Hai bệnh nhân nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người" ở Hòa Bình diễn biến nặng, một ca nguy kịch

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đang điều trị 2 bệnh nhân mắc bệnh Whitmore - thường gọi là nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người", trong đó một ca vẫn trong tình trạng nguy kịch.

Bệnh nhân H.N.T. đang trong tình trạng nguy kịch (Ảnh: BVCC)
Bệnh nhân H.N.T. đang trong tình trạng nguy kịch (Ảnh: BVCC)

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, cơ sở này đang điều trị 2 bệnh nhân mắc bệnh Whitmore.

Bệnh nhân thứ nhất là H.N.T, 43 tuổi (ở Đà Bắc, Hoà Bình), đi làm công nhân ở một tỉnh phía Nam. Trước khi vào viện khoảng hơn 1 tháng, bệnh nhân xuất viện sốt cao liên tục, đã đi khám và điều trị nhưng không khỏi.

Cuối tháng 8, bệnh nhân nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng sốt cao, rét run, suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng; được cho thở máy, lọc máu liên tục. Kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị viêm, tràn dịch màng phổi 2 bên, áp xe gan, nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn gây bệnh Whitmore.

Hiện tại bệnh nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch, đang được điều trị, chăm sóc tích cực và hội chẩn nhiều chuyên khoa.

Ổ áp xe cổ tay phải và kết quả cấy máu bệnh nhân B.T.C (Ảnh: BVCC)
Ổ áp xe cổ tay phải và kết quả cấy máu bệnh nhân B.T.C (Ảnh: BVCC)

Bệnh nhân thứ 2 là B.T.C, 59 tuổi (ở Lạc Sơn, Hoà Bình), có tiền sử đái tháo đường. Khi nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, bệnh nhân trong tình trạng suy hô hấp phải hỗ trợ bằng thở máy không xâm nhập, sốt cao liên tục, rét run, có ổ áp xe vùng cổ tay bên phải, chụp cắt lớp vi tính có hình ảnh đám mờ đông đặc và tràn dịch màng phổi 2 bên.

Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn Whitmore. Sau hơn 1 tuần điều trị, hiện tại người bệnh này đã qua cơn nguy kịch.

Theo TS.BS Hoàng Công Tình, Khoa Hồi sức tích cực 1 - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, bệnh Whitmore là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập vào cơ thể con người chủ yếu qua các vết thương ở da, niêm mạc.

Những người có bệnh nền (tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính) có nguy cơ cao mắc bệnh. Đặc biệt, bệnh rất dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh nhiễm khuẩn khác, dẫn đến chậm trễ trong điều trị. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh. Do vậy, người dân cần trang bị các dụng cụ bảo hộ cá nhân như ủng và găng tay không thấm nước khi tiếp xúc với đất, nước bị nhiễm bẩn.

https://www.anninhthudo.vn/hai-benh-nhan-nhiem-vi-khuan-an-thit-nguoi-o-hoa-binh-dien-bien-nang-mot-ca-nguy-kich-post588203.antd

Duy Tiến / ANTD