Hàng trăm gia đình, con người lỡ dở công việc, rơi vào cảnh thất nghiệp khi đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho ngành giáo dục giờ đây sẽ ra sao?
LTS: Chia sẻ những câu chuyện buồn về việc cắt giảm hợp đồng giáo viên của ngành giáo dục từ trước tới nay, tác giả Nhật Duy thẳng thắn cho rằng, việc giáo viên bị cắt hợp đồng lỗi do lãnh đạo nhưng hậu quả thì giáo viên lại gánh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mấy năm nay, chúng ta đã nghe nhiều về tình trạng một số địa phương cắt ngang hợp đồng với giáo viên đứng lớp.
Những giáo viên bị cắt hợp đồng có người kí hợp đồng có thời hạn, người kí hợp đồng không thời hạn. Nhưng, số phận của họ đều có sự mở đầu và kết thúc giống nhau.
Từ những sự việc việc thanh lí hợp đồng của giáo viên gần đây cho thấy có quá nhiều bất cập trong đào tạo, tuyển dụng của ngành sư phạm.
Chỉ tiếc một điều là những người gây nên những hậu quả nghiêm trọng đó vẫn đứng ngoài cuộc hoặc được lên chức hoặc đổ trách nhiệm cho tập thể…
Còn phía sau mỗi bản hợp đồng giảng dạy của giáo viên không chỉ là 1 người mà còn là một gia đình, một hoài bão, ước mơ đã bị dở dang, đổ vỡ.
Giáo viên bị cắt hợp đồng lỗi do đâu(Ảnh minh họa: TTXVN).
Phải nói rằng, hình ảnh người thầy của nước ta trong hàng nghìn năm qua chưa bao giờ thê thảm giống như những năm gần đây.
Ngày trước, dù cuộc sống người thầy khó khăn nhưng vai trò, vị thế của người thầy luôn được trọng vọng.
Nếu như thời phong kiến thì hình ảnh người thầy được xếp thứ 2 trong xã hội, chỉ đứng dưới Vua.
Sau năm 1945, nền giáo dục mới ra đời thì hình ảnh người thầy vẫn cao vời vợi, được mọi người và xã hội tôn kính.
Cuộc sống thanh bạch nhưng bao giờ người thầy cũng giữ được khí phách và nhân cách của mình một cách trọn vẹn nhất trong lòng xã hội.
Còn bây giờ thì sao? Khoảng hơn 10 năm nay, hình ảnh người thầy đã bị lung lay rõ rệt.
Phần lớn người thầy ra trường sau năm 2002 sẽ hiểu rõ hơn mình bị đối xử như thế nào, mình bị coi thường ra sao, bị hành hạ như thế nào khi đi xin việc.
Nỗi đau nào hơn khi người thầy phải cầu lụy người này, người kia để được kí hợp đồng lao động, để dúi chỗ này cái phong bì, chỗ khác gói quà. Thậm chí, có trường hợp giáo viên nữ phải “đổi tình” để được biên chế.
Nỗi đau của một số thầy cô đôi lúc đã trở nên ê chề. Vì thế, nhiều người đã không còn giữ được thiên lương của mình, nhiều người không còn thiết tha để cống hiến.
Họ xem nghề giáo cũng như bao nhiêu ngành nghề khác, bởi được đứng với nghề thì họ phải đánh đổi, phải mặc cả và đánh đổi rất nhiều thứ khác.
Chúng tôi không muốn so sánh, bởi so sánh nào cũng khập khiễng.
Nhưng, cũng phải công nhận một điều rằng dù tình trạng thanh lí hợp đồng giáo viên xảy ra ở nhiều nơi nhưng lại ít xảy ra ở các tỉnh phía Nam, nhất là các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và một số tỉnh Đông Nam Bộ.
Những năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành sư phạm dù khó khăn hơn nhưng cũng ít xảy ra tiêu cực. Nhưng, đối với các tỉnh từ Tây Nguyên trở ra thì tiêu cực đã “nở rộ” từ hàng chục năm trước.
Ra trường, không có tiền là đồng nghĩa với thất nghiệp. Thậm chí có tiền mà không quen biết, không có người “bắc cầu” cũng chẳng thể nào xin được việc làm. Dù là hợp đồng có thời hạn hay hợp đồng không có thời hạn.
Chúng tôi là những người sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, sau khi tốt nghiệp sư phạm thì lại vào giai đoạn mà ngành giáo dục đã bắt đầu thừa nhân lực. Vì thế, bạn bè chúng tôi tứ tán khắp nơi nhưng chủ yếu phiêu bạt vào phương Nam.
Chính vì những năm tháng lận đận đi tìm công việc cho mình mà chúng tôi đã qua nhiều vùng đất khác nhau trong cả nước để tìm “bến đỗ” cho mình.
Đến đâu người ta cũng ra giá, mặc cả như mua bán một mặt hàng ngoài chợ. Từ những con người quen biết ở quê hương đến những người xa lạ ở xứ người thì những giáo sinh đi tìm việc cũng đều nhận được câu trả lời là không có nhu cầu.
Nhưng, cứ gặp gỡ, cứ ăn nhậu thì những tia hy vọng lại bắt đầu tỏ dần. Chúng tôi đã gặp một số hiệu trưởng các trường phổ thông, một số chuyên viên phòng tổ chức cán bộ của ngành giáo dục và vấn đề được sáng tỏ khi đã đi qua vài chung rượu, vài lon bia…
Họ nói hẳn giá hợp đồng có thời hạn, hợp đồng không thời hạn là giá bao nhiêu.
Có hiệu trưởng nói hẳn với chúng tôi rằng các vị ấy chỉ là người “bắc cầu” nên lệ phí xin việc sẽ được chia 50-50 (một nửa là Ban giám hiệu, một nửa là lãnh đạo cấp trên).
Chính từ nhu cầu cần việc mà những sinh viên mới ra trường như chúng tôi thuở ấy rất dễ dàng mắc vào những cái bẫy đã được giăng sẵn.
Dù mỗi suất được kí hợp đồng như vậy ít cũng phải 1 năm lương, kí được hợp đồng không thời hạn thì phải mất vài ba năm lương là chuyện rất đỗi bình thường.
Chính từ cách tuyển dụng vô tội vạ như vậy mới dẫn đến tình trạng giáo viên trong một huyện mà thừa hàng mấy trăm người như thông tin báo chí đã phản ánh trong thời gian qua.
Chúng ta chưa quên được vào giữa năm 2016 ở Yên Định (Thanh Hóa) đã đồng loạt thanh lý 647 giáo viên, nhân viên hành chính trong các trường học ở địa phương này.
Nhưng, người đóng vai trò chủ đạo, kí các quyết định tuyển dụng là nguyên Chủ tịch huyện Ngô Thị Hoa và các đồng sự lại hình như vô can, đứng ngoài cuộc.
Hình thức kỷ luật mức “cảnh cáo” khi mà Hoa đã về hưu có lẽ cũng chẳng để làm gì khi mà bà đang sống trong căn 3 tầng khang trang ngay tại trung tâm thị trấn Yên Định còn những nạn nhân của bà thì đang phiêu bạt khắp nơi để tìm việc làm mới.
Mấy ngày nay, dư luận lại bàng hoàng, xót xa khi hơn 500 giáo viên sẽ bị chấm dứt hợp đồng tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk).
Sự việc này liên quan đến nhiều đời Chủ tịch huyện. Trong đó, nhiệm kì (2011-2016) là ông Nguyễn Sỹ Kỷ, hiện nay là ông Y Suôn Byă.
Không chỉ là người chịu trách nhiệm về việc tuyển dụng thừa hàng loạt giáo viên mà cũng ở địa phương này còn để xảy ra tình trạng bổ nhiệm thừa 32 phó hiệu trưởng.
Thế nhưng, ông Nguyễn Sỹ Kỷ hiện nay đang là Phó ban Nội chính tỉnh Đắk Lắk chỉ bị hình thức kỷ luật là “cảnh cáo”.
Vậy mà, trong đơn khiếu nại, ông Kỷ đã nêu kiến nghị: “Cá nhân tôi tự nhận hình thức khiển trách... Tôi cảm thấy hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với mình như vậy là quá nặng”.
Còn ông Y Suôn Byă hiện nay đang chữa bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh.
Điều trớ trêu là ông Y Suôn Byă, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Krông Pắk hiện nay lại có vợ là bà H’Yer Knul đang là Phó Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện và em trai là Y Bhé Byă giữ chức Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện. Vậy là vợ và em trai “tham mưu” cho chồng, anh trai kí!?
Những sự việc trái ngang mà người giáo viên bị cắt ngang hợp đồng xảy ra ở nhiều địa phương nhưng chúng tôi chỉ đi sâu vào phân tích 2 huyện thuộc những huyện nhỏ, xa trung tâm thành phố là:
Krông Păk có 1 thị trấn và 15 xã; Yên Định có 2 thị trấn và 27 xã mà mỗi huyện có chừng ấy giáo viên bị thanh lí hợp đồng thì cũng đủ có ta hiểu sự bất cập trong khâu tuyển dụng đến nhường nào.
Vậy mà, hình thức kỷ luật chỉ dừng lại ở mức “cảnh cáo” thì làm sao đủ sức thuyết phục được dư luận.
Hàng trăm gia đình tốn kém, hàng trăm con người lỡ dở công việc, rơi vào cảnh thất nghiệp khi đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho ngành giáo dục giờ đây sẽ ra sao, họ sẽ đi về đâu?
Chưa bao giờ bức tranh nhân lực của ngành sư phạm lại xót xa như bây giờ
Tại sao những con người đang thực thi pháp luật lại có thể chà đạp lên luật pháp và lương tâm của con người để thu lợi bất chính cho mình?
Chúng tôi tin rằng trong số hàng trăm thầy cô bị thanh lý hợp đồng, trong đó có nhiều người là “hợp đồng không thời hạn” thì không có ai nộp hồ sơ là có thể vào làm việc mà phải chi phí, phải gặp gỡ lãnh đạo nhiều lần.
Lẽ nào, những người làm sai như vậy mà lại xem mức kỷ luật “cảnh cáo” là nặng bởi chỉ xứng đáng nhận mức “khiển trách” như lời của ông Nguyễn Sỹ Kỷ.
Chẳng lẽ sự thua thiệt, mất mát chỉ thuộc về giáo viên hợp đồng sao?
Vụ 500 giáo viên sắp mất việc: Thua thiệt luôn nghiêng về “phe nước mắt”
Diễn biến vụ 500 giáo viên ở Krông Pắk (Đắk Lắk) sắp thất nghiệp vì bị chấm dứt hợp đồng, vẫn là những hình ảnh ... |
Các giáo viên mất việc ở Đắk Lắk phải đi làm nương rẫy thuê kiếm sống
Để có tiền trang trải cuộc sống sau nhiều năm đứng bục giảng, các giáo viên phải làm nương rẫy, bán cháo, chăn nuôi... thậm ... |
Các giáo viên bị mất việc ở Đăk Lăk làm đủ nghề để sống
Để có tiền trang trải cuộc sống sau nhiều năm đứng bục giảng, các giáo viên phải làm nương rẫy, bán cháo ở vỉa hè, ... |