Giao đất cho doanh nghiệp xây chùa: Đề nghị của ĐBQH

ĐBQH Phạm Văn Hòa đề nghị Bộ TN-MT lập đoàn thanh tra cùng các địa phương rà soát lại việc cấp hàng nghìn ha đất cho doanh nghiệp xây chùa.

 

Trong văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về căn cứ giao hàng nghìn ha đất ở Ninh Bình, Hà Nam... để doanh nghiệp xây chùa, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà đã nêu nhiều điểm không rõ ràng trong mục đích giao đất cho các cơ quan, doanh nghiệp xây dựng chùa Bái Đính (Ninh Bình), Tam Chúc (Hà Nam).

Chia sẻ ý kiến trước phần trả lời của Bộ TN-MT, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, thời gian qua, dư luận cho rằng việc chính quyền Ninh Bình, Hà Nam giao đất cho doanh nghiệp xây chùa Bái Đính, Tam Chúc có nhiều khuất tất và đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của địa phương, Bộ TN-MT trong vấn đề này.

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, một số ĐBQH đã đặt vấn đề có hay không hiện tượng kinh doanh chùa, chùa BOT..., nhưng nhìn chung đều muốn làm rõ những khuất tất bên trong việc giao đất cho doanh nghiệp xây chùa như dư luận phản ánh.

Chùa Bái Đính

Theo đại biểu Hòa, về vấn đề này, Bộ TN-MT - cụ thể là Tổng cục Quản lý đất đai, cần thành lập đoàn thanh tra, phối hợp với địa phương rà soát lại quy hoạch được duyệt, các quyết định giao đất để làm cho rõ: phần nào cấp đất để xây dựng chùa thì phần đó không thu tiền sử dụng đất.

Phần diện tích đất sử dụng để xây chùa phải có hàng rào bao bọc hoặc phân định rõ đó là khuôn viên của chùa. Ngoài phần diện tích đất cấp xây chùa đó, diện tích đất còn lại cũng phải phân biệt cho rõ đó là đất kinh doanh hay đất dịch vụ, hay đất công cộng, rà theo giá thị trường thực tế để thu tiền sử dụng đất.

"Còn như hiện nay cứ úp úp mở mở, đất kinh doanh không ra kinh doanh, đất dịch vụ không ra dịch vụ, đất chùa không ra đất chùa để rồi không khéo cuối cùng ngân sách nhà nước thất thu, còn người dân thì mãi xầm xì, không phục về cách quản lý của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn", vị Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói.

Ông Hòa dẫn một phần văn bản trả lời của Bộ trưởng Bộ TN-MT làm dẫn chứng. Trong văn bản này có dẫn lại các quyết định giao đất của UBND tỉnh Hà Nam cho doanh nghiệp. Cụ thể, giai đoạn 2006-2009, UBND tỉnh Hà Nam ban hành 4 quyết định thu hồi đất và giao cho Sở Thương mại - Du lịch để phát triển Khu du lịch Tam Chúc, với tổng diện tích là 815,1 ha.

Từ năm 2008 đến 2011, UBND tỉnh Hà Nam ban hành 2 quyết định thu hồi đất đã giao cho Sở Thương mại - Du lịch và giao toàn bộ diện tích 815,1 ha nói trên cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch Tam Chúc theo dự án được duyệt.

Trong đó, tại quyết định số 1364 năm 2008, tỉnh giao cho Xuân Trường thuê đất với diện tích 509 ha, thời hạn 50 năm.

Tại Quyết định số 1380 năm 2011, tỉnh giao đất cho doanh nghiệp này 306,1 ha đất, hình thức giao đất để quản lý và đầu tư xây dựng khu du lịch, nhưng không yêu cầu phải bàn giao lại cho Nhà nước sau khi hoàn thành xây dựng.

Đại biểu Hòa tán thành với kết luận của Bộ TN-MT khi đánh giá các quyết định giao đất của tỉnh Hà Nam chưa rõ ràng về nội dung.

Theo đó, mục đích sử dụng chỉ thể hiện “đầu tư xây dựng khu du lịch Tam Chúc” mà không thể hiện loại đất cụ thể theo quy định tại Điều 13 của Luật Đất đai; chưa xác định được mục đích sử dụng đất cụ thể trong từng quyết định là không thống nhất và thiếu cơ sở để tính tiền thuê đất.

"Nếu quyết định giao đất làm khu du lịch thì đất đó là đất dịch vụ và phải thu tiền thuê đất, đó là đất cho thuê hàng năm thu tiền hay cho thêu cả dòng đời dự án thu tiền..., những vấn đề đó phải làm cho rõ ràng, rạch ròi để trả lời công luận và Quốc hội.

Quốc hội đã giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý đất đai ở đô thị, trong đó có đặt vấn đề về việc giao đất, cấp đất trong thời gian qua của một số địa phương, cơ quan bộ, ngành...

Tôi nhắc lại, đất chùa và đất dịch vụ rất khác biệt. Nhà nước cấp đất xây chùa, phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân, diện tích đó không thu tiền sử dụng đất; còn đất dịch vụ thì phải thu tiền về ngân sách địa phương hoặc Trung ương, tùy theo quy định. 

Vậy diện tích chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc là bao nhiêu? 

Đã phê phê duyệt chủ trương đất chùa ra đất chùa, đất du lịch ra đất du lịch, mà du lịch là dịch vụ, vậy tại sao không thu tiền? Tại sao mập mờ chỗ này? Có khuất tất gì bên trong hay không? 

Phải làm cho rõ những vấn đề này để trả lời cho công luận, đồng thời phải công khai, minh bạch ra để giải oan cho người bị nghi vấn. Còn nếu bên trong đó có ai đó có vấn đề lợi ích nhóm thì phải chịu trách nhiệm cho rõ ràng", đại biểu Phạm Văn Hòa phân tích. 

Trả lời TTXVN, ông Đặng Đức Tân, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, UBND tỉnh đang rà soát lại toàn bộ những văn bản có liên quan đến việc cấp đất xây dựng chùa Bái Đính và trả lời báo chí cũng như các cơ quan chức năng trong thời gian sớm nhất.

Trước thông tin đề cập đến việc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường sở hữu toàn bộ diện tích xây dựng chùa Bái Đính, qua đó sử dụng vào nhiều mục đích cá nhân, ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường cho rằng thông tin dư luận đưa ra là không đúng.

Ông Trường khẳng định doanh nghiệp không quản lý và sử dụng bất cứ một mét vuông đất nào tại khu vực xây dựng chùa; đồng thời nhấn mạnh toàn bộ diện tích xây dựng chùa Bái Đính đều thuộc quyền quản lý và sử dụng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

TS Đàm Quang Minh: 'Nhiều người góp nghìn tỷ xây chùa nhưng không bỏ tiền xây trường'
Vụ phá rừng xây chùa: Phó chủ tịch tỉnh yêu cầu điều bất ngờ
Lạ kỳ Thái Nguyên: Làm đường, xây chùa chồng lên đất rừng

 

/ baodatviet.vn