Hà Nội cân đối cung cầu mặt hàng thiết yếu cho hơn 11 triệu dân

UBND TP Hà Nội mới ban hành Kế hoạch số 185 về việc thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn năm 2024.

Hà Nội cân đối cung cầu mặt hàng thiết yếu cho hơn 11 triệu dân ảnh 1

Hà Nội cân đối cung cầu mặt hàng thiết yếu cho hơn 11 triệu dân

Các nhóm hàng hóa trong chương trình bao gồm: Các nhóm hàng thiết yếu như Lương thực (gạo, mỳ, phở khô…); thịt lợn; thịt gà, vịt; thủy hải sản; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ; đường; dầu ăn; gia vị (nước mắm, nước chấm, muối, mỳ chính…); sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi (sữa nước, sữa bột…).

Các nhóm hàng có nhu cầu cao trong thời điểm mùa vụ như trong dịp Tết Nguyên đán: Mứt Tết, bánh kẹo. Chương trình thực hiện từ nay đến tháng 5/2025.

Cân đối cung - cầu hàng hóa trên địa bàn tính cho khoảng 11,05 triệu dân được thành phố xác định cụ thể: Nhu cầu tiêu dùng gạo khoảng 99,45 nghìn tấn/tháng tương đương với 1,19 triệu tấn/năm. Sản lượng sản xuất gạo của thành phố là 647 nghìn tấn/năm (69% sản lượng lúa năm 2023 (937,7 nghìn tấn)). Nguồn cung gạo của thành phố đáp ứng được khoảng 54% nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Lượng gạo còn lại được khai thác từ các tỉnh lân cận thuộc khu vực phía Bắc, một phần khác được khai thác từ các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và nhập khẩu các loại gạo đặc sản từ nước ngoài (Thái Lan, Nhật Bản...).

Nhu cầu tiêu dùng lợn hơi khoảng 19,89 nghìn tấn/tháng, tương đương với 238,68 nghìn tấn lợn hơi/năm. Sản lượng lợn thịt lợn hơi xuất chuồng trên địa bàn là 254 nghìn tấn/năm. Nguồn cung thịt lợn của thành phố đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Tuy nhiên, để dự phòng cho 3 các trường hợp khi xảy ra dịch bệnh, thiên tai ảnh hưởng đến nguồn cung, phải khai thác thêm từ các tỉnh lân cận như Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên hoặc nhập khẩu từ nước ngoài (Brazil, Ba Lan, Đức…).

Nhu cầu tiêu dùng rau, củ các loại khoảng 110,5 nghìn tấn/tháng, tương đương 1,32 triệu tấn/năm. Sản lượng rau, củ Thành phố sản xuất đạt 765 nghìn tấn/năm, đáp ứng được khoảng 57% nhu cầu, còn lại được cung ứng từ các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc và một số tỉnh phía Nam…

Các mặt hàng khác như thịt gà, vịt; thủy hải sản; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ; đường; dầu ăn; gia vị... cũng được định lượng cụ thể với các giải pháp đảm bảo nguồn cung, chất lượng.

Hà Nội yêu cầu rõ cơ sở đăng ký tham gia phải có ngành nghề sản xuất - kinh doanh phù hợp với các nhóm hàng trong Chương trình; có thương hiệu, uy tín, năng lực sản xuất, kinh nghiệm kinh doanh các mặt hàng trong Chương trình; có nguồn hàng cung ứng cho thị trường với số lượng ổn định và xuyên suốt; các cơ sở tham gia chương trình cũng được hưởng nhiều ưu đãi...

Thành phố sẽ tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thương mại để tăng các điểm phục vụ cố định trên địa bàn các quận, huyện, thị xã nhất là các vùng ngoại thành (siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng trong các chợ dân sinh, tuyến phố…); đẩy mạnh phát triển hệ thống chuỗi, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn… đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng của nhân dân, đáp ứng các quy định về ATTP, văn minh thương mại;

Hỗ trợ cấp phép cho xe các doanh nghiệp tham gia Chương trình chở hàng hóa thiết yếu hoạt động 24/24h trên địa bàn Thành phố để đảm bảo hàng hóa được luân chuyển liên tục, kịp thời phục vụ nhu cầu nhân dân trên địa bàn Thành phố.

Thành phố cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, đầu cơ tích trữ và các hành vi kinh doanh trái phép khác, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, giá cả hàng hóa… để người tiêu dùng thật sự tin tưởng các sản phẩm của chương trình, đảm bảo thị trường lành mạnh, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các vi phạm.

https://www.anninhthudo.vn/ha-noi-can-doi-cung-cau-mat-hang-thiet-yeu-cho-hon-11-trieu-dan-post580245.antd

Phú Khánh / anninhthudo.vn