Đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) sau khi được mở rộng 12 làn xe đã có diện mạo khác hẳn, giá đất khu vực này lập tức tăng mạnh, từ 5 - 10%.
Sau khi rào chắn thi công đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long được dỡ bỏ, người dân được lưu thông trên đường Phạm Văn Đồng với 12 làn xe. Con đường trước đây vốn là một điểm nóng ùn tắc giao thông hiện nay đã rộng đẹp, thoáng mát như đại lộ.
Đường Phạm Văn Đồng thông xe, giá nhà đất hưởng lợi. (Ảnh: VnExpress) |
Từ khi đường Phạm Văn Đồng được triển khai xây dựng vào năm 2017, giá đất tại khu vực này đã âm thầm lên “cơn sốt” khi tăng tới 30 - 40%. Đến nay, khi con đường đã hoàn thiện và đi vào hoạt động, giá đất ở đây lại tăng tiếp từ 5 - 10%.
Anh Long - một môi giới nhà đất khu vực đường Phạm Văn Đồng cho hay, chạy dọc đường Phạm Văn Đồng trước kia có nhiều làng cổ, nằm xa trung tâm thành phố, nên giá đất tương đối thấp so với các tuyến phố mặt bằng trung tâm. Đơn cử, trước năm 2010, giá đất mặt đường Phạm Văn Đồng chưa tới 100 triệu đồng/m2, giá đất mặt ngõ khoảng 20 - 30 triệu đồng/m2.
Trước năm 2016, giá đất tại khu vực đường Phạm Văn Đồng ít tăng giá nhưng hiện tại giá đã tăng từ 30 – 50%. Không chỉ đất lẻ trong khu dân cư mà giá đất tại các dự án nằm gần tuyến đường mới mở rộng cũng tăng thêm 3 – 5 triệu đồng/m2.
Theo giới thiệu của anh Long, nằm trên đường Phạm Văn Đồng, tại khu vực gần khu đô thị thành phố Giao Lưu, căn nhà mặt phố rộng 60m2 đã tăng giá khoảng 30-40% so với trước đây.
Anh Long nhận định: “Trước kia chưa mở đường giá thấp, giờ dự án hoàn thành giá khác hẳn, trong ngõ dao động 70-100 triệu đồng/m2, còn nhà mặt phố giá trên 200 triệu đồng/m2”.
Không chỉ tác động đến giá nhà mặt đất, việc mở rộng đường cũng khiến nhiều dự án bất động sản đang hoàn thiện tại phía Tây Bắc Thủ đô tăng giá bán so với thời điểm ban đầu. Nhiều dự án đua nhau thi công rầm rộ sau một thời gian nằm chờ.
Anh Minh Ngọc, một môi giới chuyên bán chung cư khu vực này cho hay: “Các dự án khu vực này đều đã tăng khoảng 3 - 5 triệu đồng/m2 so với trước khi mở rộng đường Phạm Văn Đồng”.
Theo khảo sát của phóng viên VTC News, nhà mặt phố Phạm Văn Đồng hiện được rao bán với mức giá từ 200 - 250 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí. Cụ thể, 1 căn nhà có diện tích 70m2, 5 tầng, mặt đường Phạm Văn Đồng đang được chào bán với mức giá 13,5 tỷ đồng.
Nhà trong ngõ tầm 3 - 4m, ô tô đỗ cửa, hiện cũng rao bán với mức 95 - 120 triệu đồng/m2. Nhà ở các ngõ nhỏ, dưới 2,5m giá cũng dao động từ 65 - 80 triệu đồng/m2.
Ở các khu vực xa đường Phạm Văn Đồng như Xuân Đỉnh, giá đất cũng được chào bán ở mức khá cao, từ 90 - 120 triệu đồng/m2 cho mặt đường ô tô và 50 - 70 triệu đồng/m2 cho nhà ở trong ngõ nhỏ.
Theo các chuyên gia, giá trị của các sản phẩm bất động sản phụ thuộc rất nhiều vào các dự án hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Việc đầu tư mới hay mở rộng các tuyến đường giao thông sẽ có tác động tức thời đến những người sở hữu và làm gia tăng giá bất động sản.
Tại khu vực liền kề với những tuyến đường mới, giá trị của các sản phẩm bất động sản bắt đầu tăng ngay từ thời điểm có quy hoạch. Khi dự án được đưa vào triển khai, những khu vực này càng trở thành tâm điểm chú ý của nhiều người có nhu cầu sở hữu một căn nhà mặt phố, với kỳ vọng được tận hưởng nhiều hơn các tiện ích, dịch vụ từ hạ tầng mới, đồng thời phục vụ mục đích kinh doanh – thương mại.
Tuy nhiên giá tăng đột ngột cũng thường đi kèm với chiêu thổi giá của giới “cò đất”. Vì vậy, người dân có nhu cầu mua nhà, đất ở các khu vực mặt tiền những tuyến phố, ngoài việc xác minh về nguồn gốc đất đai, tính pháp lý... thì cũng cần phải tìm hiểu kỹ về giá trị thật của mảnh đất mình đang muốn mua, tránh trường hợp bị “cò đất” lợi dụng việc mở rộng đường để đẩy giá bán. "Tốt nhất, người mua nên làm việc trực tiếp với chủ đất, không nên qua cửa môi giới", một chuyên gia bất động sản tư vấn.
Tháng 10/2016, Hà Nội khởi công Dự án đầu tư mở rộng đường Phạm Văn Đồng – Vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long từ 56 m lên 93 m bề ngang, với tổng mức tổng đầu tư dự án là 3.113 tỷ đồng. Sau khi hoàn thiện, đoạn đường được mở rộng là một tuyến đường hai chiều với 12 làn xe (mỗi bên 6 làn xe), trong đó có 8 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Việc tuyến đường Phạm Văn Đồng được mở rộng sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Phạm Văn Đồng hiện nay, đồng thời tạo được mặt bằng để Bộ Giao thông Vận tải đầu tư tuyến cầu cạn trên cao từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long nhằm từng bước đầu tư hoàn thành, khép kín tuyến đường Vành đai 3 theo quy hoạch Giao thông Vận tải của Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt. Sau khi hoàn thiện, 2 hệ thống giao thông này sẽ góp phần làm thông thoáng việc kết nối giao thông từ khu vực nội thành đi sân bay Nội Bài cũng như liên kết với các khu công nghiệp lớn ở phía Tây Hà Nội. Đồng thời, giúp cải thiện được tình trạng giao thông kết nối các tỉnh phía Bắc, Đông Bắc qua bến xe Mỹ Đình, giúp thông thoáng hệ thống vận chuyển lượng lớn hành khách, hàng hóa đi về phía Nam giữa khu vực Bắc và Nam sông Hồng qua bến xe Giáp Bát. |