Hà Nội cứ mưa là ngập: Cái giá của bê tông hóa và đầu tư sai lầm

Bê tông hóa mạnh làm giảm diện tích đất nền và những khoản đầu tư sai lầm vào mạng lưới thoát nước khiến nhiều tuyến phố Hà Nội biến thành "sông" sau trận mưa lớn.

Trận mưa lịch sử kéo dài hơn 2 giờ trút xuống Hà Nội khiến gần 40 tuyến phố ngập úng cục bộ, nhiều tuyến ngập sâu trên nửa mét, giao thông tê liệt.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội về tình trạng "Hà Nội cứ mưa là ngập", Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá: “Không phải chỉ Việt Nam mà ở các nước có hạ tầng phát triển như Mỹ, châu Âu, việc mưa lớn dồn dập tập trung vào một thời điểm cũng không hạ tầng nào có thể chịu đựng được”.

Không thể so sánh với các nước phát triển

Bàn luận về ý kiến của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam - cho rằng, nhận định của người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa sát thực tế.

Hà Nội cứ mưa là ngập: Cái giá của bê tông hóa và đầu tư sai lầm - 1

Một điểm ngập úng trên đường Phan Bội Châu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), chiều 29/5

“Trong thiết kế hạ tầng của các nước phát triển như Mỹ, châu Âu có nói rằng đô thị vẫn có thể có lũ, nhưng lũ năm sau không bao giờ lớn hơn năm trước. Đây cũng được xem là điều kiện đảm bảo cuộc sống cho người dân mà ứng viên tổng thống phải cam kết thực hiện được trước nghị viện. Nước họ vẫn có lũ nhưng chỉ sau một quãng thời gian xác định là có thể giải quyết được. Còn nước ta hay cụ thể là Hà Nội vẫn phụ thuộc vào may rủi, nếu lượng mưa ít sẽ tiêu nhanh, mưa nhiều thì ngập úng”, ông Hồng nói.

Từng đi thăm các nước có hệ thống thoát nước tốt, ông Hồng cho biết: “Ở Matxcơva (Nga), hệ thống thoát nước toàn thành phố đều được chảy ra kênh đào nằm giữa thủ đô. Kênh rất rộng và sâu, tàu chiến còn có thể di chuyển. Thủ đô Paris (Pháp) có mạng lưới tiêu nước trong thành phố, gồm các công trình ngầm, với kích thước rất lớn, các thuyền vẫn có thể đi vào để nạo vét, sửa chữa.

Còn Hà Nội, chỉ là những đường ống nhỏ, cứ khi sắp mưa thì công ty thoát nước lại cử người đến vớt rác ở miệng cống chứ không thể chui vào trong để xử lý. Lâu dần bùn đất, rác thải mắc vào thì tiết diện đường ống giảm, khả năng thoát nước cũng kém đi. Đó chính là điểm yếu nhất trong thiết kế của chúng ta”.

Những giải pháp hỗ trợ thoát nước không còn tác dụng đối với Hà Nội nữa bởi tất cả mặt đất được phủ bê tông, ao hồ ngày một giảm, nhường chỗ cho các khu đô thị mới mọc lên.

GS.TS Vũ Trọng Hồng

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc chống ngập úng của các nước phát triển hoàn toàn khác xa chúng ta. Chỉ một lần rơi vào ngập úng, họ sẽ thay đổi và lần sau không tái diễn nữa, còn nước ta chỉ có tiếp diễn và có khi còn nặng nề hơn.

"Vài hôm trước, tôi đi khảo sát ở khu C2 Thành Công cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người dân nói rằng 32 năm qua cứ mưa lớn là ngập úng, không thay đổi gì”, ông Hồng nói thêm.

TS.KTS Trương Ngọc Lân - Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng) - cũng cho rằng tình trạng ngập úng của các nước đang phát triển chỉ diễn ra khi xuất hiện hiện tượng cực đoan, mưa bất thường với cường độ rất lớn, và chỉ là ngập cục bộ trong khoảng thời gian ngắn.

“Hệ thống thoát nước thường được thiết kế để chịu được lượng nước bình thường thôi chứ không phải hiện tượng cực đoan. Một vài năm trước ở thành phố New York (Mỹ) diễn ra tình trạng ngập tràn vào tàu điện ngầm do mưa bất thường, nhưng vài giờ sau đó là họ đã kiểm soát được rồi chứ không phải như chúng ta là bị động chờ nước rút”, ông Lân nói.

Nói về khắc phục tình trạng “mưa là ngập” mà Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra là cần sử dụng các giải pháp mang tính chủ động như dùng cánh đồng, sân vận động làm “bể chứa nước”, Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng) nhận định: “Chúng ta có thể làm được, tuy nhiên giải pháp này sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền bạc, không phù hợp điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay. Chưa kể đến việc lại ảnh hưởng đến kết cấu khu vực và nhiều hệ luỵ khác”.

Cùng nhận định trên, GS.TS Đào Xuân Học - Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - cho rằng: “Trên mạng xã hội, truyền thông cứ ra rả về việc thiết kế hố ngầm, rồi phải như Nhật Bản hay các nước phương tây thì dân mới không chịu cảnh bơi ngoài đường được. Đừng đưa Nhật Bản hay các nước phát triển khác ra so sánh, kinh tế họ gấp mình bao nhiêu lần, không phải cứ muốn là làm được”.

Không còn đất để ngấm nước

GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng, nguyên nhân gây nên tình trạng ngập úng dễ dàng nhận thấy nhất là cường độ mưa đã vượt thiết kế như công ty cấp thoát nước Hà Nội nêu ra.

“Theo thiết kế, khả năng tiêu nước của Hà Nội là 100mm/2 giờ, nhưng trong thực tế lư giờ (Đống Đa) nên các trục thoát nước đều bị quá tải, dẫn đến ngập úng”, ông Hồng nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong nguyên tắc thoát nước mưa sẽ có nhiều biện pháp hỗ trợ nhau. Đơn cử như nước mưa thấm vào đất, nếu là cát, tốc độ thấm có thể 25mm/giờ, nước mưa được chứa lại ở những chỗ trũng như ao, hồ, sông suối.

“Tuy nhiên, những giải pháp này không còn tác dụng đối với Hà Nội nữa bởi bởi tất cả mặt đất được phủ bê tông, ao hồ ngày một giảm đi nhường chỗ cho các khu đô thị mới mọc lên”, GS.TS Vũ Trọng Hồng nói.

Ông Hồng dẫn chứng cuốn sách “Lũ trong đô thị” của giáo sư người Trung Quốc Văn Thế Châu viết: Để không xảy ra lũ trong đô thị phải thực hiện được 3 điều kiện.

Thứ nhất, lượng mưa phải nhỏ. Nhưng đây là yếu tố khách quan, không thể kiểm soát. Thế nên nếu mưa vượt quá khả năng thoát nước được thiết kế thì phải có hai điều kiện kèm theo là có chỗ chứa nước và lượng nước đó phải thấm vào trong đất.

"Hà Nội từng công bố có hơn 120 hồ, gần đây cũng không thấy số liệu thống kê là mất bao nhiêu hồ rồi, nhưng tôi được biết các địa phương đã không cho phép thực hiện việc san lấp nữa. Dù vậy, khả năng tích trữ, diện tích mặt nước, độ sâu của các hồ chắc chắn đã bị suy giảm do quá trình bùn lấp tự nhiên, đồng thời công tác nạo vét không được thực hiện thường xuyên.

Bên cạnh đó, Thủ đô không còn quá nhiều bề mặt đất để thấm nước. Trước đây chỉ có 4 quận nội thành gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng, nhưng hiện nay, con số này đã là 12, sắp tới sẽ còn gia tăng. Đô thị hoá kéo theo sự xuất hiện của các tòa cao ốc, điện, đường, trường, trạm… mặt đất bao phủ bởi bê tông, không còn chỗ để nước thấm xuống nữa. Chỗ chứa nước giảm, không có chỗ thấm nước, mưa xuống khiến nước trào lên mặt đất rất nhanh, hệ thống không thoát nước kịp thời sẽ gây ngập úng”, ông Hồng nói.

Đồng quan điểm, TS.KTS Trương Ngọc Lân chỉ ra rằng, không chỉ ở Hà Nội mà nhiều địa phương ở nước ta quy hoạch đang có vấn đề, không có sự đồng bộ, phát triển không kết nối với nhau.

“Quá trình bê tông hoá diễn ra quá nhanh, bề mặt đất đai bị che phủ, san lấp hồ tuy không còn diễn ra ở quy mô lớn nhưng vẫn còn tình trạng lấn chiếm để kinh doanh, thiếu công cụ điều hòa. Nước mưa có khả năng thấm tối đa 40% xuống mặt đất cho mạch nước ngầm. Khi bê tông hoá, nước không ngấm được nữa, mấy chục phầm trăm đáng lẽ ngấm đó lại đổ vào trong hệ thống thoát nước nên sẽ bi quá tải”, ông Lân nói.

Hà Nội cứ mưa là ngập: Cái giá của bê tông hóa và đầu tư sai lầm - 3

Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây TP  Hà Nội với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020, nhưng đến nay nhiều hạng mục vẫn còn dang dở.

Đầu tư dự án thoát nước không hiệu quả

Nhiều năm qua, Hà Nội đã tốn khá nhiều tiền cho những dự án thoát nước lên tới con số hàng triệu đô nhưng thành phố vẫn không thoát cảnh "cứ mưa là ngập". Nhận xét chiến lược này, PGS.TS Vũ Trọng Hồng nhận định, một số việc làm của Hà Nội còn chưa đúng nên không đem lại hiệu quả.

“Thành phố đã chi hàng chục nghìn tỷ vào công tác nạo vét sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu, Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây… Tuy nhiên, 2 trạm bơm lớn nhất để bơm nước từ các sông hồ này ra sông Hồng là trạm bơm Yên Sở và Yên Nghĩa, thì mạng lưới kênh tập trung nước lại không đủ, cho nên vẫn phải dựa vào các hồ điều hòa và các trạm bơm dã chiến để thoát nước cho các khu vực.

Kế đến là đổ tiền vào xây dựng rãnh nước ở vỉa hè. Nhưng các kiến trúc sư chỉ tính rằng một người hàng ngày xả ra bao nước thải, hệ thống cống rãnh này có tiêu được không chứ họ không hề tính thêm lượng mưa. Khi lượng mưa đổ xuống quá lớn, cống rãnh không thể tiêu ngay được vì vượt quá khả năng”, ông Hồng nói.

PGS.TS Vũ Trọng Hồng còn chỉ ra thêm một khoản đầu tư không hiệu quả nữa của Hà Nội là trồng cây xanh nhưng không tạo ra thảm cỏ. Thành phố chỉ quan tâm đến độ che phủ bóng mát nhưng không có chỉ tiêu bãi cỏ cho nước mưa thấm xuống.

“Tiêu chuẩn thoát nước của các khu đô thị chưa có. Tiêu chuẩn này phải được tính theo phần trăm đất. Ví dụ với mảnh đất khoảng 1ha thì phải để lại bao nhiêu để trồng cỏ, khi mưa xuống thấm qua đó. Làm được điều này, mưa dù to cũng ít xảy ra tình trạng ngập úng.

Trước đây, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung (nguyên Cục trưởng Cục Phát triển lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã nghiên cứu và chỉ ra rằng cứ 1ha rừng hút được 4m3 nước để không làm nước mưa tràn thành lũ. Chúng ta tính thử xem Hà Nội có bao nhiêu ha cỏ để hút nước. Con số này rất ít, có những khu vực trên trồng cỏ nhưng ở dưới lại là nền bê tông”, GS.TS Hồng phân tích.

GS.TS Đào Xuân Học cho biết, trong ngành thủy lợi có phương châm tiêu nước rất rõ và rất tốt “cao tiêu cao, thấp tiêu thấp”, không để nước nơi cao dồn xuống nơi thấp, hiểu được điều này có thể giải quyết được bài toán ngập úng.

“Cứ đổ tiền đầu tư vào các dự án nhưng lại không hiểu rõ nguyên lý của quá trình tiêu nước. Việc cải tạo hệ thống thoát nước, xây dựng chúng thành một mạng lưới là hoàn toàn sai lầm.

Dẫn chứng cụ thể, trước đây khu vực Xã Đàn ngập khủng khiếp. Lý do của thực trạng này là từ phố Hàng Bột đến Ô Chợ Dừa cao trình rất cao, để tiêu nước ra sông Tô Lịch thì dễ dàng, chỉ cần làm đường ống dẫn thẳng ra sông là được. Ngược lại, Xã Đàn thấp trũng, lại cho đường ống nối vào với ống dẫn khu Ô Chợ Dừa, nên nước từ khu cao chưa kịp ra sông đã ứ lại khu thấp rồi. Hiện nay, khu vực đó có Hồ Đắc Di điều hoà nên cũng đỡ đi nhiều rồi.

Hoặc mới đây nhất là tại đường Dương Đình Nghệ, đó là khu vực thấp, nếu như có đầu tiêu thoát riêng chảy thẳng ra sông Nhuệ, không khu vực nào đổ vào thì không thể ngập được. Những trường hợp trên là do đầu tư, cải tạo hệ thống thoát nước sai lầm dẫn đến chỗ thấp bị quá tải”, ông Học nói.

https://vtc.vn/ha-noi-cu-mua-la-ngap-cai-gia-cua-be-tong-hoa-va-dau-tu-sai-lam-ar680109.html

Anh Văn / VTC News