Góp thêm “Hoàng Sa” về Đà Nẵng

46 năm qua, hàng triệu người Việt vẫn đau đáu về Hoàng Sa khi một phần biển đảo của Tổ quốc bị chiếm. Mỗi ngày nhiều người con Việt Nam vẫn đang đi khắp các châu lục để mang về những tư liệu quý giá khẳng định chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam, khẳng định chưa một giây phút nào, người Việt thôi nhớ, nhắc và làm mọi việc vì Hoàng Sa thân yêu.

Hàng trăm tư liệu quý giá từ khắp thế giới về Hoàng Sa sẽ được lưu trữ tại Thư viện Hoàng Sa, Đà Nẵng.

Vừa qua, UBND huyện Hoàng Sa, TP.Đà Nẵng đã tổ chức buổi lễ tiếp nhận những tư liệu, hiện vật, công trình nghiên cứu của các tổ chức, cá nhân về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Đi khắp năm châu tìm kiếm “Hoàng Sa”

Từ năm 2016, UBND huyện Hoàng Sa đã phát động hiến tặng tư liệu, hiện vật về quần đảo Hoàng Sa. Đến nay, đơn vị đã tiếp nhận được 212 hiện vật, tư liệu có giá trị lịch sử, pháp lý cao. Đó là 134 bản đồ về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa do ông Trần Thắng - Chủ tịch Viện Văn hoá và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ - cùng bạn bè gửi tặng, là những kỷ vật của cố trung sĩ trọng pháo Nguyễn Thành Trọng, người đã tử trận trong trận Hải chiến Hoàng Sa… do gia đình gửi tặng. Thế nhưng không dừng lại ở đó, trong những ngày kỷ niệm 46 năm Hải chiến Hoàng Sa, đã có thêm nhiều tấm lòng mang “Hoàng Sa” từ khắp thế giới về Đà Nẵng.

Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - đã đích thân trao tặng 19 Châu bản triều Nguyễn nói về việc xác lập và thực thi chủ quyền của triều đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chia sẻ tại buổi lễ, ông Tùng cho hay: “Với tôi, không có gì xúc động hơn việc được có mặt tại chương trình do một đơn vị hành chính mang tên Hoàng Sa tổ chức và được trao tặng lại những gì mà ông cha ta đã khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam. Trong kho tàng lưu trữ mà ông bà đã để lại cho chúng ta thì Châu bản và Mộc bản triều Nguyễn là hai khối tài liệu quan trọng có ý nghĩa quan trọng về tính pháp lý và lịch sử”.

Một tài liệu khác cũng được gửi tặng cho Đà Nẵng trong dịp này là bộ “Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ” do PGS-TS Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm sưu tầm. Đây là một văn bản giấy dó còn nguyên vẹn, gồm 40 trang được ông sưu tầm từ thư viện Đại học Keio, Tokyo, Nhật Bản. Trong đó, trang 31b mô tả về Bãi Cát Vàng (tức quần đảo Hoàng Sa) kéo dài ngoài biển, tương ứng với khu vực từ cửa Đại cho đến khoảng giữa núi Sa Huỳnh trong đất liền.

“Đây là tập bản đồ chưa hề được biết đến. Tình cờ tìm thấy từ cuối năm 2016 trong một chuyến công tác nhưng đến năm 2017, tôi mới sắp xếp được công việc, tự bỏ kinh phí cá nhân để qua Nhật mang bản sao của tài liệu này về để tiếp tục nghiên cứu” - anh Cường trao đổi. Thế nhưng khi được hỏi về chi phí để mang bộ tư liệu này về và trao tặng lại cho UBND huyện Hoàng Sa, anh Cường từ chối: “Đối với tôi đó là trách nhiệm công dân với Hoàng Sa”.

Phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa

Trước những tình cảm của hàng triệu người con đất Việt và mong muốn tập trung các nguồn tư liệu về Hoàng Sa về một mối, cũng nhân dịp này, UBND huyện Hoàng Sa phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa. Ngay lập tức, nhiều đơn vị như thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng và 4 Nhà xuất bản đã trao tặng 648 cuốn sách liên quan đến chủ quyền biển đảo. Từ nay, Nhà trưng bày Hoàng Sa không chỉ là nơi thực hiện công tác tuyên truyền mà hướng đến mục tiêu lâu dài là tập hợp, hệ thống tài liệu từ các công trình nghiên cứu, các đề tài, dự án liên quan đến Hoàng Sa nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý phục vụ chung cho học sinh, sinh viên, các cá nhân và cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước, góp sức chuẩn bị về nguồn nhân lực nghiên cứu Biển Đông cho mai sau.

Ông Võ Ngọc Đồng - Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa - chia sẻ: “Công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa còn lâu dài, nhiều khó khăn thử thách nhưng chủ quyền là vấn đề thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Chúng tôi mong muốn nhận được hỗ trợ, đóng góp của tất cả mọi tổ chức, cá nhân vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, để nội dung Nhà trưng bày Hoàng Sa và Thư viện Hoàng Sa ngày càng nhiều hơn, sinh động hơn, đóng góp tiếng nói và minh chứng mạnh mẽ hơn nữa chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”.

Có mặt trong buổi lễ đặc biệt này, ông Trần Văn Sơn - một trong những nhân chứng lịch sử đang ở Đà Nẵng không giấu được xúc động: “Việc lấy lại Hoàng Sa có thể còn lâu dài nhưng việc giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay về Hoàng Sa là điều chúng tôi mong mỏi từ lâu. Nay, tôi rất mừng khi chính quyền Đà Nẵng, UBND huyện đảo Hoàng Sa và nhiều tổ chức, cá nhân đang nỗ lực mỗi ngày vì mục tiêu đó”.

Thuỳ Trang

/ laodong.vn