Hàn Quốc, Ấn Độ chỉ trích Bắc Kinh về yêu sách Biển Đông

Hàn Quốc và Ấn Độ lần đầu lên tiếng bày tỏ quan điểm mạnh mẽ, ủng hộ phán quyết của tòa Trọng tài Thường trực với yêu sách Biển Đông của Trung Quốc năm 2016.

Theo Nikkei, lập trường của Hàn Quốc và Ấn Độ cùng với Mỹ, Nhật Bản được đưa ra sau sự việc Trung Quốc gần đây sử dụng vòi rồng chống lại một tàu tiếp tế của Philippines, gây ra phản ứng dữ dội trên toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden triệu tập hội nghị thượng đỉnh ba bên với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại Trại David hôm 18/8. Bên cạnh Triều Tiên, Trung Quốc là chủ đề chi phối cuộc họp ba bên.

Tài liệu công bố sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn, có tên "Tinh thần của Trại David" cho biết ba quốc gia ủng hộ phán quyết chống lại các yêu sách hàng hải mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông của toà Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan, năm 2016. 

anh-man-hinh-2023-08-21-luc-143729-14374663
Hình ảnh cho thấy tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Philippines. (Ảnh: Reuters)

Đề cập đến các hoạt động không an toàn của hải cảnh Trung Quốc gần các tàu của Philippines, tài liệu nêu: "Chúng tôi phản đối mạnh mẽ nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở vùng biển thuộc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Phán quyết của tòa PCA đặt ra cơ sở pháp lý cho việc giải quyết xung đột hàng hải giữa các bên bằng biện pháp hoà bình".

Trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), Gregory Poling, thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, cho biết: "Tuyên bố chung từ cuộc họp Trại David cho thấy sự ủng hộ công khai đầu tiên của Hàn Quốc đối với phán quyết của toà PCA".

Lập trường mạnh mẽ hơn của Hàn Quốc đối với Trung Quốc phản ánh chính sách đối ngoại hướng ngoại hơn, vượt ra ngoài bán đảo Triều Tiên. Sau cuộc họp, Tổng thống Yoon Suk-yeol cam kết hợp tác với Mỹ và Nhật Bản để cung cấp hỗ trợ an ninh hàng hải cho các nước Đông Nam Á.

"Chúng tôi quyết tâm tăng cường hợp tác, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, cùng những vấn đề khác, củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ", ông Yoon Suk-yeol cho hay.

Ông Biden hoan nghênh quan điểm chung của Nhật Bản và Hàn Quốc, nhấn mạnh: "Cùng nhau, chúng ta sẽ bảo vệ luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông".

Ấn Độ gần đây lên tiếng ủng hộ Philippines trong phán quyết năm 2016 về Biển Đông. Ấn Độ và Philippines đã đưa ra tuyên bố chung sau cuộc họp ngoại trưởng hai nước vào cuối tháng 6, nhấn mạnh "sự cần thiết phải giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế", trong đó có cả phán quyết của toà PCA.

Mỹ có thể đã giúp định hình vị thế mới của Ấn Độ. Một tuần trước tuyên bố chung, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và ông Biden đồng ý giải quyết "những thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ, bao gồm cả ở biển Hoa Đông và Biển Đông".

Jeffrey Payne, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược cận Đông Nam Á của Đại học Quốc phòng Mỹ nhận định, Mỹ và Ấn Độ sẽ mở rộng hợp tác ở Biển Đông khi New Delhi tăng cường can dự với Đông Nam Á và các quốc đảo ở Thái Bình Dương.

Chính quyền Biden hy vọng rằng việc liên minh toàn cầu ngày càng gia tăng áp lực sẽ buộc Trung Quốc có sự điều chỉnh về cách hành xử của nước này Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc liên quan đến quân sự hóa Biển Đông.

Cam kết của Mỹ trong việc giúp Philippines đảm bảo các lợi ích của nước này ở Biển Đông là chìa khóa cho sự hợp tác kinh tế và an ninh chặt chẽ hơn giữa hai đồng minh.

Vài ngày sau khi Trung Quốc sử dụng vòi rồng chống lại tàu tiếp tế Philippines vào đầu tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin điện đàm với người đồng cấp Philippines, Gilberto Teodoro, và lên án hành vi trên biển của Trung Quốc.

Kông Anh / VTC News