Có thực tế là, khi mở ra khu vực dịch vụ cao thì sẽ hút hết những người tài, bác sĩ giỏi sẽ chạy vào đó, như thế còn người nghèo sẽ chịu chết hay sao?
Dự thảo thông tư Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp, dự kiến áp dụng từ ngày 1/10/2019.
Trong đó đề xuất mức phí khám bệnh dịch vụ cao ở viện công có giá cao nhất 500.000 đồng/người/lần; giá giường dịch vụ cao mức cao nhất 4 triệu/người/ngày. Các ĐBQH tiếp tục lên tiếng không đồng tình với Bộ Y tế về dự thảo này.
Người nghèo cũng phải mổ dịch vụ. Ảnh: TTO |
Đừng chỉ nghĩ cho người giàu
Vẫn là những câu hỏi tương tự như: cơ sở nào để đưa ra mức giá đó? Viện công đang phục vụ ai? Đã minh bạch hóa nguồn thu - chi chưa?... ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, Bộ Y tế phải có giải trình công khai đồng thời Bộ Tài chính phải cho ý kiến về việc này.
Ông Hòa lưu ý, đây là bệnh viện thuộc tuyến trung ương, dù là bệnh viện hạng đặc biệt hay hạng 1 cũng phải ưu tiên phục vụ mục đích công.
Theo ông Hòa, Bộ Y tế đưa ra mức phí, giá trên chỉ là mức giá ban đầu, như vậy, phí khám bệnh thông thường, chưa tính giá dịch vụ khác như chụp, chiếu, xét nghiệm... đã lên tới 500.000 đồng/người/lần, nếu tính cả thì sẽ lên tới tiền triệu, cả chục triệu một lần khám.
"Tôi thường đi khám bệnh và tôi đã biết cầm phiếu khám vào và bác sĩ chỉ thăm hỏi vài câu sau đó yêu cầu bệnh nhân đi làm các dịch vụ khác. Phí khám là 500.000 đồng/người/lần nhưng chi phí khám bệnh cho một lần thì lên tới vài triệu, cả chục triệu/người", ông Hòa nói.
Ông Hòa cho rằng, đưa ra một mức giá dịch vụ như vậy ở một bệnh viện công là không thuyết phục. Vì là dịch vụ cao nhưng vẫn sử dụng hạ tầng, đất đai, con người, thậm chí cả máy móc thiết bị Nhà nước đầu tư... như vậy là mang của công đi phục vụ tư, mang của công phục vụ người có tiền là bất hợp lý.
Cũng đồng tình với quan điểm cần có những khu vực khám chữa bệnh cao để dành cho người có tiền, tuy nhiên, theo ông Hòa không nên xây dựng mô hình chất lượng cao trong viện công vì như vậy sẽ khiến người bệnh nghĩ rằng, bệnh viện chỉ đang chăm chăm phục vụ cho người giàu, chỉ người giàu mới được chăm sóc tốt. Rất tủi thân.
"Có thực tế là, khi mở ra khu vực dịch vụ cao thì sẽ hút hết những người tài, bác sĩ giỏi sẽ chạy vào đó, như thế còn người nghèo sẽ chịu hệ quả hay sao?
Thực tế, bệnh nhân khám bảo hiểm thì đang bị thờ ơ, có trường hợp phải xếp hàng nhiều ngày không đến lượt mổ, trong khi sử dụng dịch vụ lập tức được mổ trong vài giờ. Câu chuyện của một bệnh nhân từng được phản ánh, gia đình thuộc diện nghèo, được cấp BHYT thuộc diện miễn phí 100%, nhưng khi mổ vẫn phải đóng gần chục triệu đồng.
Để có tiền chữa bệnh, gia đình đành bán đất, vay nóng, trả lãi để lấy tiền mổ dịch vụ cho nhanh.
Người Việt có tâm lý, mắc bệnh phải vái tứ phương, khi đau ốm bằng mọi cách phải tìm cách chạy chữa nên, muốn được chữa khỏi bệnh cũng đành phải bán đất, bán nhà để chạy theo, rất bất cập.
Tôi cho rằng, chất lượng cao nên giao cho tư nhân làm, bệnh viện công phải phục vụ người dân, không phải phục vụ người giàu", ông Hòa nhấn mạnh.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng đề xuất phải rạch ròi giữa công - tư, hợp tác công-tư về mọi mặt từ đầu vào cho tới đầu ra, từ nguồn kinh phí cho tới nguồn thu, không nên để tình trạng nhập nhèm giữa công với tư, cuối cùng của công lại phục vụ nhóm lợi ích chứ ngân sách không thu được gì.
Từ những băn khoăn nói trên, ông Hòa cho rằng, Bộ Tài chính phải thẩm định lại mức giá trên đồng thời xác định cho rõ ràng mục tiêu, mục đích phục vụ của một bệnh viện công đối với xã hội.
Ông Hòa nhấn mạnh, không nên lấy danh nghĩa xã hội để phục vụ một nhóm người, làm lợi cho một nhóm người như vậy là trái với mục tiêu y tế công là của toàn dân.
Với tư cách là một ĐBQH, ông Hòa cho biết sẽ theo sát vụ việc và tiếp tục có những ý kiến để các cơ quan quản lý xem xét, lắng nghe.
Giá cao để người dân không phải đi nước ngoài?
Đem những băn khoăn nói trên trao đổi với đại diện Bộ Y tế, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế giải thích, đây là mức giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu.
Cụ thể ông Liên nói: "Đây là giá theo yêu cầu, chất lượng dịch vụ cao, chăm sóc toàn diện, để người dân không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh.
Giá trên là mức giá tối đa, nên phải đáp ứng cho cả giường có chi phí rất lớn như: giường hồi sức tích cực...", ông Liên nói.
Cũng theo ông Liên, mức giá trên không phải các đơn vị áp dụng tối đa mà sẽ có phân loại giường bệnh.
Về những kiến nghi nên dịch vụ cao nên giao cho tư nhân làm, viện công chỉ phục vụ mục đích công để tránh tạo sự bất bình đẳng, nguy cơ nhập nhèm mang của công đi làm lợi cho một nhóm người, ông Liên lấy lý do đang họp và xin phép trao đổi sau.
Giường dịch vụ 4 triệu/ngày tại bệnh viện công: Phục vụ ai? |
Giường dịch vụ 4 triệu/ngày tại bệnh viện công: Ưu tiên ai? |
Giá giường dịch vụ ở bệnh viện công tối đa 4.000.000 đồng/ ngày |