Là những câu chuyện dài nhiều thú vị về hành trình của món quà quê ngọt, mát vươn ra nước ngoài, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng của bạn bè quốc tế hay mới đây nhất là chắp cánh bay lên cùng Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines.
Vải thiều đang độ chính vụ. Thật quá dễ dàng để thưởng thức món đặc sản ngọt ngào đậm hương vị Việt trên bàn ăn của mỗi gia đình. Thứ quả “da cóc mà bọc bột lọc” ấy là món quà trời ban cho miền đất Bắc. Phải là vùng đất sỏi đá nhưng khí hậu hài hòa như vùng quê gốc của trái vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) hay vùng đất bén duyên với thứ quả thơm lành Lục Ngạn (Bắc Giang) mới là nơi trồng ra loại vải thiều ngọt, ngon bậc nhất.
Vải thiều đang độ chính vụ tươi ngon. Ảnh: Minh Quân
Vải thiều hấp dẫn người thưởng thức ở cái vị ngọt đậm ít loài quả nào sánh kịp cùng với mùi hương thanh mát thỏa vị giác. Bởi thế, từ lâu, vải thiều đã không chỉ là đặc sản của người Việt mà còn dần tỏa đi nhiều nước trên thế giới, đáp ứng khẩu vị của những người sành ăn.
Tin vui đến với người trồng vải thiều khi món quả đặc sản người nông dân quê hương trồng tưới đã chính thức được cung cấp trên các chặng bay từ Hà Nội của Hãng hàng không Vietnam Airlines kể từ ngày 15/6. Thế nhưng, để quả vải thiều vượt qua những tiêu chuẩn chất lượng đầy ngặt nghèo, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của một hãng hàng không 4 sao không phải là điều đơn giản.
Nỗ lực mang thêm một món đặc sản ngọt ngào, mang đậm hương vị truyền thống của mảnh đất quê hương Việt Nam đến với các hành khách trong và ngoài nước, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang để xác định cụ thể nguồn vải thiều.
Vải được phục vụ cho hành khách trong nước và quốc tế trên các chuyến bay được chú trọng nhất là chất lượng và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, bên cạnh việc tìm nguồn vải thiều đúng từ quê hương Lục Ngạn, những quả vải được chọn phải được trồng bón và thu hoạch theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP.
Các sản phẩm nông sản VietGAP không những được sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch đảm bảo an toàn mà còn có chất lượng sản phẩm rất cao và truy nguyên nguồn gốc sản xuất. Đây là những yêu cầu rất quan trọng để đảm bảo chất lượng của các thực phẩm được sử dụng trên các chuyến bay.
Hành trình của sản phẩm nông sản VietGap để lên tới khay thức ăn của các hành khách chưa dừng ở đó. Quả vải thiều còn phải trải qua quy trình cấp vải và kiểm định 3 bước. Vải được hái từ buổi sáng sớm, ngay khi ngắt khỏi cây trong vòng 1 giờ, quả vải được nhúng vào nước lạnh có nhiệt độ từ 2-4 độ C trong vòng thời gian 2 phút. Ở công đoạn thứ hai, vải sau khi làm lạnh được sơ chế (bỏ cành, loại bỏ quả sâu), phân loại và đóng ngay vào thùng xốp cách nhiệt có đá giữ lạnh, vận chuyển đến Công ty suất ăn hàng không Nội Bài (NCS).
Tại Công ty suất ăn hàng không Nội Bài, vải sẽ được tiến hành lọc loại 1 lần nữa, ngâm khử trùng và giữ lạnh, cấp lên chuyến bay. Đây sẽ là quy trình quan trọng để đưa đến những quả vải không chỉ ngon, mát về chất lượng mà còn sạch, tươi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm - tiêu chí hàng đầu khi đưa bữa ăn tới bàn cho hành khách của Vietnam Airlines.
Chia sẻ về nỗ lực đưa một trong những đặc sản vùng miền trở thành món tráng miệng trên tất cả các chặng bay nội địa và quốc tế xuất phát từ Hà Nội có phục vụ bữa ăn trên khay, ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ: “Vietnam Airlines luôn lắng nghe những mong muốn của khách hàng để làm phong phú hơn nữa những trải nghiệm dịch vụ mới lạ, mang lại sự hài lòng, gắn bó hơn nữa với hành khách. Để mang biểu tượng Bông Sen Vàng vươn mình ra thế giới, không có con đường nào gần gũi bằng việc đưa hương vị Việt, những nét văn hóa truyền thống lan tỏa trong từng sản phẩm, dịch vụ của chúng tôi".
Sau vải thiều, dự kiến trong thời gian tới, thêm những đặc sản vùng miền khác như nhãn lồng sẽ tiếp tục theo các chuyến bay của Vietnam Airlines, vẽ lên bức tranh phong phú về các hương vị đặc trưng đất Việt.
Người dân Lục Ngạn chong đèn thu hoạch vải
Từ 2h đêm, người dân Lục Ngan đã thức dậy, chong đèn thu hoạch để kịp đưa vải xuống chợ bán trong buổi sáng. |
Máy bay chở 200 tấn vải thiều Việt bán qua Thái Lan
Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết sẽ có 200 tấn vải thiều được một doanh nghiệp thu mua và chở bằng máy bay ... |
Mỗi ngày Bắc Giang tiêu thụ 6.000 tấn vải thiều
Vải thiều xuất khẩu đã mang về doanh thu khoảng 29 triệu USD, theo UBND tỉnh Bắc Giang. |
Siêu thị tăng tiêu thụ vải thiều
Các siêu thị đang cấp tập tiêu thụ trái vải để hỗ trợ nông dân tránh tình trạng thương lái Trung Quốc ép giá. |
Hải Dương sẽ xuất khẩu 1.000 tấn vải thiều trong năm 2018
Năm 2018, tổng diện tích trồng vải trên địa bàn tỉnh Hải Dương khoảng 10.500 ha, chủ yếu tại huyện Thanh Hà và thị xã ... |