Dự kiến, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (khoảng ngày 7 - 8/2), Hà Nội sẽ tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh khối lớp từ 7 đến 12.
Thông tin trên được ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến toàn quốc về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục do Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế tổ chức sáng nay (19/1).
Ông Cương cho biết, thời gian qua, ngành giáo dục thành phố phối hợp nhịp nhàng với gia đình, xã hội đảm bảo an toàn cho học sinh khi học trực tiếp và trực tuyến, phối hợp cùng các nhà mạng để đảm bảo sóng và máy tính cho học sinh.
Hiện 99,6% giáo viên ở Hà Nội được tiêm 2 mũi vaccine COVID-19. Với học sinh THPT, 99,6% em tiêm mũi 1, 97% tiêm mũi 2. Với học sinh THCS, toàn thành phố đạt 99,5% tiêm mũi 1, 97,3% tiêm mũi 2. Tỷ lệ tiêm vaccine đảm bảo việc dạy và học trong thời gian tới.
Học sinh lớp 7 đến lớp 12 ở Hà Nội đi học từ 7/2. (Ảnh minh hoạ: TTXVN) |
Hà Nội đang tổ chức cho học sinh lớp 9 và lớp 12 tại những quận, huyện, thị xã đủ điều kiện an toàn được đến trường học trực tiếp. Dự kiến, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, từ khoảng ngày 7 - 8/2, Hà Nội sẽ tổ chức dạy học trực tiếp với học sinh các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12, đồng thời đưa ra phương án đảm bảo an toàn nhất cho học sinh.
“Một trong những nội dung Hà Nội chỉ đạo quyết liệt là nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền sở tại trong việc cho học sinh đi học trực tiếp, cấp ủy và chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để bùng phát dịch trở lại. Nếu không có gì thay đổi, sau Tết âm lịch, Hà Nội sẽ triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ về mở cửa trường học”, ông Trần Thế Cương nói.
Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, giống như TP.HCM, hiện Hà Nội thiếu lượng lớn nhân viên y tế học đường. Thành phố có kế hoạch mời nhân viên y tế đã nghỉ hưu quay lại đảm nhiệm vị trí y tế trong các trường, đề nghị các xã, phường chi viện nhân viên y tế cho các trường song vẫn thiếu nhiều nhân viên y tế học đường.
Ông Trần Thế Cương cũng kiến nghị ngành giáo dục phối hợp với ngành y tế sớm thực hiện tiêm vaccine cho trẻ em 5 - 11 tuổi, để học sinh được an toàn nhất khi đến trường.
Tỷ lệ học sinh mắc COVID-19 rất thấp
Ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Giáo dục Thể chất, Bộ GD&ĐT thông tin, ở đợt bùng dịch thứ tư, toàn ngành giáo dục có hơn 130.000 cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên mắc COVID-19, đến ngày 18/1 còn gần 4.800 người đang điều trị.
Một số địa phương từng là tâm dịch nhưng nay đã mở cửa trở lại như TP.HCM. Sau thời gian thí điểm học trực tiếp, TP.HCM ghi nhận 130 ca mắc COVID-19 trong trường học, chiếm 0,02%. Tại Bắc Giang, tỷ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhiễm là 0,009%. "Tỷ lệ này là rất thấp", ông Đề nói.
Trong khi đó, hiện chỉ 9 tỉnh, thành trên cả nước tổ chức dạy học trực tiếp (Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Thái Bình, Hà Nam, Khánh Hòa, Bắc Giang), 35 địa phương dạy học kết hợp, còn lại dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Theo ông, các địa phương cần mạnh dạn mở cửa trường học trong trạng thái bình thường mới. Ngành giáo dục địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để xây dựng kịch bản chi tiết, đón học sinh trở lại, đồng thời truyền thông, tư vấn cho cha mẹ học sinh và cộng đồng.
HÀ CƯỜNG