Ngày 8.1.2018, ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND Q.1, TP.Hồ Chí Minh (từng được cả nước biết đến là người xông xáo, trực tiếp xuống đường, kiên quyết xử lý các hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trong năm 2017) - đã có đơn xin từ chức. Một trong những lý do ông Đoàn Ngọc Hải xin từ chức vì ông cho rằng, mình không thực hiện được lời hứa trước nhân dân là giải quyết dứt điểm nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.
Vỉa hè đường Nguyễn Thái Bình (P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TPHCM) chiều 8.1 bị lấn chiếm tràn lan. Ảnh: PV |
Trong 10 sự kiện nổi bật của TPHCM trong năm 2017 được Văn phòng UBND TPHCM công bố mới đây, có sự kiện “TPHCM nỗ lực lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè”.
Phải nói rằng, trong chiến dịch “giành” lại vỉa hè cho người đi bộ tại TPHCM trong năm 2017 thì quận 1 được xem là địa phương tiên phong. Trong đó, ông Đoàn Ngọc Hải được xem là một cán bộ khá xông xáo, nhiệt tình khi dẫn đầu đoàn kiểm tra liên ngành quận 1, trực tiếp xuống đường cả ngày lẫn đêm để chỉ đạo xử lý quyết liệt những trường hợp vi phạm.
Đặc biệt, với thái độ kiên quyết, ông Đoàn Ngọc Hải đã không nhân nhượng đối với các trường hợp vi phạm, buộc cưỡng chế tháo dỡ ngay những công trình vi phạm lấn chiếm vỉa hè (kể cả những công trình xây dựng vi phạm lấn chiếm vỉa hè của một số cơ quan nhà nước), cho cẩu xe vi phạm (dù là xe biển xanh) về trụ sở công an để xử lý…
Còn nhớ, vào thời điểm tháng 3-6.2017, trước sự quyết liệt của Đoàn kiểm tra liên ngành quận 1 do ông Đoàn Ngọc Hải dẫn đầu trong chiến dịch “giành” lại vỉa hè, gần như tất cả nhà nhà, cửa hàng kinh doanh…trên địa bàn quận 1 đều răm rắp chủ động trong việc tự tháo dỡ các công trình xây dựng lấn chiếm vỉa hè, tránh bị xử phạt, cưỡng chế.
Với những nỗ lực “giành” lại vỉa hè trả cho người đi bộ của chính quyền quận 1, phải thừa nhận, thời điểm khoảng giữa năm 2017, tình trạng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn quận 1 thông thoáng hẳn. Không những thế, với những kết quả ban đầu của quận 1 đã tạo ra hiệu ứng tích cực lan tỏa khắp các quận - huyện trên địa bàn thành phố. Theo đó, lãnh đạo các quận Bình Tân, quận 3, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú cũng trực tiếp xuống đường “giành” lại vỉa hè. Thậm chí, chiến dịch này còn lan tỏa đến các địa phương trong cả nước cùng thực hiện lập lại trật tự lòng, lề đường.
Ông Đoàn Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND quận 1 - trong một lần ra quân chấn chỉnh vỉa hè, lòng đường trên địa bàn quận 1. Ảnh: TRƯỜNG SƠN |
Trong quá trình “giành” lại vỉa hè, có thể với thái độ kiên quyết, quá cứng rắn trong việc xử lý những trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường đã đụng chạm đến không ít quyền lợi, lợi ích của một số ít người nên ông Đoàn Ngọc Hải cũng gặp không ít phản ứng gay gắt, thậm chí, có đối tượng còn đe dọa “lấy mạng” cả ông Hải.
Dẫu vậy, ông Đoàn Ngọc Hải vẫn kiên quyết “bám trụ”, tiếp tục chiến dịch và thậm chí, ông còn thẳng thắn đề xuất giáng chức, luân chuyển một số cán bộ phường làm không tốt công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn, để tái diễn lấn chiếm lòng, lề đường. Có thể với cách làm quá cứng nhắc của ông Đoàn Ngọc Hải trong xử lý một số trường hợp vi phạm cũng tạo ra những dư luận trái chiều.
Sau đó, vào khoảng tháng 10.2017, UBND quận 1 đã thay đổi cách làm trong chiến dịch “giành” lại vỉa hè và theo đó, ông Đoàn Ngọc Hải không còn tự ý được xuống đường trực tiếp xử lý vi phạm như trước kia nữa. Và với cách thay đổi này của quận 1, thì tình trạng lòng, lề đường trên địa bàn quận 1 từ tháng 10.2017 đến nay trở lại cảnh bị tái lấn chiếm tràn lan, xe ô tô đậu trái phép dưới lòng đường, nhiều hộ buôn bán, để xe lấn chiếm vỉa hè không khác gì khi chưa có chiến dịch “giành” lại vỉa hè.
Cụ thể, chiều 8.1, PV Báo Lao Động có mặt ở nhiều tuyến đường trên địa bàn quận 1 và ghi nhận, nhiều tuyến đường như: Cống Quỳnh, Phạm Viết Chánh, Nguyễn Thái Học, Lý Tự trọng, Hai Bà Trưng,… bị tái lấn chiếm nghiêm trọng. Tương tự, các quán nhậu nằm trên đường Hoàng Sa, Cô Bắc, Cô Giang, Võ Văn Kiệt ... trước đây từng bị ông Hải xử phạt thì nay cũng ngang nhiên đồng loạt kê bàn ghế tràn ra vỉa hè để cho khách ngồi ăn nhậu.
Trong đơn xin từ chức ngày 8.1, ông Đoàn Ngọc Hải, có đoạn viết: “Khi trở lại là người công dân bình thường, tôi sẽ có thời gian nhiều hơn để suy nghĩ về các giải pháp căn cơ, nhân văn, không làm ảnh hưởng đến mưu sinh của người nghèo trong công việc này (lập lại trật tự lòng, lề đường - PV)”.
Trước đó, trong phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND cuối năm 2017, một số đại biểu đặt vấn đề, sau thời gian rầm rộ ra quân dẹp vỉa hè, đến nay, vỉa hè TPHCM bị tái chiếm tràn lan. Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, UBND TP rất quan tâm và quyết liệt trong việc lập lại trật tự lòng, lề đường. Cơ sở pháp lý có đầy đủ, vấn đề là xử lý như thế nào đối với những người lấn chiếm lòng, lề đường. “Làm kiên trì chứ không phải làm theo phong trào. TP giao các chủ tịch quận, huyện để xác định rõ phương án tổ chức, sắp xếp lại cho phù hợp với điều kiện từng nơi. Trong đó, giải pháp đeo bám như thế nào để giải quyết? Trường hợp người tái chiếm vỉa hè phải xử lý như thế nào” - ông Phong nói. |
Còn trong kỳ họp HĐND TPHCM vào tháng 7.2017, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TPHCM - cho rằng, trong chiến dịch lập lại trật tự lòng, lề đường, nếu không có người dân tham gia thực hiện thì không thể bền vững được, vì thành phố không có đủ lực lượng thường xuyên ra quân kiểm tra, dọn dẹp suốt. “Chúng ta đừng có ảo tưởng có thể lập lại trật tự lòng, lề đường trong 1 tháng, 1 quý hay 1 năm bằng cách ra quân dọn dẹp. Bởi nếu chúng ta ra quân dọn dẹp thì nó sạch tức thì đó, nhưng không bền vững, và nó rất phản cảm. Do vậy, thành phố phải xác định được lòng đường, lề đường dùng vào việc gì? Từ đó, có kế hoạch, lộ trình cụ thể phân cấp cho các cấp chính quyền quận - huyện, phường xã, khu phố triển khai thực hiện một cách bền vững …” - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói. |