Hà Nội nới lỏng giãn cách, phục hồi thị trường lao động thế nào?

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, thị trường lao động thời gian tới phục hồi như thế nào phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh, tỷ lệ bao phủ vaccine cho người dân và hiệu quả của các gói hỗ trợ.

Hà Nội nới lỏng giãn cách, phục hồi thị trường lao động thế nào? ảnh 1

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) vừa có báo cáo về tình hình thị trường lao động, kết nối cung - cầu trong tháng 8. Theo đó, cơ quan này cho biết đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động mạnh vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, những nơi tập trung lượng lớn lao động.

Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là công nhân lao động đang thuê trọ ở các khu nhà trọ trong các khu vực bị phong tỏa, cách ly, lao động trong các doanh nghiệp có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải...

Ngoài ra, nhóm lao động có kỹ năng thấp cũng phải đối mặt với nguy cơ bị ngừng việc hoặc mất việc làm.

Trong tháng 8, nhằm đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh theo các chỉ thị của thành phố, đồng thời đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường lao động trong tình hình mới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội triển khai các hoạt động kết nối việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm, thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động theo hình thức gián tiếp và trực tuyến.

Đã có 484 lượt doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyển dụng với tổng số 7.634 chỉ tiêu; có 1.763 lượt lao động được phỏng vấn kết nối việc làm qua các hình thức gián tiếp (điện thoại, email) và phỏng vấn trực tuyến.

Kết quả đã có 598 lao động được nhận hồ sơ, tuyển dụng. Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục triển khai công tác thu thập việc làm trống, cập nhật thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động vào cơ sở dữ liệu cung cầu, tăng cường kết nối online cho doanh nghiệp và người lao động qua zalo, facebook…

Nhận định về thị trường lao động thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá sẽ phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh, công tác tiêm vaccine cho người dân và hiệu quả của các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế.

Với kịch bản thành phố nới lỏng một phần một số hoạt động kinh tế, sản xuất kinh doanh quan trọng trong trạng thái bình thường mới, thì tình trạng thiếu việc làm sẽ được cải thiện. Dự báo số lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 như: giảm giờ làm, ngừng việc, giảm thu nhập khoảng từ 1 – 1,2 triệu lao động. Số lao động thất nghiệp khoảng từ 5 – 6 nghìn lao động.

Với kịch bản là các hoạt động kinh tế tiếp tục phải đóng cửa, dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở mức 2,7 – 3%, tình trạng thiếu việc làm sẽ tăng cao. Số lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh dự báo khoảng từ 1,5 – 1,7 triệu lao động, số lao động bị thất nghiệp từ 8 – 10 nghìn lao động.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm việc làm Hà Nội, thông tin Trung tâm luôn chuẩn bị các biện pháp để ứng phó với các tình huống dịch bệnh diễn ra để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp phục hồi vượt qua dịch bệnh.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai linh hoạt các biện pháp xây dựng phương án hỗ trợ người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, khai báo thông tin tìm kiếm việc làm dưới hình thức gián tiếp. Quan trọng nhất là dự báo kịp thời về tình hình lao động việc làm trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để có phương án kết nối cung cầu phù hợp với bối cảnh.

Hà Nội sẽ bao phủ vaccine mũi 2 trong tháng 11 Hà Nội sẽ bao phủ vaccine mũi 2 trong tháng 11

Phát biểu tại ngày làm việc thứ 2, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, dự kiến đến ...

Hà Nội chỉ ghi nhận 11 ca Covid-19 trong 3 ngày qua, Hà Nam áp dụng Chỉ thị 16 toàn TP Phủ Lý Hà Nội chỉ ghi nhận 11 ca Covid-19 trong 3 ngày qua, Hà Nam áp dụng Chỉ thị 16 toàn TP Phủ Lý

Tính đến 20h30 tối qua, 23-9, tại Hà Nam tiếp tục ghi nhận thêm 7 ca Covid-19 mới, nâng số mắc lên 56 ca trong ...

/ anninhthudo.vn