Hàn-Triều phóng tên lửa đáp trả nhau: “Chuyện dê trắng-dê đen”

Chuyên gia Nga bình luận về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và động thái phóng tên lửa đáp trả của Hàn Quốc là cả hai bên “chẳng ai tin ai”.

Hàn Quốc phóng 2 tên lửa đáp trả Triều Tiên

Ngay sau khi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung, Hàn Quốc đã đáp trả bằng cách phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Hai bên chẳng bên nào chịu nhường bên nào, nguy cơ xung đột đang hiển hiện trên bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo từ khu vực quận Sunan của thủ đô Bình Nhưỡng về phía đông; bay qua lãnh thổ Nhật Bản, ở khu vực không phận đảo Hokkaido. Sau đó, tên lửa đã rơi xuống biển Thái Bình Dương, cách đảo Hokkaido khoảng 2.000km.

Theo dữ liệu của giới quân sự Nhật Bản và Hàn Quốc, tên lửa đã bay xa khoảng 3.700 km và đạt đến độ cao gần 800 km. Về mặt lý thuyết, tên lửa như vậy phóng từ lãnh thổ Triều Tiên có thể tấn công tới đảo Guam, địa điểm có căn cứ không quân và hải quân Mỹ.

Tuy nhiên, hướng phóng của tên lửa Triều Tiên không gây ra mối đe dọa an ninh đối với đảo Guam của Mỹ. Do đó, rõ ràng là Bình Nhưỡng cũng không muốn gây gổ với Tokyo, Seoul và Washington.

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tuyên bố họ đã phát hiện và theo dõi vụ phóng từ lúc bắt đầu cho đến khi tên lửa rơi, nhưng họ đã không bắn hạ tên lửa của Triều Tiên, vì không có nguy cơ rơi vào lãnh thổ của đất nước và gây thiệt hại - Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osihide Suga cho biết.

Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản cũng đảm bảo an ninh và sự an toàn của nhân dân, bằng cách cung cấp thông tin trên các kênh truyền hình cảnh báo khẩn cấp J -Alert - ông Osihide Suga cho biết tại cuộc họp báo ở Tokyo.

Vụ phóng này là lần thứ hai liên tiếp trong vòng chưa đầy 20 ngày Triều Tiên phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản. Trong lần phóng mới nhất hôm 29/8, một tên lửa đạn đạo tầm trung của nước này đã bay qua đảo Hokkaido của Nhật và rơi xuống Thái Bình Dương.

han trieu phong ten lua dap tra nhau chuyen de trang de den
Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản

Vụ phóng tên lửa này diễn ra chỉ một ngày sau khi Triều Tiên đe dọa sẽ nhấn chìm Nhật và biến nước Mỹ thành “tro bụi và tăm tối", vì đã ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới lên Bình Nhưỡng, sau vụ thử bom H hôm 3-9.

Theo hãng Yonhap đưa tin, trong vụ thử nghiệm tên lửa lần này, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo tầm trung vào lúc 06h57 thì chỉ 6 phút sau, Hàn Quốc đã phóng liên tiếp hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn để đáp trả cuộc thử nghiệm tên lửa của Bình Nhưỡng.

Việc phóng tên lửa chỉ sau 6 phút cho thấy Hàn Quốc đã vội vã đáp trả một cách thiếu chuẩn bị. Điều này thể hiện rõ tâm trạng lo lắng, thiếu bình tĩnh của Seoul. Việc “dùng tên lửa đáp lại tên lửa” cũng cho thấy sự bất lực của họ trong cách giải quyết tình hình bán đảo Triều Tiên.

Sự thiếu thốn về niềm tin giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc hiện nay giống như tình cảnh của 2 con dê trong câu chuyện cổ tích Việt Nam. Dê trắng và dê đen không con nào chịu nhường cho con nào qua cầu trước và rốt cuộc, cả hai con đều rơi xuống nước chết đuối.

Mỹ-Hàn-Triều không bên nào chịu nhún nhường

Trả lời phỏng vấn của Sputnik, Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint-Peterburg của Nga đã nêu quan điểm của ông, lý giải động cơ vì sao Bình Nhưỡng vẫn tiếp nối các cuộc phóng tên lửa.

Bình Nhưỡng hành động trong khuôn khổ logic của mình, cho thế giới thấy rằng họ có đủ đầu đạn cùng phương tiện mang có khả năng uy hiếp các căn cứ quân sự Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương và muốn tuyên cáo rằng, đừng ai dại dột mà động đến Triều Tiên.

Bình Nhưỡng cố gắng phô trương sức mạnh, bởi họ thấy Hàn Quốc công khai tuyên bố cần phải lật đổ chế độ của ông Kim Jong-un ở Triều Tiên; hay là Hoa Kỳ, thì trong quãng thời gian mấy chục năm gần đây cũng liên tiếp can thiệp, lật đổ các chế độ “không yêu thích”.

Saddam Hussein đã bị treo cổ, Muammar Gaddafi cũng chết tức tưởi, cả Slobodan Milosevic cũng chết dần chết mòn trong tù ngục ở Hà Lan, mà các vị nguyên thủ này không có chương trình tên lửa và hạt nhân, thậm chí ông Gaddafi đã từ bỏ chương trình hạt nhân đổi lấy những lời đường mật của Mỹ và cái chết tức tưởi.

GS-TSKH Vladimir Kolotov nhận xét, những người không có chương trình đó hoặc từ bỏ nó đều đã thiệt mạng, còn đất nước họ lâm vào tình trạng tồi tệ hơn rất nhiều so với trước khi cuộc xâm lược của Mỹ diễn ra. Nhà lãnh đạo Tiên Kim Jong-un không nghĩ như vậy, do đó ông ta vẫn còn sống và Triều Tiên đến giờ vẫn yên ổn.

Theo quan điểm của Giáo sư Kolotov, có nghịch lý là những bên hoàn toàn vô can không tạo ra vấn đề thì hiện lại đang được kêu gọi cố gắng giải quyết.

"Người Mỹ rất thạo chiêu gán việc cho người khác. Triều Tiên buộc phải bắt tay thực hiện chương trình tên lửa này, trước hết chính vì mối đe dọa từ phía Mỹ Thế nhưng Hoa Kỳ nói: Bây giờ hãy cứ để Trung Quốc và Nga lo giải quyết vấn đề này" - chuyên gia Nga nhận xét.

han trieu phong ten lua dap tra nhau chuyen de trang de den

Theo lời vị chuyên gia Nga, với những động thái mang tính chất gây hấn cố hữu của Mỹ và Hàn Quốc, hiện nay không có một lối thoát nào giản đơn để ra khỏi tình trạng tồi tệ hiện nay.

Theo ông, tình hình tất nhiên là không bình thường. Nếu Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản đưa ra cam kết rằng họ sẽ không cố gắng xâm lược Triều Tiên, không nỗ lực lật đổ chế độ, thì Triều Tiên chẳng còn cần chương trình tên lửa và hạt nhân làm gì, và tất cả sẽ yên tâm, tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ yên ắng.

Thế nhưng ông nhấn mạnh rằng, vấn đề cốt lõi ở đây là chẳng ai tin ai, Triều Tiên cho rằng Washington và Seoul luôn muốn lật đổ chế độ Bình Nhưỡng, hạ bệ nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Do đó, chỉ có vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa mới là vật bảo đảm khiến Mỹ và Hàn Quốc không dám tấn công họ.

Ngược lại, Washington và Seoul luôn khẳng định Bình Nhưỡng cố gắng phát triển vũ khí hạt nhân và ICBM là để thôn tính Hàn Quốc, tấn công Mỹ. Do đó, không được thỏa hiệp với Triều Tiên, cần phải chặn bàn tay của Kim Jong-un bằng các biện pháp cứng rắn.

Do đó, Washington cùng với Seoul và Bình Nhưỡng không thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề bán đảo Triều Tiên, đồng thời không bên nào chịu xuống thang trước, khiến cho tình hình ngày càng gia tăng căng thẳng.

http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/han-trieu-phong-ten-lua-dap-tra-nhau-chuyen-de-trang-de-den-3343172/

/ Đất Việt