Hạ viện Nga thông qua biện pháp kinh tế thời chiến

Hạ viện Nga thông qua vòng thảo luận đầu tiên 2 dự luật cho phép chính phủ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cho quân đội theo cơ chế kinh tế thời chiến.

Hôm 5/7, đề cập lý do Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) thảo luận về hai dự luật kinh tế thời chiến, Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov cho biết: "Gánh nặng đối với ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã tăng lên đáng kể. Để đảm bảo nguồn cung vũ khí và đạn dược, cần phải tối ưu hóa công việc của khu vực công nghiệp - quân sự và các doanh nghiệp liên quan".

"Ngay lúc này, khi các nước phương Tây đang tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới với Nga, gia tăng áp lực trừng phạt, cũng như đẩy mạnh cung cấp vũ khí cho Ukraine, thì việc thông qua các dự luật này có ý nghĩa quan trọng", ông Yuri Borisov nhấn mạnh.

1
Hạ viện Nga thông qua cuộc bỏ phiếu đầu tiên về các biện pháp kinh tế thời chiến. (Ảnh: Reuters)

Một trong hai dự luật vừa được thông qua trong vòng thảo luận đầu tiên tại Hạ viện Nga cho biết Chính phủ Nga có thể áp đặt các "biện pháp kinh tế đặc biệt" trong thời gian Moskva tiến hành hoạt động quân sự, yêu cầu các công ty cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho quân đội.

Trong khi đó, dự luật thứ hai sửa đổi bộ luật lao động hiện hành của Nga, cho phép chính phủ nước này có quyền quy định giờ làm việc và xác định ngày nghỉ của nhân viên tại một số doanh nghiệp.

Theo quy định này, Chính phủ Nga có thể yêu cầu nhân viên làm việc trong các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cho quân đội tăng ca ban đêm, cuối tuần và ngày lễ, cũng như không có ngày nghỉ phép năm.

Theo Phó Thủ tướng Yuri Borisov, sẽ không áp dụng trên quy mô lớn với yêu cầu làm thêm giờ và nhân viên sẽ được trả tiền khi làm thêm giờ.

Theo quy trình, cả hai dự luật vẫn cần phải trải qua vòng thảo luận thứ 2 và 3 tại Hạ viện Nga trước khi gửi lên Thượng viện Nga xem xét. Sau đó, nếu được Thượng viện thông qua, 2 dự luật này sẽ được trình lên Tổng thống Vladimir Putin ký ban hành luật.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, phương Tây đã đáp trả bằng những làn sóng trừng phạt liên tiếp, tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine và củng cố lực lượng NATO ở Đông Âu. Nga cũng tung ra các biện pháp đáp trả, liên tục đưa ra các chính sách đối nội để đối phó với tình hình.

KÔNG ANH / VTC News