Hà Nội: Nới lỏng nhưng không buông lỏng

Chiều 15-9, UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 3084/UBND-KGVX về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Dư luận đánh giá, đây là quyết định linh hoạt, kịp thời của thành phố, nới lỏng nhưng không buông lỏng, để vừa tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, vừa tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…

Theo đó, từ 12h ngày 16-9, đối với địa bàn các quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng (từ thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3-9-2021 của Chủ tịch UBND thành phố) được hoạt động một số cơ sở kinh doanh; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hằng ngày.

Việc thành phố nới lỏng có kiểm soát được nhiều người dân quan tâm, ủng hộ. Ảnh minh họa: Quang Thái

Dư luận đánh giá, đây là quyết định linh hoạt, kịp thời của thành phố, nới lỏng nhưng không buông lỏng, để vừa tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, vừa tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…

Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương:
Việc thành phố nới lỏng có kiểm soát được nhiều người dân quan tâm, ủng hộ

Là địa phương thuộc vùng 2, nhiều ngày nay không phát sinh ca F0 mới, nên quận Long Biên đã áp dụng một số biện pháp nới lỏng có kiểm soát theo tinh thần Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3-9-2021 của Chủ tịch UBND thành phố. Các phường duy trì kiểm tra, giám sát về điều kiện phòng, chống dịch với các cơ sở kinh doanh hoạt động trở lại.

Trên toàn quận có 3 trung tâm thương mại, 24 chợ dân sinh và 508 siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng thiết yếu được phép hoạt động. Hoạt động sản xuất phục hồi cơ bản với 54 doanh nghiệp trong khu công nghiệp và 890 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp đang hoạt động. Gần 1.100 cơ sở dịch vụ ăn uống; cửa hàng kinh doanh văn phòng phẩm, sách vở; cửa hàng sửa chữa ô tô, xe máy; cửa hàng vật liệu xây dựng đã được cho phép mở cửa trở lại. Ngoài ra, các công trình xây dựng trên địa bàn quận đều được phép hoạt động trở lại.

Việc UBND thành phố có văn bản chỉ đạo điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống Covid-19 trên địa bàn theo hướng nới lỏng có kiểm soát, có nguyên tắc đã được nhiều người dân tại Long Biên quan tâm, ủng hộ.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường:
Thực hiện triệt để các biện pháp phòng dịch, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm

Hiện nay, 15/20 xã, thị trấn trên địa bàn huyện được thành phố công nhận là "vùng xanh" nhiều ngày nay, nhưng huyện không chủ quan, tiếp tục thực hiện triệt để các biện pháp phòng dịch và quyết liệt xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đồng thời, huyện quyết tâm sớm đưa những xã nằm trong "vùng đỏ" như An Khánh, An Thượng... trở thành "vùng xanh" trong thời gian sớm nhất.

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND thành phố tại Văn bản số 3084/UBND-KGVX ngày 15-9-2021, huyện sẽ có chỉ đạo cụ thể tới các xã, thị trấn; tuyên truyền sâu rộng nội dung văn bản trên hệ thống truyền thanh. Riêng tại những cơ sở kinh doanh dịch vụ thuộc diện được thành phố cho phép hoạt động trở lại, huyện cũng sẽ chỉ đạo các xã, thị trấn phải rà soát, quản lý, giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Khi các cơ sở được phép bán hàng trở lại, chủ cơ sở kinh doanh phải khai báo y tế bắt buộc với nhân viên, thực hiện 5K; quét mã QR bắt buộc với khách đến mua hàng, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tại cơ sở; hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp. Chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải cam kết và chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

Anh Nguyễn Văn Quang, thôn Tiên Tân, xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng):
Tạo thuận lợi cho người dân vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch

Hiện nay, xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) đã nằm trong "vùng xanh", chính quyền địa phương đã nới lỏng một số nội dung trong công tác phòng dịch. Người dân được thực hiện một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, đi lại, nên rất phấn khởi. Tôi cho rằng đây là những quyết định rất linh hoạt, kịp thời của thành phố, theo sát diễn biến từng ngày của dịch bệnh để điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế, ổn định dân sinh…

Riêng với gia đình tôi, có cửa hàng sửa chữa xe máy, những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, tôi đã nghiêm túc đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Khi cửa hàng của gia đình được mở cửa trở lại, cuộc sống sẽ bớt khó khăn hơn.

Tuy vậy, để chủ động cùng với các cấp, các ngành vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch bệnh, mỗi người dân đều không lơ là, chủ quan. Bên cạnh việc tham gia lấy mẫu xét nghiệm và tiêm phòng, chúng tôi nghiêm túc đeo khẩu trang và nhắc nhở người đến cửa hàng đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi giao tiếp, bố trí nước sát khuẩn tay cho khách hàng...

Bà Trần Thị Trọng, thôn Thị Nguyên, xã Cao Dương (huyện Thanh Oai):
Nới lỏng nhưng cần quản lý chặt các dịch vụ mở cửa trở lại

Qua hệ thống loa truyền thanh của xã và các phương tiện thông tin đại chúng, tôi vừa biết thành phố có điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Đây là một thông tin rất vui đối với người dân sau gần 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội.

Xã Cao Dương không có ca mắc mới Covid-19 tại cộng đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, để bảo vệ thành quả chống dịch của thành phố, huyện, xã, mỗi người dân chúng tôi xác định tiếp tục nâng cao ý thức trong việc phòng, chống dịch bệnh, chỉ ra ngoài khi có việc thật sự cần thiết, đeo khẩu trang nơi công cộng, giữ khoảng cách khi đi mua hàng hóa để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình và xã hội.

Để bảo vệ vững chắc “vùng xanh”, chính quyền địa phương vẫn cần làm nghiêm, quản lý chặt chẽ các cửa hàng kinh doanh dịch vụ được phép mở cửa trở lại về phòng, chống dịch theo quy định, bởi lẽ chỉ một chút lơ là sẽ làm mất hết công sức của cả hệ thống chính trị từ thành phố, huyện, xã, người dân thời gian qua.

Anh Hoàng Văn Giang, ở thôn Tân Phú, xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây):
Tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch sẽ góp phần giữ an toàn “vùng xanh”

Gia đình tôi có mở quán bán lẩu, cơm, ở ven đường 21A. Nhưng do thành phố thực hiện công tác phòng dịch và giãn cách xã hội, nên quán phải đóng cửa, nghỉ bán 2 tháng nay, ảnh hưởng lớn đến thu nhập và cuộc sống. Chiều 15-9, tôi được nghe thông tin trên hệ thống truyền thanh xã phát về nội dung văn bản mới của UBND thành phố, theo đó, một số cơ sở kinh doanh được phép mở cửa trở lại, hàng ăn bán cho khách mang về, gia đình tôi phấn khởi quá! Ngày mai gia đình tôi sẽ dọn dẹp lại cửa hàng, liên hệ đặt nguyên liệu... để sớm bán hàng trở lại.

Chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch theo quy định, vừa bảo vệ sức khỏe bản thân, vừa chung sức cùng địa phương đẩy lùi dịch bệnh, để cuộc sống sớm trở lại trạng thái bình thường mới.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Hà Nội cho phép dịch vụ ăn, uống được bán mang về tại một số địa bàn "vùng xanh" Hà Nội cho phép dịch vụ ăn, uống được bán mang về tại một số địa bàn "vùng xanh"

/ hanoimoi.com.vn