Hàng giả, hàng nhái luôn rình rập người tiêu dùng

Dù đã được cảnh báo trong nhiều năm qua, hàng giả, hàng nhái vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển trên thị trường Việt Nam, thậm chí ngày càng tinh vi và khó nhận biết. Người tiêu dùng trở thành nạn nhân, còn doanh nghiệp sản xuất thì lao đao khi uy tín, doanh thu, thậm chí cả thị phần bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hàng giả giá rẻ là "mồi câu" nguy hiểm

Tại nhiều chợ truyền thống, cửa hàng nhỏ lẻ hay thậm chí trên các nền tảng thương mại điện tử, đôi khi bạn có thể bắt gặp những sản phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng được bày bán với giá chỉ bằng 1/5 đến 1/10 hàng chính hãng. Từ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang đến linh kiện điện tử hay bất kỳ mặt hàng nào có thương hiệu và sức tiêu thụ lớn đều có thể trở thành “miếng mồi” cho giới làm giả.

Hàng giả hàng nhái vẫn bao vây người tiêu dùng

Hàng giả hàng nhái vẫn bao vây người tiêu dùng Ảnh minh họa: Lâm. AI

Một tiểu thương tại Hà Nội chia sẻ, có những loại nước hoa, son môi giả nhìn y như thật, giá chỉ vài chục nghìn, lại bán rất chạy vì khách thích rẻ. Nhiều người biết là hàng nhái nhưng vẫn mua để dùng.

Theo Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước, chỉ trong 7 tháng năm 2025, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 3.000 vụ việc liên quan đến buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng nhái trên toàn quốc. Tuy nhiên, đây mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Ông Nguyễn Văn Toàn, chuyên gia thị trường thuộc Viện Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân sâu xa khiến hàng giả vẫn tồn tại là vì giá rẻ, dễ tiếp cận trong khi người tiêu dùng còn thiếu kiến thức để phân biệt hàng thật, hàng giả. Cộng với sự dễ dãi trong tâm lý tiêu dùng, môi trường này càng khiến hàng giả vẫn tồn tại.

TS. Trịnh Bá Dương, Chủ tịch Liên minh xúc tiến thương mại ASEAN HUB - chuyên gia đổi mới sáng tạo quốc gia chia sẻ, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng phổ biến trên thị trường với nhiều hình thức tinh vi. Các đối tượng làm giả không chỉ sao chép mẫu mã mà còn giả mạo cả thông tin, dữ liệu và mã truy xuất. Sữa, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… là nhóm hàng hóa có nguy cơ bị làm giả, làm nhái, gian lận thương mại nhiều nhất. Tình trạng này làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường hàng hóa và doanh nghiệp.

Không chỉ người tiêu dùng bị ảnh hưởng về tài chính, sức khỏe mà các doanh nghiệp sản xuất chân chính cũng trở thành nạn nhân trực tiếp của vấn nạn này. Hàng giả không chỉ cướp đi doanh thu mà còn làm xói mòn uy tín thương hiệu được gây dựng trong nhiều năm.

Đại diện công ty sản xuất mỹ phẩm tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, sản phẩm của chúng tôi từng bị làm giả và bán trôi nổi trên mạng xã hội. Hậu quả là khách hàng phản ánh về chất lượng, trong khi đó hoàn toàn không phải hàng do chúng tôi sản xuất. Chúng tôi phải đầu tư thêm chi phí để đổi bao bì, in tem chống giả và thuê đơn vị pháp lý hỗ trợ theo dõi các hành vi vi phạm.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ước tính mỗi năm, các doanh nghiệp trong nước thất thu hàng nghìn tỷ đồng vì hàng giả. Trong khi đó, việc xử lý pháp lý lại không dễ dàng, nhất là khi sản phẩm bị làm giả được bán qua nhiều kênh không chính thống, từ mạng xã hội cho đến chợ bán buôn.

Giải pháp nào để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp?

Trước thực trạng trên, các chuyên gia nhận định rằng việc chống hàng giả không thể đơn lẻ hay theo kiểu chiến dịch mà cần một chiến lược dài hạn, đồng bộ và quyết liệt.

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho biết, công tác kiểm tra, xử lý phải được thực hiện liên tục, không theo mùa vụ. Đồng thời, cần đầu tư mạnh mẽ vào năng lực của lực lượng quản lý thị trường, trang bị công nghệ hiện đại, dữ liệu truy vết và phối hợp tốt với các địa phương, doanh nghiệp.

Hàng giả, hàng nhái  luôn rình rập người tiêu dùng
Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái là cuộc chiến không khoan nhượng

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), trong những tháng đầu năm, các giải pháp công nghệ mới như blockchain, QR code, hologram, NFC, RFID, mã vạch... góp phần quan trọng trong việc phát hiện hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng và thương hiệu.

Về phía doanh nghiệp, giải pháp cấp bách là chủ động bảo vệ thương hiệu bằng cách đăng ký bản quyền, đầu tư vào tem chống giả, mã QR xác minh sản phẩm và kênh phân phối chính hãng. Một số công ty lớn đã ứng dụng công nghệ blockchain để kiểm soát chuỗi cung ứng và đảm bảo tính minh bạch từ nhà máy đến tay người tiêu dùng.

Theo ông Lê Quốc Minh, chuyên gia thương hiệu, mọi công nghệ đều vô nghĩa nếu người tiêu dùng vẫn dễ dãi trong lựa chọn. Giáo dục thị trường là điều quan trọng nhất và các chương trình truyền thông nên hướng tới việc nâng cao nhận thức tiêu dùng bền vững, khuyến khích người dân nói “không” với hàng giả dù rẻ đến đâu.

Đồng thời, cần thiết lập cơ chế phản hồi nhanh giữa doanh nghiệp và cơ quan chức năng. Khi phát hiện hàng giả, doanh nghiệp cần được hỗ trợ nhanh về mặt pháp lý, điều tra và xử lý để tránh tình trạng kéo dài khiến thiệt hại ngày càng nghiêm trọng.

Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái sẽ không thể giành thắng lợi nếu chỉ một bên vào cuộc. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba trụ cột: Nhà nước - Doanh nghiệp - Người tiêu dùng, trong đó mỗi bên phải thực hiện đúng vai trò và trách nhiệm của mình.

Nhà nước giữ vai trò quản lý và chế tài mạnh mẽ. Doanh nghiệp là đối tượng cần tự bảo vệ mình bằng công nghệ, hệ thống phân phối minh bạch và truyền thông rõ ràng. Người tiêu dùng là tuyến phòng thủ mạnh nhất nếu biết lựa chọn sản phẩm đúng nguồn gốc, chính hãng.

Hàng giả, hàng nhái không chỉ là câu chuyện về chất lượng sản phẩm mà còn là vấn đề đạo đức kinh doanh, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và sự phát triển của nền kinh tế. Khi người tiêu dùng từ chối hàng giả, khi doanh nghiệp chủ động bảo vệ thương hiệu và khi Nhà nước xử lý mạnh tay thì đó mới là lúc thị trường trở nên lành mạnh và bền vững thực sự.

https://thoibaonganhang.vn/hang-gia-hang-nhai-luon-rinh-rap-nguoi-tieu-dung-167930.html

Đức Hiền / Theo Thời báo Ngân hàng