2 tháng đã trôi qua từ trận lũ ống, lũ quét gây thiệt hại nặng nề, Phù Yên – Sơn La đang khắc phục hậu quả mưa lũ.
Tích cực xây dựng các điểm tái định cư
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 9-11/10/2017 trên địa bàn huyện Phù Yên đã xảy ra mưa lớn kéo dài liên tục với lượng mưa 180mm, gây ra lũ ống, lũ quét trên suối, gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng, người và tài sản của nhân dân trên cả 27 xã, thị trấn.
Mưa lũ đã làm 2 người chết, 5 người bị thương, 505 nhà bị cuốn trôi, sập, sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở cuốn trôi. 80 công trình thủy lợi của 21 xã và 8.696m kênh mương bị thiệt hại. 47 cột điện bị đổ gẫy; 58 công trình nước sinh hoạt bị thiệt hại… tổng thiệt hại khoảng 600 tỷ đồng.
Sau mưa lũ, nhiều diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phù Yên đã bị tàn phá, không có khả năng khôi phục.
Ông Phan Quý Dương, Trưởng phòng NN&PTNN cơ quan thường trực ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Phù Yên cho biết: Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, huyện đã kịp thời thăm hỏi và động viên 2 gia đình có người chết; đưa người bị thương kịp thời đi điều trị tại bệnh viện Đa khoa khu vực Phù Yên và bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), huyện hỗ trợ toàn bộ viện phí, hiện nay còn 1 trường hợp đang điều trị tại bệnh viện Việt Đức.
Đồng thời, huyện đã huy động lực lượng vũ trang huyện tham gia hỗ trợ khắc phục thiệt hại đối với xã Mường Bang (xã bị thiệt hại lớn nhất) tham gia ứng cứu, giúp các hộ bị cuốn trôi nhà tạm ổn định cuộc sống và di dời các ngôi nhà có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ. Chỉ đạo các xã, thị trấn huy động lực lượng dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên khắc phục thiên tai với phương châm “4 tại chỗ”.
Hiện nay các xã đã bố trí tạm thời tại chỗ cho các hộ dựng nhà tạm để ổn định cuộc sống, đã dựng được 159 nhà và lán tạm, các hộ còn lại ở tạm thời tại nhà người thân hoặc nhà văn hóa bản, các lớp học của các điểm trường, không có hộ dân không có nơi ở.
Tới nay, huyện Phù Yên còn 9 bản và 2 trung tâm xã chưa có điện với 753 hộ dân.
Tại điểm bản Sọc xã Mường Bang từ nguồn hỗ trợ của huyện đã san được 22 nền nhà cho các hộ dân (10 triệu đồng/hộ). Đang phối hợp với chi cục Phát triển nông thôn khảo sát các điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng thiên tai cần bố trí sắp xếp dân cư tại các xã Mường Bang, Huy Tường, Huy Hạ, Tường Tiến. Triển khai ngay các hạng mục như: san nền, hệ thống nước sinh hoạt, đường nội bộ, điện sinh hoạt cho các hộ có nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, đổ sập hoàn toàn và nhà bị sạt lở tại 3 điểm sắp xếp dân cư tập trung.
Bên cạnh đó, huyện đã hỗ trợ trực tiếp 18,8 triệu đồng hỗ trợ người chết; 13,5 triệu đồng hỗ trợ 05 người bị thương; 938 triệu đồng hỗ trợ cho nhà ở bị đổ sập cuốn trôi hoàn toàn. Về lương thực, vận chuyển hơn 22 tấn gạo, cho 331 hộ, 600 thùng mỳ tôm cho các 13 xã.
Tập trung khôi phục sản xuất
Lũ ống, lũ quét đã gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp hơn 61 tỷ. Hơn 764 ha lúa, 299 ha ngô và rau màu, 19 ha cây ăn quả lâu năm… bị thiệt hại nặng nề. Đối với diện tích còn khắc phục được huyện đã chỉ đạo các xã, các tổ công tác, các ngành và tổ chức đoàn thể đồng loạt ra quân cải tạo, vệ sinh đồng ruộng, dọn cây cỏ, rác để xuống giống khôi phục sản xuất được 40,66 ha, trong đó đã trồng tỏi, rau các loại, ngô, khoai tây và hành. Hiện nhân dân đang tích cực cải tạo ruộng để tiếp tục xuống giống trồng cây vụ đông. Với diện tích lúa không khắc phục được, huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các xã xây dựng phương án chuyển đổi cây trồng cho phù hợp, như: trồng ngô, hoa màu, trồng cỏ chăn nuôi…
Với 73 công trình thủy lợi bị thiệt hại, huyện đã chỉ đạo các xã huy động lực lượng khắc phục tạm thời, tại chỗ đối với các công trình bị bồi lấp, hư hỏng và dùng vật liệu địa phương để khắc phục tại chỗ, tạm thời nhằm cấp nước phục vụ cho vụ chiêm xuân 2017-2018. Đối với các công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng, công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy lợi tỉnh Sơn La chi nhánh Phù Yên đang khảo sát, lập kế hoạch sửa chữa trong năm 2018.
Đặc biệt, ngay sau khi nước rút, huyện đã triển khai kịp thời công tác phòng, chống và xử lý dịch bệnh, tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra sau lũ. Tổ chức phun tẩy hóa chất khử khuẩn môi trường, thau rửa giếng nước, khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt bằng thuốc Cloramin B được 731 giếng nước, 38 bể chứa nước tập trung và nhiều nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân các xã, thị trấn. Đáng lưu ý, ngày 18/10/2017, xuất hiện bệnh tiêu chảy trên địa bàn hai xã Tường Thượng và Tường Tiến, đến ngày 24/10/2017 có 28 ca mắc bệnh tiêu chảy, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, ngành y tế tập trung xử lý dứt điểm, kiểm soát không để dịch bệnh lây lan.
Trong thời gian tới, để tiếp tục ổn định đời sống cho người dân, huyện Phù Yên đang tập trung rà soát, đánh giá các diện tích ruộng thiếu nước xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất và khắc phục diện tích ruộng bị thiệt hại. Huy động nhân dân khắc phục các công trình thủy lợi bị thiệt hại bằng các phai tạm, mương đất, nạo vét các kênh mương bị bồi lấp. Tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất ở, đất sản xuất. Rà soát quỹ đất bố trí sắp xếp dân cư, xây dựng phương án đo đạc phân chia lại đất ở, đất sản xuất cho các hộ mất nhà, mất đất sản xuất.
Mưa lũ cô lập hàng nghìn hộ dân Phú Yên Mặc dù, nước lũ trên sông Kỳ Lộ đã rút nhưng gần 3.000 hộ dân ở các xã Phú Mỡ và Xuân Sơn Bắc bị ... |
Cấp vaccine, giống cây trồng hỗ trợ 6 địa phương bị bão lũ 6 địa phương bị ảnh hưởng bão và mưa lũ được cấp vắc xin phòng, chống dịch bệnh, hạt giống ngô và hạt giống rau ... |
Mưa lũ kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân Diễn biến thời tiết cực đoan, sạt lở ngày càng nghiêm trọng, nhưng địa phương vẫn chưa có các biện pháp khắc phục tối ưu. |