Giảm thuế để cứu xi măng thừa: Cứu công nghệ Trung Quốc?

Khi xi măng lò đứng của Trung Quốc bị khai tử, lại xuất hiện phong trào làm xi măng lò quay cũng với thiết bị, công nghệ lạc hậu của Trung Quốc.

Giải pháp tình thế

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đề nghị khấu trừ thuế VAT đầu vào và giảm thuế xuất khẩu đối với mặt hàng xi măng xuống mức thấp hơn để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Lý do Bộ KHĐT xin giảm thuế xuất khẩu là vì hiện ngành xi măng đang thừa 26 triệu tấn và các doanh nghiệp sản xuất xi măng đang tìm phương án xuất khẩu để giải quyết dư thừa nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, do thay đổi chính sách thuế dẫn đến phí xuất khẩu xi măng, clinker cao, khó cạnh tranh được với xi măng Trung Quốc và các quốc gia khác.

giam thue de cuu xi mang thua cuu cong nghe trung quoc
Giảm thuế được coi là giải pháp tình thế để xuất khẩu xi măng

Bình luận về đề xuất trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế bởi xi măng để lâu sẽ không thể sử dụng được, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và xã hội.

Tuy nhiên, xuất khẩu xi măng là một bài toán khó của Việt Nam, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết. Việt Nam đã có thời kỳ phát triển nóng ngành xi măng, đặc biệt là công nghệ xi măng lò đứng của Trung Quốc.

Ngày từ những năm 1960, thế giới khuyến cáo bỏ các nhà máy xi măng lò đứng vì chúng gây ra tiếng ồn và bụi cực lớn, tác động tai hại tới môi trường trong khi công suất sử dụng, năng suất thấp, phải dùng nhiều lao động.

Nhưng những năm 1990-2000, Việt Nam vẫn tiếp tục nhập các nhà máy xi măng lò đứng thải hồi của Trung Quốc và cho đến nay, ở nhiều huyện, đặc biệt là những huyện có núi đá vôi, các nhà máy xi măng lò đứng vẫn tồn tại. Chất lượng xi măng của loại công nghệ này rất thấp, khi nghiền đá chỉ 60% trở thành xi măng, tiêu tốn nguyên, nhiên liệu nhưng hiệu quả thấp. Do đó, xi măng lò đứng chỉ dùng cho các công trình dân sinh, đường giao thông nông thôn, kênh mương, chuồng trại...

Sau khi công nghệ xi măng lò đứng của Trung Quốc bị khai tử (chỉ nhà máy xi măng nhỏ ở các huyện còn sử dụng), Việt Nam chuyển sang công nghệ xi măng lò quay, tiết kiệm nguyên vật liệu, thời gian, đảm bảo độ kín của công nghệ, ít tạo ra bụi gây ô nhiễm môi trường.

Vì thế, khi nung đá làm xi măng nhanh và hiệu quả hơn (80-90% thành xi măng) Càng về sau, các nước có công nghệ cao càng phát triển, làm cho hiệu quả xi măng lò quay cao hơn, ít tiêu tốn nhiên liệu. Những thế hệ sau của xi măng lò quay được đánh giá tốt hơn nhiều.

Tuy nhiên, có một điểm vị chuyên gia lưu ý, dù chuyển sang công nghệ xi măng lò quay nhưng Việt Nam lại tiếp tục nhập thiết bị, công nghệ của Trung Quốc.

So với các nước tiên tiến khác như Đan Mạch, Đức, Nhật..., xi măng lò quay Trung Quốc dù rẻ hơn nhưng hiệu suất thấp hơn nhiều, tiêu hao nhiều nguyên liệu, năng lượng hơn, đặc biệt chất lượng thiết bị kém, dễ hỏng hóc trong quá trình vận hành.

"Việt Nam biết thế nhưng vẫn sử dụng nhiều công nghệ xi măng lò quay Trung Quốc là vì giá rẻ, một số thiết bị máy móc đã cũ được nhập về Việt Nam.

Bên cạnh đó, người Việt quan hệ với Trung Quốc, hiểu biết về Trung Quốc nhiều nên sang Trung Quốc, đặt vấn đề mua xi măng lò quay.

Dĩ nhiên, đằng sau đó còn nhiều vấn đề khác mà dư luận đã đề cập từ lâu, chẳng hạn mua hàng Trung Quốc thì được lại quả. Thành ra, dù biết công nghệ Trung Quốc ra sao nhưng người ta vẫn mua", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Đến nay, Việt Nam vẫn duy trì các nhà máy này và theo vị chuyên gia, hậu quả vô cùng nặng nề. Chi phí sản xuất xi măng của Việt Nam rất cao. Trong khi đó, xi măng do Thái Lan sản xuất có giá thành chỉ bằng khoảng 70% giá thành của Việt Nam.

"Do đó, xuất khẩu xi măng là bài toán tương đối khó. Chỉ có một số nhà máy có công nghệ hiện đại mới có thể xuất khẩu và cạnh tranh được. Còn những nhà máy khác hầu như phải bù lỗ.

Trong điều kiện hiện nay, Việt Nam có chi phí xuất khẩu tương đối cao, đặc biệt là thuế xuất khẩu xi măng vì làm xi măng có liên quan đến khai thác đá, vật liệu xây dựng nên có thuế tài nguyên môi trường và thuế xuất khẩu. Thuế này cũng là một rào cản đối với hoạt động xuất khẩu.

Bởi thế, xuất khẩu và giảm thuế là điều bắt buộc đối với các tổng công ty xi măng, nếu không thì dù có xuất khẩu thì Việt Nam cũng vẫn phải bù lỗ. Các tổng công ty xi măng vẫn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, của nhà nước là chính, nên đề xuất này cũng là bước tạo điều kiện cho tổng công ty xi măng xuất khẩu được sản phẩm ra thị trường quốc tế". PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Lời ăn, lỗ chịu

Nhấn mạnh rằng, đề xuất của Bộ KHĐT là giải pháp tình thế trong một thời điểm nhất định và cần được xem xét nhưng PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định rằng:

"Nếu tất cả hàng hóa trên thị trường cứ đòi hỏi giảm thuế, ưu đãi để có thể tồn tại, xuất khẩu được thì rất không nên. Ngân sách nhà nước đang vô cùng khó khăn và thiếu thốn, giảm thuế thì ngân sách sẽ chịu thiệt.

Việc sản xuất kinh doanh phải theo thị trường, lời ăn, lỗ chịu. Các tổng công ty xi măng hiện nay đều đã cổ phần, vì thế dần dần phải thực thi việc sản xuất kinh doanh theo kinh tế thị trường.

Nhà nước định ra khuôn khổ chính sách, cả về điều kiện kinh doanh lẫn thuế, doanh nghiệp phải thực hiện, chứ không phải hễ khó khăn thì kêu gào Nhà nước hỗ trợ, giảm thuế...

Ở đây vẫn có hiện tượng Nhà nước chiều theo doanh nghiệp. Nhưng về nguyên tắc, thị trường vẫn là thị trường và doanh nghiệp phải tuân tủ theo quy luật thị trường thì mới tồn tại và phát triển", ông nói.

/ Thành Luân/baodatviet.vn