Chủ tịch UBND TP Hà Nội kêu gọi người dân ủng hộ các biện pháp của thành phố và có hành động cụ thể để giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Sáng 25/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ban hành chỉ thị về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện Chỉ số chất lượng không khí (AQI).
Mây mù lúc 8h30 sáng ngày 18/12 khu vực toà nhà Keangnam - toà nhà 72 tầng, cao nhất Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành. |
Chỉ thị nêu, trường hợp khi ô nhiễm không khí chạm mức "nguy hại" - chỉ số AQI >300, Sở Tài nguyên Môi trường có trách nhiệm thông báo tới Sở Giáo dục Đào tạo để chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học điều chỉnh lịch học phù hợp; đồng thời báo Sở Y tế để có biện pháp bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Sở Y tế được yêu cầu xây dựng phương án hướng dẫn người dân phòng ngừa trong những ngày chất lượng không khí ở mức "xấu", "rất xấu" và "nguy hại".
Kết quả quan trắc chất lượng không khí (AQI) của Cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội lúc 12h ngày 25/12. |
Lãnh đạo Hà Nội cũng nêu lại những giải pháp thành phố đã và đang thực hiện như quan trắc và công khai kết quả; khuyến khích người dân dùng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân; vận động người dân không đốt rác, đốt rơm rạ. Các hộ gia đình trong sinh hoạt và sản xuất kinh doanh không sử dụng bếp than tổ ong hoặc các nhiên liệu than cấp thấp...
Những giải pháp trên đã được thành phố đề ra từ trước đó nhưng chưa hiệu quả. Phương tiện giao thông cá nhân ngày càng tăng, tình trạng ùn tắc giờ cao điểm trầm trọng trên nhiều tuyến phố. Tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch tái diễn ở nhiều địa phương. Toàn thành phố còn trên 22.000 bếp than tổ ong, trên 500 tấn than vẫn được đốt mỗi ngày. Tỷ lệ xử lý rác thải bằng chôn lấp vẫn chiếm đa số, nước thải được xử lý mới đạt trên 20%...
Chủ tịch UBND thành phố kêu gọi các cơ quan, đơn vị, toàn dân Thủ đô tham gia và ủng hộ các biện pháp của chính quyền, có hành động thiết thực để nâng chất lượng môi trường không khí của thành phố.
Thành phố cũng khuyến khích người dân phát huy vai trò giám sát với các hoạt động gây ô nhiễm. Người dân có thể cung cấp video, hình ảnh các phương tiện chở quá tải, không che chắn gây phát tán bụi, phế thải tới các cơ quan chức năng.
Chỉ thị được ban hành trong bối cảnh chất lượng không khí Hà Nội liên tục bị cảnh báo ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người. Thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, từ đầu năm đến nay thành phố có sáu đợt ô nhiễm không khí kéo dài, trung bình mỗi đợt 5-10 ngày, trong đó điển hình là đợt ô nhiễm ngày 8 đến 14/12, chất lượng không khí thường xuyên ở mức "xấu" và "rất xấu".
Kết quả quan trắc của thành phố lúc 12h ngày 25/12 cho thấy chỉ số AQI nhiều khu vực đường vành đai 2, 3 ở mức Trung bình - mức khuyến cáo nhóm nhạy cảm (người già, trẻ em, người mắc bệnh tim mạch) hạn chế ra đường. Quốc lộ 32, đoạn Nhổn, chất lượng không khí ở mức Kém (màu cam) - mức ảnh hưởng sức khỏe nhóm nhạy cảm. Thang đo AQI còn có các mức Xấu (người dân hạn chế ra đường), Rất xấu (cảnh báo khẩn cấp, ảnh hưởng sức khỏe mọi người) và Nguy hại (báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe mọi người).
Thành phố Hà Nội chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm gồm: khí xả thải từ ôtô, xe máy; đun than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Các nguyên nhân khác là: đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.
Võ Hải