Lãnh đạo xã Minh Phú nói trong tháng 1 này sẽ tiếp tục giải quyết các trường hợp vi phạm còn lại trên địa bàn.
Ngày 12/1, lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, tiến độ cưỡng chế các công trình vi phạm trên đất rừng của xã Minh Phú rất chậm nên không đạt mục tiêu hoàn thành cưỡng chế trong tháng 12/2018 như yêu cầu của thành phố.
Ông Nguyễn Đức Tâm - Phó chủ tịch UBND xã Minh Phú thông tin thêm, đến nay xã đã xử lý, cưỡng chế được 15/18 công trình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ - bảo vệ môi trường tại thôn Lâm Trường.
"Việc xử lý các công trình vi phạm thực hiện chậm so với kế hoạch cấp trên giao, hiện xã đang cố gắng trong tháng 1 này sẽ tiếp tục giải quyết các trường hợp vi phạm còn lại", ông Tâm nói.
Một số công trình xây dựng tại khu vực xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Gia Chính. |
Với hai công trình được dư luận quan tâm là nhà ca sỹ Mỹ Linh và Việt phủ Thành Chương, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho biết đang chờ kết luận thanh tra thành phố để có hướng xử lý.
Việc thanh tra toàn diện quá trình quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay tại xã Minh Trí và Minh Phú, huyện Sóc Sơn được cơ quan chức năng Hà Nội tiến hành từ tháng 10/2018.
Chánh thanh tra TP Hà Nội Nguyễn An Huy cho biết, công việc trên đang được tiến hành và kết luận thanh tra sẽ được công bố đúng quy định.
Với chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình (hồi tháng 11/2018) về thanh tra toàn diện việc quản lý đất đai trên địa bàn huyện Sóc Sơn, không giới hạn ở khu vực 2 xã trên cũng như các nội dung thanh tra đã được UBND TP Hà Nội yêu cầu, ông Nguyễn An Huy nói "sẽ phải ban hành một quyết định thanh tra mới và do đó, kết quả sẽ có sau".
Hôm qua 11/1, phát biểu tại hội nghị của Thanh tra thành phố, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, việc xử lý sau thanh tra là một trong những tồn tại cần sớm khắc phục.
"Kết luận thanh tra đất rừng Sóc Sơn có hết rồi nhưng sự phối hợp đôn đốc thực hiện của các đơn vị chưa tốt", ông Chung dẫn chứng và cho rằng vụ việc trên là ví dụ điển hình.
Theo kết luận của Thanh tra chính phủ năm 2006, tại khu vực rừng phòng hộ đặc dụng ở Sóc Sơn, cơ quan chức năng thống kê có hơn 650 hộ xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp với diện tích 11 ha. Trong số này, gần 80 nhà kiên cố, nhà sàn mọc lên; 26 trường hợp xây dựng theo mô hình trang trại, xưởng sản xuất. Bảy năm sau (năm 2013), kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên Môi trường cũng nêu nhiều vi phạm tại rừng phòng hộ Sóc Sơn. Giữa năm 2018, Sở xây dựng Hà Nội lại công bố danh sách gần 30 công trình vi phạm trên địa bàn Sóc Sơn, trong đó có nhiều công trình xây dựng trên đất rừng.
Trước thực tế trên, TP Hà Nội tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất, trật tự xây dựng tại xã Minh Trí, Minh Phú; việc thực hiện kết luận thanh tra Chính phủ, thanh tra thành phố và các hồ thuộc quy hoạch rừng tại huyện Sóc Sơn.
Võ Hải
Huyện Sóc Sơn nêu lý do việc cưỡng chế vi phạm xẻ thịt đất rừng Sóc Sơn đang rất chậm
Lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) cho biết đã tái ra lệnh cưỡng chế các công trình vi phạm đất rừng Sóc ... |
Xử lý vi phạm đất rừng Sóc Sơn: Không tráo khái niệm...
Không thể áp dụng quy định xây nhà ở riêng lẻ ở vùng nông thôn không phải xin giấy phép xây dựng để xử lý ... |