ở căn cứ nước ngoài khiến binh sĩ hải quân phải vừa học vừa làm, thay vì có giai đoạn huấn luyện chuyên biệt", ông Pendleton tuyên bố.

Hải quân Mỹ đã lên nhiều kế hoạch để thay đổi lịch hoạt động, giúp binh sĩ ở nước ngoài có nhiều thời gian huấn luyện hơn. Tuy nhiên, chưa có kế hoạch nào được áp dụng trong thực tế.

https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/quan-su/hang-loat-chien-ham-my-o-nhat-khong-co-chung-nhan-san-sang-chien-dau-3637928.html

/ VnExpress