Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành 4 quyết định phê duyệt đề án đầu tư xây dựng 4 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025. Riêng Hoài Đức sẽ lên quận vào năm 2020.
Thông tin này đã được các môi giới truyền tai nhau và từ cuối năm 2018, giá đất tại những huyện trên tăng nhanh bất thường.
Đề xuất nâng 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh lên quận gây chú ý bởi đây đều là những địa phương đang tập trung rất nhiều những dự án bất động sản lớn. Tại Hoài Đức, đề xuất còn được xem là cứu cánh cho nhiều dự án bất động sản đang bị treo từ nhiều năm nay không thể triển khai.
Một số người môi giới tại khu đô thị Nguyên Khê, huyện Đông Anh cho biết, thời điểm sau Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019 nhiều lô đất biệt thự, nhà liền kề đang được rao bán 27 triệu/m2 – 30 triệu/m2, trong khi trước đó một năm (đầu năm 2018) vẫn tại khu đô thị này giá đất chỉ dao động 15 triệu – 18 triệu/m2 nhưng ít giao dịch.
Giá đất mặt đường gom Võ Nguyên Giáp hiện rao bán ở mức 170-190 triệu đồng mỗi m2; Đất tái định cư, giãn dân trong các trục đường cắt ngang, đường khoảng 9-10m có giá bán dao động 80-120 triệu đồng mỗi m2. Trong đó, các ngõ ôtô vào được khoảng 50 triệu đồng mỗi m2, ở các ngõ nhỏ giá 24-30 triệu.
Tại Hoài Đức, mức giá cũng được đẩy lên tới 120-130 triệu đồng/m2 nhưng giao dịch thực được ghi nhận không nhiều. Còn tại Gia Lâm, giá nhiều khu vực dao động ở 40-50 triệu đồng/m2, tăng từ 1,5-2 lần so với cuối năm ngoái.
Tại huyện Đan Phượng, mức tăng ít hơn các huyện khác, hiện được rao bán với mức giá cao nhất 60-70 triệu đồng/m2, thấp nhất khoảng 10-20 triệu đồng/m2.
Tại Thanh Trì có mức giá đất trung bình cao nhất hiện nay. Một số khu vực có giá trị bất động sản cao có thể kể đến như Cầu Bươu (52,1 triệu/m2), Kim Giang (65,4 triệu/m2), Tân Triều (77 triệu/m2)…
Trước việc bất động sản các huyện ngoại thành Hà Nội liên tục đón những đợt 'sóng mới', giới đầu cơ bất động sản đã thu gom và mua lại từ người dân khi có thông tin các huyện trên sẽ quy hoạch lên quận, sau đó phân lô, nền để bán lại cho những ai có nhu cầu.
Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội, giá bất động sản có thể tăng lên nhưng sẽ theo lộ trình. Những hiện tượng tăng giá đột biến nhiều khả năng chỉ mang tính nhất thời.
Chuyên gia Đỗ Thị Thu Hằng |
Chuyên gia cảnh báo nhiều nhà đầu tư ôm tiền lao vào đất huyện chờ tăng giá khi lên quận nhưng sớm phải rút khi thị trường suy giảm.
“Việc 4 huyện sắp lên quận, cũng cần lưu ý rằng, quá trình đầu tư xây dựng các huyện này lên quận không diễn ra trong ngày 1 ngày 2 mà sẽ kéo dài từ nay đến 2025. Các hiện tượng sốt đất trước đây đã cho họ nhiều bài học, đã có những người đầu tư vào đất huyện chờ tăng giá khi lên quận nhưng sớm phải rút khi thị trường suy giảm” – bà Hằng nói.
Lo chủ đầu tư tranh thủ "thổi" giá bất động sản, UBND TP. Hà Nội vừa có tờ trình về việc ban hành Nghị quyết về giá các loại đất trên địa bàn, áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024.
Để tránh tác động lớn đến các hoạt động của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn thành phố, tại tờ trình này, UBND TP Hà Nội thống nhất đề xuất HĐND xem xét mức tăng bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 bình quân 15% so với giai đoạn 2014-2019.
Phóng viên (T/h)
Theo Nghề nghiệp và Cuộc sống
Cảnh báo nạn phân lô bán nền, đẩy giá đất ở phía Tây Bắc TP HCM |
Hà Nội và TP.HCM có cần khung giá đất riêng? |
Bí ẩn giá đất |
Đất Bình Dương giáp ranh Sài Gòn tăng giá |