Chợ Phú Hữu và Tân Phú (quận 9) được xây khang trang nhưng sau thời gian ngắn sử dụng thì bị bỏ hoang hơn chục năm nay.
Chợ Phú Hữu (phường Phú Hữu, quận 9) nằm trên khu đất rộng hơn 2.000 m2 với 164 sạp hàng, được xây dựng năm 2004 với kinh phí 1,2 tỷ đồng. Chợ được xây dựng nhằm dẹp bỏ các chợ tự phát và giải tỏa lòng lề đường Nguyễn Duy Trinh.
"Khoảng hai năm đầu cũng có tiểu thương vào chợ bán, nhưng do không nhiều hàng hóa nên người dân ít ghé mua. Hơn nữa chợ tự phát gần đó tiện đường nên sầm uất. Chợ cứ vắng dần rồi bỏ hoang hơn chục năm nay rồi", anh Bình (bảo vệ chợ) cho biết.
Hơn chục năm bỏ hoang, chợ Phú Hữu xuống cấp. Trần mái gỉ sét, mưa dột khắp nơi, các ki-ốt, quầy sạp hư hỏng bụi bẩn bám đầy, đồ đạc vứt ngổn ngang.
Những sạp hàng nhỏ cho tiểu thương bán cá, thịt, rau... gần như hư hỏng hoàn toàn, dưới nền bám đầy rác, mùi ẩm mốc nồng nặc.
Nhiều kết cấu chịu lực bằng bêtông trong chợ mục nát, bong tróc lòi cả sắt ra ngoài.
Các bức tường, nền nhà đều bám đầy bụi, mạng nhện... Đường rãnh thoát nước trong chợ gỉ sét, bị rác lấp kín.
Một chiếc cân bị bỏ đến mục nát. Nhiều vật dụng buôn bán khác của tiểu thương cũng bị bỏ không, hư hỏng.
Ông Trần Phước Hùng (Chủ tịch UBND phường Phú Hữu) cho biết, chợ Phú Hữu tiếp giáp vòng xoay đường Vành đai 2, nơi các phương tiện có tải trọng lớn qua lại thường xuyên, nên việc ra vào chợ rất nguy hiểm.
"Hiện, chợ đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng hoạt động buôn bán. Dù vậy, phường chưa đủ ngân sách, bà con tiểu thương cũng không có khả năng kinh tế để sửa chữa chợ", ông Hùng nói.
Cũng ở địa bàn quận 9, chợ Tân Phú (phường Tân Phú) được xây dựng từ năm 2004 và bị bỏ hoang hơn chục năm nay. Chợ được đầu tư xây dựng với kinh phí khoảng 2,5 tỷ đồng và hoạt động từ tháng 5/2005. Chợ được xây bằng các khung sắt, thép, có diện tích 4.000 m2, gồm 340 sạp và ki-ốt.
"Thời gian đầu cũng có tiểu thương hoạt động nhưng chỉ một thời gian ngắn thì vắng vẻ. Nguyên nhân vì để ra vào chợ phải đi vòng theo Xa lộ Hà Nội cả mấy cây số, ngoài đường thì nhiều container nên rất bất tiện", bảo vệ chợ cho biết.
Hơn 10 năm nay, các ki-ốt vắng tanh, đóng kín cửa, cảnh tối tăm, không một bóng người. Các lối đi cũng tràn ngập rác, mùi hôi thối, nước thải tồn đọng.
Các sạp bán hàng dính lớp bụi bẩn bám dày, rác rưởi, nước thải chảy khắp nơi trong chợ.
Hơn 10 năm bỏ hoang, phần lớn kết cấu kim loại trong và ngoài chợ đều đã gỉ sét, mục nát, bị oxy hóa. Nhiều đồng hồ điện trang bị cho các ki-ốt bị kẻ gian lấy cắp. Các nắp cống, hệ thống phòng cháy chữa cháy bị hư hỏng.
Hiện trong chợ chỉ có một ki-ốt được thuê để bán rau cho người dân xung quanh. Hầu hết tiểu thương có sạp hàng ở chợ đều đã chuyển sang buôn bán ở chợ tự phát gần đó.
Ông Huỳnh Văn Nam (Phó chủ tịch phường Tân Phú) cho biết, chợ được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của bà con tiểu thương lúc bấy giờ vì chợ cũ bị giải tỏa để xây dựng vòng xoay Xuyên Á.
"Tuy nhiên, khi chợ đi vào hoạt động thì chợ bị bỏ không do dân cư thưa thớt, giao thông bất tiện vì chỉ có một con đường duy nhất dẫn vào chợ. UBND phường đã kiến nghị với UBND quận 9 đưa ra phương án sửa chữa theo hình thức xã hội hóa hoặc thay đổi công năng chợ nhằm sử dụng có hiệu quả mặt bằng", ông Nam nói.
Quỳnh Trần
Khu đô thị nghìn tỷ ở Hà Nội bị bỏ hoang nhiều năm
Do thay đổi quy hoạch, khu đô thị Kim Chung - Di Trạch (Hà Nội) với hơn chục dãy biệt thự, nhà liền kề bị ... |
Nhiều chủ đầu tư lớn bị Hà Nội bêu tên bỏ hoang đất hơn 10 năm
Nam Cường, Sông Đà Sudico, Licogi, HANHUD… là những chủ đầu tư lớn được HĐND TP. Hà Nội chỉ ra chậm triển khai dự án, ... |