Từng chê một số chi tiết khi xem qua vài trang Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều, nhưng khi đọc toàn bộ cuốn sách TS Trịnh Thu Tuyết thấy nhiều điểm mới, tích cực.
Trước một cuốn sách đang gây bão trên mạng xã hội như Tiếng Việt lớp 1 - bộ Cánh diều, những người quan tâm tới giáo dục đất nước không thể thờ ơ, hoặc tỏ ra ngạo mạn, chỉ là chúng ta quan tâm theo cách nào.
Chúng ta chia sẻ vài bức ảnh chụp những trang sách theo “nguyên tắc” cắt cup của “Phúc thống phục nhân sâm… tắc tử” rồi mạt sát, bênh vực, khen chê. Cả khen lẫn chê đều có thể sử dụng những ngôn từ khiến trẻ lớp 1 nếu không may mà biết đọc, chắc sẽ stress vì không hiểu lý do nào khiến các bé phải đi học, có học, có chữ để như thế sao?.
Cách đây mấy ngày tôi có chia sẻ hình ảnh bài đọc “Ve và gà” trong sách Tiếng Việt tập 1 - bộ Cánh diều, kèm truyện ngụ ngôn La Fontaine “Ve và kiến” theo bản dịch lần 2 của cụ Nguyễn Văn Vĩnh năm 1914 trên Đông Dương tạp chí.
Quả thật tôi cảm thấy việc thay “kiến” thành “gà” có chút gượng ép, nhất là rất khó hình dung ve sẽ an lành trở về sau khi tới nhà gà xin ăn; thêm chi tiết về lời giáo huấn của gà với ve: “Ve chăm múa và chăm làm nữa thì sẽ chẳng lo gì” và chi tiết “ve múa” hơi khó thuyết phục.
Với logic hồn nhiên nhưng rất rành mạch của trẻ thơ thì cô Tấm có thể chui vào trong quả thị, con công có thể múa, nhưng ve thì không, ve chỉ có thể há. Trẻ có thể chấp nhận thế giới kỳ ảo của truyện cổ tích nhưng không chấp nhận vi phạm logic đời sống với những chi tiết hiển nhiên trẻ vẫn quan sát, chứng kiến hàng ngày.
Đặc biệt lời ngỏ ý của ve: “Chị…cho ve tí gì nhé” và lời đáp của gà: “Ve chăm múa và chăm làm nữa thì sẽ chẳng lo gì” khiến dư luận, tất nhiên chỉ là người lớn, khó tránh những liên tưởng nhạy cảm, phản cảm.
Bài tập đọc "Ve và gà", sáng Tiếng Việt 1 - bộ Cánh diều. |
Sau khi được cô bạn gửi tặng trọn bộ Cánh diều nổi tiếng, đọc rất nhanh hai cuốn Tiếng Việt lớp 1, cả tập 1, tập 2 với tâm thế sẽ lý giải được thấu đáo căn nguyên cơn giận dữ chính đáng của dư luận, tôi thấy hơi bất ngờ vì về cơ bản, hai cuốn sách ấy lại thuyết phục được tôi.
Tôi “đọc” được triết lý giáo dục từ hai cuốn sách, thấy quan niệm “mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống” không chỉ dừng lại là “quan niệm” mà hiện hữu trong từng thao tác, từng công đoạn, từng phần mục của mỗi bài. Tôi nhận ra, nếu thầy trò tương tác tốt, hai cuốn sách này sẽ thực sự giúp phát triển những phẩm chất và năng lực phù hợp với lứa tuổi các em.
Hai vấn đề nóng nhất quanh cuốn sách Tiếng Việt là cách thức tuyển chọn ngữ liệu và việc sử dụng ngôn từ trong các bài đọc. Sau mỗi bài học về một âm, một vần, một thanh mới, sách lại cung cấp những mẩu chuyện nho nhỏ từ kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam, truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích của các tác giả nước ngoài, hoặc những đoạn văn/ thơ ngắn đề cập tới người, vật, đồ vật, con vật, sự việc... quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của các em.
Tôi nhận thấy với những ngữ liệu này, các tác giả sách giáo khoa đã khá công phu khi lựa chọn trích nguyên văn hay phỏng theo nguyên tác, luôn tuân thủ mấy nguyên tắc.
Thứ nhất, bài đọc phải đáp ứng yêu cầu cho trẻ được tiếp xúc, nhận biết và luyện nghe, nói, đọc, viết... các âm, các vần, các tiếng trong bài học.
Thứ hai, dung lượng và các đơn vị ngôn ngữ trong bài đọc phù hợp với tiết học và nhất là tầm đón nhận của học trò, phải soạn đúng với những yếu tố ngôn ngữ các em đã biết.
Thứ ba, bài đọc phải góp phần giúp hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực cần thiết cho học trò.
Nguyên tắc thứ nhất và thứ hai chính là lý do khiến nhiều truyện ngụ ngôn đặc sắc của văn học dân gian Việt Nam hoặc của các tác giả nước ngoài như Lev Tolstoy, La Fontaine, Aesop… phải được soạn/ kể lại, giản lược và phù hợp hơn, là lý do khiến câu chuyện nổi tiếng “Ve và kiến” trở thành “Ve và gà”.
Tượng tự, với bài tập đọc “Thỏ thua rùa” (trang 61, tập 1), câu chuyện quen thuộc phải thay từ “nhai” bằng “nhá”; hoặc rất nhiều bài tập đọc khác chưa thể dùng các từ phủ định “không/ chẳng...” mà phải dùng từ “chả”. Sự lặp lại với tần suất khá cao của từ “chả” ít nhiều gây cảm giác khó chịu, bức xúc.
Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ thì 35 bài học đầu của tập 1, các em mới chỉ được nhận diện và ghi nhớ các tiếng có bộ phận vần là một âm chính như a,o, ô, ơ, e, ê, u, ư và các nguyên âm đôi như ia, ua, ưa..., từ bài số 36 mới được học các tiếng có bộ phận vần gồm hai âm như am, ap, ăm, ăp, âm, âp….
Vì thế, lời ngỏ ý của Ve với Gà: “Chị… cho ve tí gì nhé” mà tôi từng thấy khá phản cảm, nhưng khi đọc lại trong hệ thống bài học thì thấy câu nói phải sử dụng một lượng hạn hẹp từ vựng cho phù hợp với tầm đón nhận của các em.
Nhìn ở góc độ cốt truyện, cũng thấy: Nếu gạt bỏ sự liên tưởng tới thái độ ỡm ờ chỉ có ở thế giới người lớn, các em sẽ thấy lời ngỏ ý này thể hiện rất đúng tâm lý ngập ngừng xấu hổ của chú ve lười biếng khi đói quá, buộc phải mở lời xin ăn…
Bài tập đọc "Cua, cò và đàn cá", sách Tiếng Việt 1- bộ Cánh diều. |
Nương theo hai nguyên tắc này, có bài đọc thể hiện rất đúng tình huống và năng lực giao tiếp của nhân vật khi một em bé đang bập bẹ học nói, chỉ có thể diễn đạt ý: “Dì Kế giã giò” bằng hai tiếng “Dì…giò…” ( Bé kể, tr.35, tập 1), chi tiết “bi bô” này chắc chắn sẽ được các bé lớp 1 chia sẻ.
Như trình bày trên, từ “chả” phải mang đồng thời cả chức năng biểu đạt cho ý nghĩa phủ định cùng chức năng thay thế cho hàng loạt các từ phủ định mà các bé có thể nghe rất quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, nhưng lại chưa được nhận diện trong bài học.
Tuy nhiên, từ này dù mang khá đậm sắc thái biểu cảm nhưng không phải là phương ngữ khi xuất hiện trong Từ điển phổ thông và được sử dụng khá phổ biến trong cộng đồng.
Thậm chí có trường hợp như trong bài “Nụ hôn của mẹ” (trang 127, tập 1), từ “chả” thể hiện sắc thái biểu cảm rất phù hợp khi một em bé sung sướng và nũng nịu đón nhận tình yêu thương trìu mến của mẹ, đang thiêm thiếp sốt, được mẹ hôn lên trán, bé thì thầm: “Mẹ à, con chả ốm nữa”.
Cũng ở lĩnh vực từ vựng, một số từ có thể gây hiệu ứng tiêu cực như “tợp, chén, cuỗm...”, hoặc những từ ít gặp như “khổ mỡ”..., theo tôi cũng nên cung cấp có mức độ cho học sinh, thế giới phẳng khiến các cháu được/ phải tiếp xúc với khá nhiều hiện tượng ngôn ngữ khác nhau, nếu không giúp học trò hiểu ngữ cảnh sử dụng phù hợp với mỗi hiện tượng ngôn ngữ, các em sẽ lúng túng trong giao tiếp thực tế.
Ví dụ trong bài đọc “Quạ và chó” (trang 99, tập 1), từ “cuỗm” và “tợp” là hai từ mang sắc thái biểu cảm tiêu cực sẽ rất phù hợp với chó, một kẻ tham lam lừa đảo.
Việc tuyển chọn, sử dụng ngữ liệu cho các bài đọc cũng phải đảm bảo nguyên tắc thứ ba, đó là góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất, năng lực cần thiết cho học trò. Đây cũng là vấn đề gây nhiều hiệu ứng trái chiều trong dư luận.
Có lẽ không cần nhắc lại hiện tượng những bài đọc phải ngắt làm hai tiết cho phù hợp với yêu cầu tiết học và tâm sinh lý lứa tuổi học trò lớp 1, chỉ nên đặt lại vấn đề: Các bài học phổ thông có nên đề cập tới những hiện tượng tiêu cực hay không?
Chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện về hai con dê qua cầu với bài học: Nếu không chịu nhường nhịn nhau, cả hai sẽ phải chịu hậu quả đáng tiếc.
Hay câu chuyện về bộ lông của quạ và công với lời nhắc: Nếu tham lam, nóng vội sẽ khó có được kết quả tốt đẹp; hay bài thơ Mèo con đi học khiến qua tuổi đi học mà bao người lớn cũng vẫn phải mỉm cười vì sự ngộ nghĩnh trong bài học nhẹ nhàng về đức tính chăm chỉ, không được nói dối…
Gần đây, đề xuất đưa truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao ra khỏi sách giáo khoa phổ thông cũng dựa trên nỗi lo lắng: Học trò sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực như thế nào khi tiếp xúc với những biểu hiện tha hóa lưu manh của nhân vật chính?
Hay nhà văn Nguyễn Minh Châu đã đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn học minh họa, đưa các nhân vật của ông ra khỏi “bầu không khí vô trùng” để độc giả nhận chân thế giới thực xung quanh mình. Thậm chí trong chính con người mình với biết bao nhiêu sự khuất lấp của cái xấu, cái ác…, nhận ra để ghê sợ, căm ghét, để đủ trí tuệ và bản lĩnh chiến đấu chống lại nó, hướng tới một thế giới thanh sạch hơn.
Bài tập đọc "Lừa và ngựa", sách Tiếng Việt 1- bộ Cánh diều. |
Trở lại với sách Tiếng Việt lớp 1, tất cả các bài đọc (vốn là những truyện ngụ ngôn có giá trị giáo dục sâu sắc về ứng xử, về cách sống, cách nghĩ…) nếu đề cập tới cái xấu như sự lười biếng, thói tráo trở, sự lừa lọc, khôn lỏi… thì đều đưa tới bài học giản dị và tích cực: Những người có thói hư, tật xấu sẽ gặp hậu quả thích đáng, những người cả tin cũng nhận được bài học về sự cảnh giác để tỉnh táo hơn trong cuộc sống…
Đó là trường hợp bài đọc như “Ve và gà” ( trang 69, tập 1) dạy các em bài học chăm chỉ; “Sẻ và cò” (trang 79, tập 1) giúp các em hiểu một nguyên tắc ứng xử rất quan trọng là không nên chê bai người khác chỉ vì sự khác biệt của họ so với mình.
“Lừa và ngựa” (trang 85, tập1), “Hai con ngựa” (trang 157, tập 1) chỉ ra hậu quả của thói ích kỉ; “Quạ và chó” (trang 99, tập 1), “Cua, cò và đàn cá” (trang 115, tập 1) nhắc các em phải biết phân biệt những lời yêu thương chân thành với những lời nịnh nọt hoặc dối trá; “Chuột út” ( trang 135, tập 1) dạy các em kỹ năng phân biệt người tốt xấu xung quanh mình…
Đặc biệt, với hàng loạt các đoạn thơ/văn ngắn được soạn hoặc tuyển chọn, học trò được tiếp xúc với cả một thế giới gần gũi, quen thuộc, thân thiết của gia đình với ông bà, cha mẹ, anh chị em (Nụ hôn của mẹ, trang 127, tập 1; Về quê ăn Tết, tr 113, tập1; Chủ nhật, tr.109, tập1; Cả nhà thương nhau, tr138, tập 2; Em nhà mình là nhất, tr.139, tập 2…) ; của nhà trường với thầy cô, bạn bè ( Tiết tập viết, tr. 119, tập 1; Quyển vở của em, tr.122, tập 2; Thầy giáo, tr 92, tập 2…); của xã hội với bác lao công quét rác ( Xe rác, tr. 147, tập 1), với những phố nghề (Phố Lò Rèn, tr 111, tập 1); của thiên nhiên, môi trường (Bỏ nghề, tr.145, tập 1; Chuyện trong vườn, tr.103, tập 2; )…, bồi dưỡng thêm cho tâm hồn trẻ thơ những tình cảm tốt đẹp, nhân ái, yêu thương…, học được cách ứng xử văn minh, tử tế trong cộng đồng.
Những bài đọc gắn với một thời xưa cũ của ông bà, cha mẹ được soạn lại với một hệ thống các câu hỏi, bài tập, bài luyện…theo hướng rèn các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và bồi dưỡng các phẩm chất, năng lực… khá hiện đại như Quạ và công, tr.153, tập1, Ong và bướm, tr. 17, tập 2; Mời vào, tr.78, tập 2; Cô bé quàng khăn đỏ, tr.89, tập 2; Đi học, tr.95, tập 2; Mèo con đi học, Gửi lời chào lớp một, tr.161, tập 2…
Khó có thể phủ nhận những hiện tượng ngôn ngữ gây phản cảm, cần điều chỉnh, ví dụ bài Ngỗng, trang 136, tập 2, là bài đọc sử dụng phương thức biểu đạt thuyết minh, giới thiệu những đặc điểm của loài ngỗng, nhưng lại đưa vào cách diễn đạt của văn nói.
Điều đó thể hiện trong câu kết: “Bị mổ liên tiếp, kẻ trộm cũng phải “choáng váng” và “chạy mất dép”, các bạn nhỉ?” – trong đó, “chạy mất dép” là khẩu ngữ khá suồng sã, không phù hợp với văn bản học đường.
Đánh giá một cuốn sách cũng như nhìn nhận một con người, không nên chỉ xem vài bức ảnh.
Đề Ngữ văn thi Tốt nghiệp THPT đợt 2: Độ khó tương đương với đợt 1 |
2 thí sinh đạt điểm tuyệt đối môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT |
Chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Xuất hiện điểm liệt môn Ngữ văn |