UBNDTP.Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xén dải phân cách mở rộng mặt đường vành đai 3, đoạn Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân) để giảm ùn tắc. Đây không phải là tuyến đường đầu tiên bị cắt xén dải phân cách với lý do giảm ùn tắc giao thông, trước đó là đường Nguyễn Chí Thanh, rồi Trần Duy Hưng. Việc cắt xén dải phân cách này, ông Đỗ Viết Chiến - Nguyên Cục trưởng cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) - nói thẳng, chỉ là chữa cháy mang tính tạm thời, trong khi nguyên tắc thiết kế đô thị, quy hoạch đô thị vẫn không tuân thủ thì đường Nguyễn Xiển không phải tuyến đường cuối cùng bị xén dải phân cách.
Hà Nội đã phê duyệt chủ trương xén dải phân cách đường Nguyễn Xiển để giảm ùn tắc nhưng theo nhiều chuyên gia quy hoạch, việc này chỉ mang tính tạm thời, không giải quyết được tận gốc vấn đề quy hoạch đô thị. Ảnh: T.C
Xén đường để giảm ùn tắc
Theo chủ trương, dự án xén dải phân cách giữa đường Nguyễn Xiển để mở rộng làn đường xe chạy đường Khuất Duy Tiến góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường vành đai 3. Trên cơ sở mặt bằng hiện trạng, Hà Nội đồng ý xén dải phân cách giữa hiện trạng đảm bảo bề rộng phần xe chạy mỗi hướng chiều rộng từ (12-20m), tùy vào từng vị trí cụ thể trên tuyến, xén đều mỗi bên (từ 1-5m).
“Các đơn vị phải hoàn thiện mặt đường bám theo dải phân cách tại vị trí xén với kết cấu áo đường lấy theo kết cấu hiện tại; di dời các công trình ngầm nổi có trên đoạn tuyến nhằm đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cho đoạn tuyến. Tổ chức lại giao thông khu vực lối lên đường trên cao trước tòa nhà Thăng Long và hoàn thiện lại hệ thống sơn tín hiệu, biển báo đồng bộ” - quyết định nêu rõ.
Nói việc phải xén dải phân cách đường Nguyễn Xiển, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - cho rằng, tuyến đường vành đai 3 lâu nay thường xuyên xảy ra ùn tắc. Đây là trục giao thông chính, phương tiện lưu thông rất đông, nhất là vào giờ cao điểm. Ngoài ra, tại các điểm từ đường trên cao xuống đường vành đai 3 dưới thấp, ùn tắc cũng xảy ra nghiêm trọng.
Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội phải xén đường với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông. Trước đó, việc xén đường cũng đã được làm với đường Nguyễn Chí Thanh - một trong những con đường từng được xem là đẹp nhất Việt Nam. Để có đất cho giao thông, dải phân cách rộng 16m với cây xanh được trồng đẹp như 1 khu vườn mát mẻ và đẹp mắt giữa tuyến đường Nguyễn Chí Thanh đã bị gọt đi chỉ còn khoảng hơn 4,4m.
Với trục đường Nguyễn Chí Thanh, cơ quan chức năng Hà Nội lý giải để “đồng bộ” với tuyến đường liền đó là đường Trần Duy Hưng. Nhưng đường Trần Duy Hưng cũng vừa chịu số phận tương tự khi bị gọt dải cây xanh rộng đẹp ở giữa để “đồng bộ” với hầm chui nối với đại lộ Thăng Long. Tất nhiên, lý do có lẽ không chỉ là sự đồng bộ mà là nỗ lực giải bài toán ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở những con đường giao thông huyết mạch này.
Liệu có hết tắc?
Theo ông Đỗ Viết Chiến - nguyên Cục trưởng cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng)- việc Hà Nội liên tục xén các dải phân cách các đường chỉ là giải pháp tạm thời, mang tính chữa cháy. “Quy chuẩn thiết kế giao thông đã có dải phân cách như vậy, nay thấy đường tắc thì người ta xén dải phân cách đi. Nhưng sau khi khi xén mà đường vẫn tắc thì lấy gì xén tiếp?” - ông Chiến đặt vấn đề.
Cũng theo vị chuyên gia về quy hoạch đô thị này, việc phải cắt xén các dải phân cách các tuyến đường là hệ quả của việc không tuân thủ thiết kế đô thị, quy hoạch đô thị đã được phê duyệt từ trước.
“Trong quy hoạch Thủ đô đã đặt ra các vấn đề cần di chuyển các cơ sở công nghiệp ra ngoại thành, lấy phần đất đó xây dựng các công trình công cộng nhưng không ai làm. Việc di dời các trường đại học, bệnh viện tuyến trung ương ra ngoại thành đã nhắc tới từ lâu nhưng bây giờ vẫn vậy. Những việc này không thực hiện được thì không thể giãn dân ra ngoại thành.
Bên cạnh đó, cao ốc liên tục mọc lên ở tuyến đường trung tâm. Chính 2 việc này khiến dân cư liên tục hút vào nội thành nên đường tắc. Đường tắc thì xén dải phân cách. Chúng ta cứ luẩn quẩn như vậy thì không giải quyết được vấn đề gì” - ông Chiến phân tích.
Trên thực tế, theo quan sát của PV Lao Động, trong các buổi sáng những ngày gần đây, đường Nguyễn Xiển đông kịt người. Quãng đường từ cầu Dậu đến ngã tư Nguyễn Xiển chỉ vỏn vẹn vài km nhưng di chuyển bằng ôtô hay xe máy phải mất hơn 30 phút. Tuy đường ùn tắc như vậy, nhưng trên tuyến đường này, hiện tại đang cõng hàng loạt cao ốc từ 36 tới 45 tầng của cụm chung cư Kim Văn - Kim Lũ, toà nhà 30 tầng EcoGreen, hay khu đô thị Bitexco sắp hình thành.
Bên cạnh đó, theo đồ án thiết kế đô thị 2 bên đường Vành đai 3, tỉ lệ 1/500, đoạn đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển được phê duyệt có chiều dài khoảng 4,22km tại một số khu vực được phép xây dựng công trình cao tối đa tới 50 tầng. Như vậy, với mật độ giao thông hiện tại cộng với các khối cao ốc sắp hình thành trong tương lai có thể lên tới 50 tầng thì đường Nguyễn Xiển dù có làm hẹp dải phân cách vẫn là giải pháp chữa cháy như lời ông Đỗ Viết Chiến nói.
Nỗi sợ hãi giao thông ngày giáp Tết
Trục đường đẹp nhất Việt Nam một thời sau khi xén gần hết dải phân cách vẫn ùn tắc kéo dài, ôtô chiếm phần lớn ... |
Hà Nội chi 12,3 tỷ cắt xén gần 2km dải phân cách đường Khuất Duy Tiến
TP. Hà Nội vừa đồng ý phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xén dải phân cách mở rộng mặt đường vành đai 3 ... |