COVID-19 đã và đang khiến nhiều hãng hàng không Mỹ rơi vào cảnh khốn đốn, khi liên tục trong những ngày gần đây phải đưa ra cảnh báo về khả năng sa thải nhân viên.
Máy bay của hãng hàng không Southwest Airlines hạ cánh xuống sân bay quốc tế Los Angeles, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã và đang khiến nhiều hãng hàng không Mỹ rơi vào cảnh khốn đốn, khi liên tục trong những ngày gần đây phải đưa ra cảnh báo về khả năng sa thải nhân viên.
Ngày 13/7, Southwest Airlines cho biết hãng này có thể phải buộc các nhân viên nghỉ việc hoặc nghỉ phép không lương nếu lượng hành khách không tăng gấp 3 lần.
Trong thư gửi các nhân viên của công ty, Giám đốc điều hành (CEO) của Southwest Gary Kelly cảnh báo hãng có thể buộc phải cắt giảm nhân viên nếu người dân không sử dụng dịch vụ hàng không.
Ông cũng thừa nhận việc sa thải hoặc cho nhân viên nghỉ phép không lương là phương án cuối cùng của Southwest, do đó hãng không thể loại trừ khả năng này trong tình huống xấu nhất.
Vị CEO này nhấn mạnh Southwest cần một sự phục hồi rõ rệt cho đến cuối năm nay, tương đương với việc số hành khách sử dụng dịch vụ của hãng này phải tăng gấp gần 3 lần con số hiện tại.
Tương tự những hãng hàng không khác của Mỹ, Southwest Airlines cũng đang lao đao do chịu thiệt hại từ các lệnh cấm đi lại trên phạm vi toàn cầu.
Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ cho biết Southwest đã nhận khoản vay của chính phủ trong khuôn khổ Đạo luật Hỗ trợ, cứu trợ và an ninh kinh tế (CARES) trị giá 2.200 tỷ USD, cùng với khoản hỗ trợ khẩn cấp trị giá 3,2 tỷ USD mà hãng này đã nhận hồi đầu năm.
Theo điều khoản của Đạo luật CARES, các hãng hàng không nhận được khoản vay ưu đãi của chính phủ phải bảo toàn việc làm cho người lao động cho đến cuối tháng 9 này.
Hiện Southwest Airlines đang cung cấp hỗ trợ cho người lao động tự nguyện nghỉ việc. Hãng hàng không có trụ sở tại Dallas này đã sử dụng 60.000 lao động trong năm ngoái.
Theo ông Kelly, hãng đang dư thừa nhân viên và số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng, điều này tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của hãng. Hạn cuối để các nhân viên của Southwest Airlines đăng ký các gói nghỉ việc sớm là ngày 15/7.
Máy bay của hãng hàng không Delta Airlines tại sân bay quốc gia Washington ở Arlington, Virginia, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Cũng trong ngày 13/7, một nguồn thạo tin cho biết hãng hàng không Delta Airlines có thể tránh được nguy cơ phải buộc nhân viên nghỉ việc trong mùa Thu này, sau khi hơn 15.000 nhân viên của hãng ngỏ ý chấp nhận các gói ưu đãi nghỉ việc sớm mà hãng đưa ra.
Delta Airlines nằm trong số nhiều hãng hàng không lớn tại Mỹ khuyến khích nhân viên tình nguyện nghỉ việc trước khi lệnh cấm cắt giảm việc làm của chính phủ Mỹ hết hạn vào ngày 30/9.
Đây cũng là thời điểm hãng cảnh báo sẽ phải thu hẹp quy mô lao động do nhu cầu di chuyển suy giảm trầm trọng vì dịch COVID-19.
Hạn chót để hầu hết nhân viên Delta chấp nhận các gói nghỉ việc sớm hoặc nghỉ hưu sớm là trong ngày 13/7.
Hợp đồng lao động yêu cầu các hãng hàng không phải cho nhân viên nghỉ việc theo thứ tự thâm niên công tác, tức là các nhân viên có thâm niên cao sẽ là những người phải nghỉ việc sau cùng và được gọi lại sớm nhất.
Do đó, hãng nào có thể khuyến khích nhiều nhân viên lâu năm nghỉ việc hơn có thể hạ chi phí lao động xuống thấp hơn.
Luật lao động Mỹ cũng yêu cầu các hãng hàng không phải gửi cho nhân viên thông báo buộc nghỉ việc 60 ngày trước khi đưa ra quyết định chính thức.
Triển vọng phục hồi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không vẫn còn mờ mịt trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng cao ở các bang như Florida, Texas và California, nơi các thống đốc bang đã tái áp đặt một số biện pháp phong tỏa hoặc tạm ngừng kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế.
Nhiều hãng hàng không khác của Mỹ đã cảnh báo rất có thể họ sẽ phải cho nhân viên nghỉ làm. Tuần trước, hãng hàng không United Airlines cho biết trong nỗ lực cắt giảm chi phí, hãng có thể sa thải tới 36.000 nhân viên vào ngày 1/10, chiếm gần 38% lực lượng lao động của hãng.
Trong khi đó, một nguồn tin thân cận cũng cho hay American Airlines đang chuẩn bị gửi cảnh báo cùng với các gói ưu đãi nghỉ việc sớm trong tuần này để khuyến khích nhân viên tự nguyện rời đi.
Giới phân tích dự báo ngành hàng không sẽ chưa thể phục hồi trở lại các mức tương ứng của năm 2019 trước năm 2023./.
Ngành hàng không đang cần “cứu trợ” để “vượt sóng” đại dịch
Ngành hàng không có tác động rất lớn tới nền kinh tế đất nước, do đó, cơ chế hỗ trợ cho ngành hậu đại dịch ... |
Các hãng hàng không chưa được đón khách du lịch quốc tế
Theo yêu cầu của Bộ GTVT, các hãng hàng không chưa được mở cửa cho khách du lịch quốc tế nhập cảnh Việt Nam. |