Sau 10 ngày giãn cách xã hội toàn thành phố, số ca mắc COVID-19 tăng lên chứng tỏ Hà Nội đã đánh giá đúng nguy cơ và đã rà soát đúng các đối tượng.
Thủ đô Hà Nội đã qua 10 ngày giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị số 17/CT-Ủy ban Nhân dân của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội, dựa trên nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tình hình an ninh-chính trị, kinh tế-xã hội, phòng chống dịch bệnh của Hà Nội được đánh giá đang trong tầm kiểm soát.
Sau 3 ngày đầu nhiều lúng túng, những điều bất cập trong các biện pháp giãn cách xã hội đã được điều chỉnh, ý thức tuân thủ các quy định phòng dịch của người dân cũng được nâng cao rõ rệt.
Lực lượng công an tại chốt kiểm soát phường Khâm Thiên, quận Đống Đa kiểm tra giấy tờ, thông tin của người lưu thông qua chốt. Ảnh:TTXVN |
Tính gộp từ sáng 24/7 đến trưa 31/7, cơ quan chức năng đã xử phạt các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng. Dư luận xã hội có sự đồng tình rất cao trước việc các cơ quan chức năng mạnh tay với các đối tượng ra đường không có lý do chính đáng, không đeo khẩu trang, chây ì, không chịu đi cách ly tập trung, chống đối những người đang làm nhiệm vụ…
Trong 5 ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, trung bình mỗi ngày Hà Nội có khoảng 70 ca mắc COVID-19, gần như theo đồ thị "đi ngang". Tuy nhiên, tới những ngày sau của đợt giãn cách, số ca nhiễm tăng cao hơn. Trong ngày 30/7, theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, thành phố ghi nhận 119 ca mắc Covid-19, tới ngày 2/8, số nhiễm bệnh trong ngày được ghi nhận là 113 ca.
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc được ghi nhận đang tăng lên chứng tỏ Hà Nội đã đánh giá đúng nguy cơ và đã rà soát đúng các đối tượng. Phải ít nhất sau 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội thì số ca mắc mới có thể sẽ giảm dần sau khi đạt đỉnh.
Tuy nhiên, để số ca mắc COVID-19 ở Thủ đô giảm dần thì việc giãn cách phải được tuân thủ nghiêm ngặt hơn từ phía chính quyền, các cơ quan chức năng, cùng với sự nghiêm túc thực hiện của người dân.
Đợt dịch mới này khó khăn hơn nhiều so với những đợt dịch trước đó. Các chùm ca bệnh đã xuất hiện rải rác từ quận đến huyện, từ nội thành ra ngoại thành. Thậm chí, một số ổ dịch có diễn biến kéo dài,nhiều chu kỳ lây nhiễm như tại Bệnh viện Phổi Hà Nội; tại thôn Thọ Am (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì); tại phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng); tại phường Tân Mai (quận Hoàng Mai)...
Đáng lo hơn, dịch bệnh đã len lỏi vào một nhánh của hệ thống cung cấp thực phẩm cho các siêu thị, cũng như các ca nhiễm đã xuất hiện tại các chợ đầu mối. Đến thời điểm hiện tại, chợ đầu mối Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm) và chợ Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) đã bị phong tỏa vì có ca mắc COVID-19. Việc tìm nguồn lây cũng như truy vết các trường hợp F1 ở siêu thị, cửa hàng tiện ích và chợ đầu mối cực kỳ phức tạp.
Diễn biến mới đặt ra cho Hà Nội cùng lúc phải giải quyết nhanh hai bài toán: vừa khống chế dịch bệnh vừa tìm nguồn cung cấp thực phẩm cho người dân.
Trong những ngày tới, Hà Nội đã đặt ra các ưu tiên tập trung một số biện pháp cấp bách: Truy vết tối đa trong thời gian ngắn nhất; sàng lọc các đối tượng có triệu chứng như ho, sốt, khó thở, mất vị giác…; tăng cường, tăng tốc xét nghiệm sàng lọc diện rộng đối với các khu vực có nguy cơ, người về từ vùng dịch; cách ly, giám sát, xét nghiệm các nguy cơ đối với các trường hợp về từ vùng dịch và các địa điểm, vùng có nguy cơ khác do cơ quan y tế tham mưu.
Lấy mẫu xét nghiệm ở khu vực có nguy cơ cao. Ảnh: TTXVN |
Tất cả các bệnh viện thuộc sự quản lý của thành phố và các bệnh viện của Trung ương, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được yêu cầu rà soát, xây dựng phương án, kế hoạch bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại đơn vị trình Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã trên địa bàn phê duyệt; các cán bộ, nhân viên bệnh viện thực hiện "4 tại chỗ": làm việc tại chỗ - ăn uống tại chỗ - sinh hoạt, nghỉ ngơi tại chỗ - điều trị tại chỗ."
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố giao nhiệm vụ cho chính quyền quận, huyện, thị xã và các cơ quan chức năng tuyệt đối không để người dân di chuyển ra ngoài địa bàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội, trừ những người được chính quyền cho phép. Chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nếu để người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa phương mình…
Hà Nội ghi nhận 29 ca Covid-19 mới sáng 3-8, thêm 7 nhân viên công ty Thanh Nga
Sáng nay, 3-8, Sở Y tế Hà Nội công bố thêm 29 ca mắc mới vừa ghi nhận tại 11 quận, huyện trên địa bàn ... |
Ảnh: 50 chốt ‘vùng xanh’ phòng chống COVID-19 đầu tiên tại Hà Nội
Để chủ động phòng dịch COIVD-19, 2 phường Mai Động và Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội) thành lập gần 50 “vùng xanh” an ... |
https://nghenghiepcuocsong.vn/ha-noi-trong-tam-kiem-soat-sau-10-ngay-gian-cach-chong-dich/