- Hoa Kỳ kết luận sơ bộ điều tra chống bán phá giá sản phẩm đúc bằng sợi nhập khẩu từ Việt Nam
- Thị trường Mỹ áp thuế 46%, doanh nghiệp Việt cần tận dụng tốt thế mạnh từ 17 FTA
Ngay sau khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đạt nhất trí về giảm thuế trong vòng 90 ngày, làn sóng nhập khẩu hàng hóa vào xứ Cờ Hoa nhằm tận dụng khoảng thời gian thuế suất thấp hơn đã bùng nổ.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đàm phán tại Geneve (Thụy Sĩ), từ đó thông qua một thỏa thuận tạm thời về giảm thuế nhập khẩu đối ứng trong vòng 90 ngày kể từ mốc ngày 14-5. Trong đó, Washington giảm thuế từ 145% xuống mức 30% đối với hàng hóa Trung Quốc, còn Bắc Kinh giảm thuế từ 125% xuống mức 10% đối với hàng hóa Mỹ.
Ngay sau khi thỏa thuận được công bố, các nhà nhập khẩu, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhanh chóng tăng cường đặt hàng từ Trung Quốc để đưa tới Hoa Kỳ, nhằm tận dụng mức thuế thấp trong khoảng thời gian 90 ngày trước khi có thể xảy ra các đợt tăng thuế tiếp theo. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ, đặc biệt là khối bán lẻ, cũng tranh thủ dịp này gấp rút tích trữ hàng hóa cho mùa mua sắm cao điểm Black Friday và Giáng Sinh, dẫn đến biến động trong nhu cầu vận chuyển.
Portless - doanh nghiệp chuyên hỗ trợ nhập hàng từ Trung Quốc qua đường hàng không cho biết, các thương hiệu bán hàng trực tuyến của Hoa Kỳ đang đặt thêm nhiều sản phẩm mùa hè như: Đồ bơi, dép, kem chống nắng...
Các nhà bán lẻ như Walmart và Target ngay lập tức điều chỉnh chiến lược nhập hàng để đối phó với biến động thuế và nhu cầu tiêu dùng.
Sự gia tăng đột biến trong nhập khẩu gây áp lực lên hệ thống logistics. Dữ liệu từ công ty theo dõi container Vizion cho thấy, trong tuần bắt đầu từ ngày 5-5 (một ngày sau khi công bố thỏa thuận giảm thuế), lượng đặt chỗ container từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ đã tăng tới 277% so với tuần trước đó.
Hãng Vận tải container Hapag - Lloyd (Đức) cũng cho biết, đơn đặt chỗ cho tuyến Trung Quốc - Hoa Kỳ tăng 50% trong vài ngày đầu tuần này so với tuần trước. Chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong nhu cầu vận chuyển hàng hóa đến Hoa Kỳ, các hãng vận tải biển đã tăng giá cước. Theo Wall Street Journal, giá cước vận chuyển đến Bờ Tây Hoa Kỳ đã tăng 8% trong tuần này và dự kiến tăng đến 50% trong 10 ngày tới.
Tại Hoa Kỳ, các cảng lớn như Los Angeles và Houston, lượng hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh trong những ngày này dẫn đến tình trạng quá tải và tắc nghẽn. Số lượng tàu và khối lượng hàng hóa cập cảng được dự báo còn tăng mạnh trong những tuần tới, vì tàu thường mất 4-6 tuần để đi từ châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng đến Hoa Kỳ. Nhiều nhà nhập khẩu cũng tận dụng kho ngoại quan để lưu trữ hàng hóa, nhằm trì hoãn việc nộp thuế trước khi đưa hàng hóa vào thị trường nội địa.
Theo giới quan sát, dù thỏa thuận tạm thời mang lại cơ hội ngắn hạn cho các nhà nhập khẩu như nêu trên, tác động tiêu cực của hàng rào thuế quan đối với thương mại vẫn rất rõ nét. Giám đốc điều hành Cảng Los Angeles Gene Seroka cho rằng, việc giảm thuế tạm thời tuy giúp gia tăng khối lượng hàng hóa trước mắt, nhưng nhập khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ trong tháng 5-2025 sẽ giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, Global Port Tracker dự báo, nhập khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ trong tháng 5 dự kiến đạt 1,66 triệu TEU (đơn vị tương đương container 20 feet), tức giảm 20,5% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu sự kết thúc của chuỗi 19 tháng tăng liên tiếp.
Lý do chủ yếu là hàng loạt doanh nghiệp đã dừng hoặc hủy bỏ đơn hàng mới sau các đợt tích trữ trước đó. Thực tế, sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump áp thuế quan tổng cộng đến 145% vào ngày 9-4, nhiều doanh nghiệp đã tạm ngưng đặt hàng. Theo dữ liệu của Vizion, lượng đặt container từ Trung Quốc tới Hoa Kỳ đã giảm gần 50% trong tuần cuối tháng 4. Gia tăng nhập khẩu trong thời gian ngắn đã tác động tới thị trường bán lẻ Hoa Kỳ. Doanh số bán lẻ trong tháng 3 tăng 1,7% khi người tiêu dùng tranh thủ mua sắm trước khi thuế tăng, nhưng sau đó chỉ tăng 0,1% trong tháng 4, phản ánh sự chững lại do lo ngại về giá cả và lạm phát.
Trước những diễn biến đầy bất ổn, không ít chuyên gia cảnh báo, việc tiếp tục phản ứng với thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc như một công tắc bật - tắt, sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường, đặc biệt là gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh như vậy, để bảo đảm hoạt động kinh doanh bền vững trong tương lai, các chính phủ, doanh nghiệp cần có chiến lược linh hoạt dài hơi để đối phó hiệu quả với những biến động trong chính sách, đặc biệt là thuế quan.
https://hanoimoi.vn/hang-hoa-do-ve-hoa-ky-khi-thue-quan-noi-long-tranh-thu-khe-cua-hep-702535.html