Chán nản, thất vọng và muốn tự giải quyết những rắc rối trong nội tâm, nhiều người đã không ngại ngần hủy hoại bản thân bằng cách làm tổn thương chính cơ thể mình bằng cách tự cắt xén (như cắt da, cắt chân, tay...). Đặc biệt, họ không cảm thấy đau đớn mà trái lại còn thoải mái hơn.
Trào lưu đáng báo động
TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần (BV Bạch Mai, Hà Nội) lo lắng: Tự hủy hoại bản thân đang tồn tại trong một bộ phận giới trẻ. Đáng lo hơn, hội chứng này ngày càng phổ biến và có dấu hiệu lan rộng. Sau khi tự gây thương tích cho bản thân, người bệnh cố gắng đạt các mục đích như mong có được sự quan tâm, giúp đỡ của người khác, giải quyết các bất đồng, làm giảm sự nhàm chán trong quan hệ với mọi người...
Tự hành hạ bản thân sẽ giúp họ cảm nhận rõ hơn về trạng thái cảm xúc đang trải qua của bản thân. Một số trường hợp, họ tự hành xác bản thân để tự trấn an những khủng hoảng tinh thần. Ngay tại Viện Sức khỏe Tâm thần, liên tục tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân được xác định mắc hội chứng hủy hoại bản thân.
Từ tâm trạng không giải quyết được mong muốn bản thân, nữ sinh viên Trần Hồng Anh (tên bệnh nhân đã thay đổi - PV), 21 tuổi ở Hà Nội đã xuất hiện ý tưởng cắt tay và đã có hành vi cắt tay bằng dao lam. Khi vào Viện Sức khỏe tâm thần trên cổ tay Hồng Anh đã có 16 vết cắt, nông, đủ rỉ máu.
Điều đáng nói, Hồng Anh mô tả là mỗi lần cắt tay như vậy không thấy đau, ngược lại còn thấy trong lòng nhẹ nhàng hơn.
Hồng Anh vốn hiền lành, học khá và luôn tỏ ra là người còn ngoan, nghe lời bố mẹ. Thế nhưng, thời gian gần đây, Hồng Anh bắt đầu thay đổi. Đặc biệt, khi Hồng Anh bày tỏ mong muốn đi du học nhưng gia đình không có điều kiện để thực hiện, Hồng Anh tỏ ra buồn bực và ức chế. Tâm trạng này kéo dài 1 năm khiến Hồng Anh nảy sinh hành vi thích tự rạch tay.
Khi gia đình đưa Hồng Anh đi kiểm tra tại Viện Sức khỏe Tâm thần và được xác định: Mắc hội chứng hủy hoại bản thân. Tại đây, do được quan tâm và giám sát bệnh nhân không cắt tay được nữa. Sau 3 tuần điều trị bằng thuốc hiện sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định và tiếp tục điều trị tâm lý ngoại trú.
“Không chỉ thanh niên mà cả các bé thiếu niên cũng có thể mắc hội chứng hủy hoại bản thân. Dấu hiệu của hội chứng này xuất hiện từ tuổi dậy thì và tồn tại dai dẳng. Sau khi tự làm đau bản thân, người bệnh vẫn có thể tiếp tục gây tổn thương tiếp theo” - TS Nguyễn Doãn Phương cho hay.
Viện Sức khoẻ Tâm thần đang điều trị cho bệnh nhi nữ mới 9 tuổi thích chơi game và chơi rất nhiều nên bố mẹ cấm. Bệnh nhân này bức xúc và tự nhổ tóc khiến đầu trọc thành mảng to và tự cấu chân. Sau khi bố mẹ phát hiện đã cho bé đi chơi nhiều hơn nên tình trạng có giảm, đến nay chỉ còn biểu hiện cấu chân không thấy đau.
Ngăn chặn trào lưu khi chưa muộn
Trên thực tế, hội chứng hủy hoại bản thân đã xuất hiện ở nhiều nước. Điển hình nhất là “Thử thách Cá voi xanh” trên truyền hình nước ngoài hiện đã và đang là trào lưu tự sát đầy nguy hiểm, cảnh báo các bậc phụ huynh cần phải cẩn trọng và hiểu rõ về “độc dược” chết người này.
Blue Whale Challenge (Thử thách Cá voi xanh) là một trò chơi truyền thông xã hội có mặt cách đây 2 năm và bắt đầu từ nước Nga. Trò chơi này yêu cầu người chơi phải thực hiện hàng loạt nhiệm vụ trong vòng 50 ngày, bắt đầu từ 4h20 phút sáng mỗi ngày.
Thử thách Cá voi xanh đặt ra một loạt các nhiệm vụ khác nhau dành cho người chơi từ sử dụng dao hoặc lưỡi lam để tạo hình dáng cá voi lên cổ tay hoặc chân đến xem phim kinh dị cả ngày lẫn đêm để hoàn thành thử thách. Vào ngày cuối cùng, bằng cách tự sát, người chơi sẽ được thừa nhận là kẻ chiến thắng. Đó cũng là ý nghĩa tên gọi của trò chơi, giống như những con cá voi xanh tự nguyện lao lên bãi biển để tự sát.
Trò chơi nguy hiểm này đã và đang trở thành trào lưu trong giới trẻ, dẫn đến hàng trăm vụ tự tử thương tâm. Ít nhất 130 thanh thiếu niên ở nước ngoài đã tử vong từ tháng 11.2015 đến tháng 4.2016 sau khi tham gia trào lưu này. Nguy hiểm hơn, trò chơi tự sát Cá voi xanh đã lan rộng sang vùng Trung Á, Châu Âu và Nam Mỹ với tốc độ chóng mặt không thể kiểm soát.
TS Nguyễn Doãn Phương lo lắng: “Nếu như trầm cảm sau sinh, động kinh là những bệnh lý về tâm thần tái phát theo đợt và dễ nhận biết thì hội chứng tự làm tổn thương mình lại âm thầm diễn ra và tàn phá cơ thể người bệnh dần dần. Điều đáng tiếc hội chứng này lại thường xảy ra ở giới trẻ”.
Những hành động tự làm tổn thương mình như bấm lỗ mũi, tai, cắt rạch cơ thể cho máu chảy, đốt tóc, đập đầu vào kính... được các em tuổi vị thành niên lý giải là để giải tỏa cô đơn, thất vọng, đau khổ hoặc thể hiện bản thân. Dù chỉ gây đau đớn tức thời, không gây tử vong ngay lập tức, tuy nhiên những hành vi tự làm đau bản thân vẫn được xếp chung vào nhóm hành vi tự sát.
Người thường xuyên dùng dao cắt vào tay chân cũng vẫn có thể tử vong nếu mất máu quá nhiều. Nguy hiểm hơn nữa, hành vi này còn có thể xảy ra ở từng nhóm người chứ không ở mỗi cá nhân đơn lẻ.
Chỉ ra nguyên nhân của hội chứng này, TS Phương cho rằng: Trẻ vị thành niên là đối tượng hay gặp nhất. Việc cha mẹ bắt ép trẻ sống theo cách cha mẹ muốn gây ức chế cho trẻ. Đây là lứa tuổi trẻ muốn gây sự chú ý với xung quanh.
Những người tự làm hại thường cho biết họ cảm thấy trống rỗng bên trong, căng thẳng quá mức, không thể bày tỏ cảm xúc của mình, cô đơn, không hiểu người khác và sợ hãi các mối quan hệ và trách nhiệm của người lớn. Tự gây thương tích là cách họ làm giảm cảm giác đau đớn hoặc tình huống khó khăn của mình một cách tạm thời.
Gia đình chính là liều thuốc tốt nhất giúp người bệnh không bị rơi vào hoặc thoát ra khỏi bệnh tật. Bố mẹ dù bận rộn thế nào cũng phải dành thời gian nhất định trong ngày để tiếp xúc, trao đổi, trò chuyện cởi mở với con trẻ. Sự tôn trọng, hiểu tâm lý, chia sẻ, động viên, khuyến khích, nâng đỡ trẻ sẽ giúp trẻ có cuộc sống bình an. Khi cô độc trẻ cần chia sẻ những khó khăn, nỗi cô đơn với bạn bè, thầy cô, các chuyên gia tâm lý, bác sĩ hoặc ai mà trẻ tin cậy để được giúp đỡ.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng có lời khuyên, khi trẻ có biểu hiện của hội chứng hủy hoại bản thân cần được đưa đi khám và điều trị. Các bác sĩ sẽ tùy thuộc vào mức độ của bệnh mà có cách điều trị hiệu quả.