Hà Nội họp \"giải cứu\" cả nghìn tấn củ cải ế

Sở Công Thương sẽ gửi văn bản đến các cơ quan, đoàn thể để kêu gọi giúp nông dân tiêu thụ toàn bộ số lượng củ cải còn ứ đọng.

Củ cải ế bị vứt bỏ ở Hà Nội. Video: Trần Quang

Sáng 16/3, TP Hà Nội đã họp tìm cách tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ hàng nghìn tấn củ cải ngọt được trồng tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh.

Ông Vũ Văn Kỳ - Giám đốc hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt) cho biết, toàn xã có 80 ha trồng củ cải, trong đó diện tích củ cải đến thời gian thu hoạch khoảng 20 ha, sản lượng 1.500 tấn, đang ứ đọng và cần tiêu thụ gấp trong 10-15 ngày tới. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn khoảng 20 ha củ cải ở giai đoạn cây non.

ha noi hop giai cuu ca nghin tan cu cai e
Hàng nghìn tấn củ cải đã bị người dân xã Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội nhổ bỏ. Ảnh: Ngọc Thành.

Theo ông Kỳ, hiện giá củ cải bán tại thôn Đông Cao khoảng 1.500-2.000 đồng mỗi kg (thời điểm được giá là 14.000 đồng mỗi kg); củ cải già dùng để sấy khô, muối khoảng 1.000 đồng mỗi kg. Việc củ cải ứ đọng, phải nhổ bỏ và tiêu hủy gây thiệt hại từ 1,5 đến 2 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân giá củ cải giảm, ông Kỳ nhận định, do thời tiết thuận lợi nên cây rau phát triển nhanh, năng suất cao, cung vượt cầu

Ông Ngô Minh Hoa - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp thôn Tráng Việt cho hay, trước Tết củ cải được giá nhưng nông dân có tâm lý để sau Tết bán cao hơn, một số hộ còn gom hàng vào. "Ra tết rau vào vụ, sản lượng nhiều và phong phú khiến cho giá rơi thê thảm", ông Hoa nói.

Tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp thu mua, phân phối cho rằng, nếu việc rớt giá, chậm tiêu thụ được thông tin nhanh hơn, linh hoạt hơn trong cách thu mua thì có thể giải quyết sớm khó khăn cho người nông dân. Trước mắt, các doanh nghiệp cam kết hỗ trợ thu mua củ cải đảm bảo chất lượng với giá thành hợp lý.

Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở sẽ triển khai chương trình đồng loạt trên hệ thống phân phối của thành phố để hỗ trợ tiêu thụ hơn 1.000 tấn củ cải cho người dân; làm văn bản gửi đến các cơ quan, đoàn thể kêu gọi giúp nông dân tiêu thụ với giá ổn định.

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng liên hệ với nhà máy bánh mứt kẹo Hà Nội và bánh mứt kẹo Tràng An, để hai cơ sở này hỗ trợ người dân sấy khô không lấy công. Tuy nhiên, nhà máy bánh mứt kẹo Hà Nội chỉ được khoảng 2 tấn mỗi ngày, Tràng An từ 10 đến 20 tấn mỗi ngày.

"Hợp tác xã cân đối lượng hàng bán tươi, còn bao nhiêu thì sấy khô, không để tình trạng người dân nhổ bỏ củ cải vứt ra ngoài đồng, gây lãng phí", bà Lan nói.

Về lâu dài, lãnh đạo ngành công thương Hà Nội cho rằng, chính quyền xã nên nghiên cứu, ngoài củ cải thì địa phương có thể trồng loại rau gì khác để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Hợp tác xã và người nông dân cũng cần thay đổi thói quen sản xuất, tiến tới các mặt hàng có thương hiệu tốt về an toàn thực phẩm và mẫu mã.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tình trạng sản lượng ế thừa ở các vùng rau chuyên canh miền Bắc không xảy ra trên diện rộng mà chỉ cục bộ, gồm Hà Nội và Hải Dương với 2 loại rau là củ cải trắng và su hào. Hiện cơ quan chức năng đang tổng rà soát để hướng dẫn các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp.
ha noi hop giai cuu ca nghin tan cu cai e Bộ Nông nghiệp nói gì chuyện nông dân phải nhổ bỏ hàng nghìn tấn rau?

Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rau rẻ, dư thừa khiến nông dân phải nhổ bỏ, trong đó ...

ha noi hop giai cuu ca nghin tan cu cai e Cục trưởng Cục trồng trọt nói gì về hàng trăm tấn củ cải, su hào ế thừa phải chặt bỏ?

"Rau ế thừa phải chặt bỏ chỉ xảy ra ở Hà Nội và Hải Dương” - đó là thông tin của ông Nguyễn Hồng Sơn ...

/ VnExpress