Hà Nội nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát từ các ổ dịch nhỏ

Đến ngày 6/9, Hà Nội sẽ hết đợt giãn cách thứ 3 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Hơn 1 tháng thực hiện “biện pháp mạnh”, song dịch COVID-19 ở Thủ đô vẫn đang rất phức tạp với nhiều ca mắc trong cộng đồng, xuất hiện nhiều ổ dịch mới, trong đó có những ổ dịch kéo dài. Ngày 29/8, Hà Nội phát hiện 133 ca mắc mới, đặc biệt ổ dịch ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân đến trưa 30/8 đã có 301 ca mắc chỉ trong 7 ngày.

Nhiều người lo ngại những “đốm lửa nhỏ” ở Thủ đô đang giống với TP Hồ Chí Minh hồi tháng 5 vừa qua, khi ổ dịch ở Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng bắt đầu bùng phát, sau đó lan vào chợ, khu công nghiệp.

Cần giảm bớt mật độ dân cư tại các ổ dịch

Trao đổi với phóng viên Báo CAND chiều 30/8, BS Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết: Ổ dịch ở ngõ 328-330 Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) đã trải qua vài chu kỳ lây nhiễm. Sở dĩ dịch lây lan nhanh là vì mật độ dân cư cao, đất chật, người đông, đặc biệt người dân còn sử dụng chung nhà vệ sinh công cộng, điển hình là tập thể Bóng đèn phích nước Rạng Đông, đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, người dân còn xếp hàng chờ nhau dùng nhà vệ sinh nên lây nhiễm là không thể tránh khỏi. Trong ngày 29/8, ổ dịch có 92 ca dương tính; đến trưa 30/8, có thêm 46 ca. Dự báo trong những ngày tới sẽ còn tiếp tục thêm nhiều ca dương tính nữa.

Hà Nội nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát từ các ổ dịch nhỏ -0

Hà Nội tăng cường các chốt kiểm soát phòng, chống dịch ở khu vực phong tỏa.

Theo BS Khổng Minh Tuấn, CDC Hà Nội đã kiến nghị quận Thanh Xuân tìm phương án giảm bớt mật độ dân cư ở đây, nếu làm được điều này sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, đến nay phương án này chưa được thực hiện. Nhiều người lo ngại, với gần 2.000 người sinh sống trong ổ dịch, những ngày chưa bùng phát, họ có thể đã tiếp xúc với nhiều người ở nơi khác, do đó cần thiết phải phong tỏa cả phường Thanh Xuân Trung.

BS Tuấn cho biết: Đây là hai ngõ độc đạo, TP đã phong tỏa khóa chặt 2 ngõ nên người dân không ra ngoài được và dịch cũng không lây ra ngoài được nữa. Ngay ngày đầu phát hiện dịch ở đây, ngành Y tế đã thông báo những ai có liên quan đến người nhà hoặc người dân ở đây trước khi phong tỏa phải liên hệ với y tế địa phương để lấy mẫu xét nghiệm. Điều lo lắng nhất hiện nay là tiếp tục có các ca dương tính ở trong khu vực phong tỏa.

Theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội, hiện nay, đáng lo ngại của Hà Nội là ổ dịch ở đường Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai liên quan đến nhóm lái xe luồng xanh từ TP Hồ Chí Minh. Tại ổ dịch này đến trưa 30/8 đã ghi nhận 51 ca dương tính trong vòng 6 ngày. Hiện lực lượng y tế đang tiến hành lấy 8.000 mẫu xét nghiệm trên tổng số 16.000 người dân để "vét sạch" F0 ngoài cộng đồng. Tại ổ dịch ở 3 phường Văn Chương, Văn Miếu, Thổ Quan của quận Đống Đa, 3 ổ dịch này do chậm phong tỏa 2 tuần nên dịch đã lây lan rộng. “3 phường của quận Đống Đa nếu không quản chặt sẽ lây lan nhiều vì có nhiều ngóc ngách, nhiều đường ra”, BS Tuấn lo lắng.

Hà Nội có nên thí điểm cách ly F1 ở nhà?

Trong hơn 1 tháng qua, Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp mạnh, như tăng cường các chốt phòng, chống dịch, lập các vùng xanh giao cho chính quyền và tổ dân phố tự quản để bảo vệ vùng xanh; kiểm soát nghiêm ở các vùng vàng, da cam, vùng đỏ. Đồng thời kiểm soát chặt người đi ra ngoài không có lý do… Hà Nội cũng đã mở các đợt xét nghiệm sàng lọc những khu vực nguy cơ cao, đối tượng có nguy cơ cao. Đến nay Hà Nội đã lấy được gần 1 triệu mẫu xét nghiệm, phát hiện nhiều ca dương tính trong cộng đồng.

Tuy nhiên, vì sao đã thực hiện các giải pháp giãn cách, song số ca mắc của Hà Nội vẫn tăng, đặc biệt không ngày nào không xuất hiện các ca dương tính tại khu vực mới? Giải pháp tiếp theo của Hà Nội là gì để khống chế dịch? Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Hà Nội phải nhanh chóng xác định được tất cả các trường hợp đã nhiễm và nguy cơ bị lây nhiễm trong khu vực có nguy cơ cao như ở phường Thanh Xuân Trung, Giáp Bát, Đống Đa, cũng như những khu vực phát hiện ca dương tính qua xét nghiệm sàng lọc. Khi phát hiện được các trường hợp F0 và F1 cần cách ly ngay, tức là "bóc tách" ra khỏi cộng đồng. Hà Nội nên xem xét áp dụng thí điểm cách ly F1 tại nhà để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.

Theo phân tích của PGS Nhung, ngày 29/8, Hà Nội có 133 ca mắc mới, chỉ có 4 ca trong cộng đồng, còn lại 129 ca trong khu cách ly. Việc lây nhiễm chéo trong khu cách ly là hiện hữu, đã có nhiều bài học. Đã có tình trạng nhiều F1 trở thành F0 một cách oan uổng vì lây chéo trong phòng cách ly. Chủng Delta có sức lây rất mạnh, trong phòng cách ly sống chung dài ngày thì khó tránh được lây nhiễm qua đường không khí, tức là đi xa hơn 2 mét, phòng giọt bắn và tiếp xúc không đủ ngăn chặn lây nhiễm. Vì vậy, theo PGS Nhung, những F1 có đủ điều kiện về cách ly tại nhà thì Hà Nội nên áp dụng thí điểm biện pháp này.

Thực tế, Hà Nội đã có nhiều người lây nhiễm chéo tại khu cách ly, có người trải qua 3 vòng cách ly, có người qua 2 vòng cách ly đến vòng thứ 3 thì trở thành F0. Gần đây nhiều công nhân của Công ty SEI ở Đông Anh đã bị lây nhiễm chéo ở khu cách ly, có người xét nghiệm đến lần thứ 4, thứ 5 thì phát hiện dương tính.

Theo đại diện CDC Hà Nội thì TP hiện chưa thực hiện cách ly F1 tại nhà bởi khu cách ly của TP còn đủ. Thứ hai, với ý thức phòng dịch của nhiều người dân chưa cao như hiện nay, việc cách ly tại nhà sẽ lây dịch cho cả khu phố, cả khu tập thể…

Theo ý kiến của một số chuyên gia, Hà Nội đang trong thời điểm nguy cơ cao bùng phát dịch, nếu chỉ thực hiện chủ yếu bằng 5K và giãn cách theo Chỉ thị 16 có lẽ không đủ mạnh và không đủ bền vững để ngăn chặn sự xuất hiện những chùm ca bệnh mới. Nếu không ngăn chặn thì nguy cơ bùng phát dịch lớn như TP Hồ Chí Minh rất có thể xảy ra.

Vì vậy, theo PSG.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), việc quan trọng nhất của Hà Nội lúc này là nhanh chóng và đẩy mạnh tiêm vaccine diện rộng cho người dân. Ông Phu cũng nói, đây là “thời điểm vàng” để tiêm vaccine của Hà Nội vì TP đang ở giai đoạn nguy cơ cao. Trong điều kiện vaccine còn hạn hẹp như hiện nay cần ưu tiên cho Hà Nội, bởi có bảo vệ được Thủ đô thì mới bảo vệ được cả nước.

Sáng 31-8, Hà Nội thêm 13 ca Covid-19 mới, 6 người sống trong khu vực đang phong tỏa Sáng 31-8, Hà Nội thêm 13 ca Covid-19 mới, 6 người sống trong khu vực đang phong tỏa

Sáng sớm nay, 31-8, Sở Y tế Hà Nội công bố thêm 13 ca Covid-19 mới vừa ghi nhận trong đêm, gồm 6 người sống ...

/ cand.com.vn