Hà Nội: Hàng Tết dồi dào, doanh nghiệp dự trữ tăng đến 50%

Sở Công Thương Hà Nội lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão (2023) với tổng giá trị khoảng 39.500 tỷ đồng, tăng 15% so với Tết năm 2022, nhưng các doanh nghiệp còn dự trữ nhiều hơn.

Hà Nội: Hàng Tết dồi dào, doanh nghiệp dự trữ tăng đến 50% ảnh 1
 

Hà Nội dồi dào hàng Tết để phục vụ người dân

Theo bà Nguyễn Thùy Dương- Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG, ngay từ cuối tháng 9-2022, BRG Mart đã làm việc với các nhà cung ứng lớn, chốt sản lượng tất cả các mặt hàng chủ lực. Hàng bình ổn chiếm 32% trong tổng lượng hàng hóa phục vụ Tết. BRG Mart có hệ thống gồm 69 siêu thị, cửa hàng bán lẻ tham gia bán hàng bình ổn giá.

Ông Lê Văn Liêm- Giám đốc khu vực miền Bắc hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op cũng cho hay, để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết, Co.opmart tăng lượng dự trữ lên 30 đến 50% tùy nhóm hàng. Tổng lượng hàng dự trữ của hệ thống bán lẻ này là khoảng 14.000 tấn. Sài Gòn Co.op sẽ tổ chức hơn 50 điểm bán hàng bình ổn tại thị trường Hà Nội và miền Bắc, nhằm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân Thủ đô.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 10,75 triệu người đang sinh sống và làm việc, học tập. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân dịp cuối năm, ngành công thương Hà Nội đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ thị trường Tết với tổng giá trị hàng hóa là khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% so với Tết năm 2022).

Cụ thể, TP Hà Nội dự trữ 96.700 tấn gạo, 19.300 tấn lợn hơi, 6.400 tấn thịt gia cầm, 5350 tấn thịt bò, 129 triệu trứng gia cầm, 107.000 tấn rau củ, 5300 tấn thủy sản, 5300 tấn thực phẩm chế biến, 52.000 tấn trái cây các loại…

Xác định nhu cầu thị trường dịp Tết tăng cao có thể dẫn đến biến động về giá nên thành phố đang đẩy mạnh việc thực hiện chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Hiện nay, đã có 44 doanh nghiệp trên địa bàn cam kết bình ổn giá hàng hóa, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng gồm gạo, thịt lợn, thủy hải sản… Tổng mức dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp tăng 35% so cùng kỳ năm 2021.

Riêng hàng hóa bình ổn chiếm 35% trong tổng lượng hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân. Để hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn giá, 7 ngân hàng đã tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp trong chương trình này với vốn vay ưu đãi khoảng 1.000 tỷ đồng.

Sở Công Thương Hà Nội đã đôn đốc 28 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 453 chợ, 2.000 cửa hàng tiện lợi… trên địa bàn chuẩn bị tốt nguồn hàng, bảo đảm cung cầu hàng hóa.

Với các chợ truyền thống, nơi cung cấp 75% lượng hàng hóa, Sở Công Thương Hà Nội yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về chất lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, niêm yết và bán hàng đúng giá niêm yết…

 

Ngoài ra, hệ thống phân phối bán lẻ của thành phố gồm 128 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm, 159 chuỗi liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản; 926 chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 43 tỉnh, thành phố; 60 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; 35 doanh nghiệp gồm các sàn thương mại điện tử, siêu thị, hệ thống phân phối, cửa hàng lớn trên địa bàn có hình thức bán hàng trực tuyến… cũng lên kế hoạch nhân sự, hạ tầng để có thể đáp ứng nhu cầu mua sắm online dịp cuối năm.

Cùng với việc yêu cầu các doanh nghiệp chủ động dự trữ hàng hóa Tết, Hà Nội cũng đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành phố để tạo nguồn cung hàng hóa ổn định, phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân dịp cuối năm và Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán.

Các tỉnh, thành phố đang tăng cường tổ chức các điểm bán sản phẩm của địa phương tại Hà Nội, đưa nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Thủ đô.

Ngành nông nghiệp và công thương Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước đang phối hợp chặt chẽ để chủ động nắm nguồn cung đối với các mặt hàng thiết yếu và sẵn sàng đưa nguồn cung về Hà Nội khi cần thiết.