Những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10.2019, chất lượng không khí, ô nhiễm môi trường ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh (hai đầu tàu kinh tế của cả nước) trở thành chủ đề thời sự thu hút nhiều sự quan tâm của người dân, các cơ quan hữu quan trong nước, lẫn quốc tế.
Theo kết quả trên ứng dụng Pam Air và kết quả quan trắc chất lượng tại 10 trạm quan trắc tự động của Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội, nhiều thời điểm chất lượng không khí suy giảm tới ngưỡng kém và xấu. Nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí rất cao, chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên tới 238 - ngưỡng gây hại tới sức khỏe tất cả mọi người. Vậy giảm giờ làm tác động như thế nào đến vấn để bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng?
Những chỉ số đe dọa sự sinh tồn
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết ô nhiễm không khí liên quan tới 30% ca tử vong do ung thư phổi, 25% các ca đột quỵ não và bệnh lý tim mạch. Riêng bệnh lý hô hấp, có đến 435 ca tử vong do bệnh lý hô hấp là có liên quan tới ô nhiễm không khí. Tương tự, các bác sĩ da liễu và nhãn khoa lo ngại ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lên da và mắt. Số người vào viện khám các bệnh lý về da cũng gia tăng đáng kể. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), thiệt hại kinh tế toàn cầu do ô nhiễm không khí là khoảng 225 tỉ USD.
Trong các nguyên nhân gây ô nhiễm, hoạt động lao động sản xuất vận hành nền kinh tế đóng vai trò ảnh hướng lớn. Ở góc độ vĩ mô, các vấn đề về khí thải công nghiệp gây ô nhiễm không khí, đất và nước (gồm nước mặt, nước ngầm) góp phần gây hiệu ứng nhà kính, làm thủng tầng ô zôn, tăng nhiệt độ trái đất… Ở góc độ vi mô, ô nhiễm không khí không những gây tổn hại về sức khỏe cho người dân, mà còn làm thiệt hại về kinh tế với nhiều hệ lụy.
Cảnh báo đối với Việt Nam
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), thiệt hại kinh tế toàn cầu do ô nhiễm không khí là khoảng 225 tỉ USD. Đối với Việt Nam, ô nhiễm không khí gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10 tỉ đô la mỗi năm (chiếm từ 5 - 7% GDP).
Chỉ tính riêng Hà Nội, ước tính chi phí khám, chữa bệnh về hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm với người dân nội thành là 1.500 đồng/người/ngày. Với khoảng 3,5 triệu dân nội thành, quy đổi tổng thiệt hại kinh tế do mắc các bệnh đường hô hấp khoảng 2.000 tỉ đồng/năm.
Các nghiên cứu dịch tễ học ở Việt Nam mô tả, phân tích cho thấy tỉ lệ ung thư phổi nhiều hơn các vùng có mật độ ô nhiễm không khí cao. Số liệu thống kê, mỗi năm nước ta ghi nhận hơn 20.000 người mắc bệnh ung thư phổi, khoảng 56 người mắc mỗi ngày, trong đó có đến 17.000 người đã tử vong. Ước tính đến năm 2020 có tới 34.000 người mắc mỗi năm, mỗi ngày có thêm 90 người phát hiện mắc bệnh.
Vai trò của thời giờ làm việc
Tình trạng ô nhiễm do sản xuất công nghiệp và kinh nghiệm xử lý của Trung Quốc có thể coi là bài học quý giá cho Việt Nam trong giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Việc giảm thời giờ tiêu chuẩn xuống 44 giờ/ tuần và tăng thêm 3 ngày nghỉ hoàn toàn có lợi cho vấn đề bảo vệ môi trường sống, cân bằng giữa phát triển triển kinh tế và tăng cường sức khỏe thể chất, tinh thần cho không chỉ người lao động trực tiếp mà còn cho toàn bộ xã hội.
Thu gọn thời giờ làm việc kéo theo giảm thời giờ vận hành máy móc, dây chuyền sản xuất, sẽ tiết kiệm đáng kể lượng điện, nước, tài nguyên tiêu thụ. Những nguồn lợi kinh tế do lo ngại về năng suất, sản lượng của một số doanh nghiệp, ngành hàng trong thời gian ngắn, chỉ là con số rất nhỏ nếu phải so với các chi phí mà ngân sách sẽ phải bỏ ra để giải quyết vấn đề môi trường và những thiệt hại xã hội mà người dân phải chịu do những chi phí về y tế, sức khỏe phát sinh do ô nhiễm môi trường.
Kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn tháng 10.2019 cho thấy, dựa trên trải nghiệm của mình tại nơi làm việc, bản thân công nhân, người lao động cũng đánh giá được những tác động tích cực của việc cắt bớt thời gian vận hành máy móc, giảm mật độ sản xuất. 46,4% công nhân cho rằng “giảm ô nhiễm do chất thải doanh nghiệp”, 37,1% cho rằng “điều kiện việc làm được cải thiện”, 33,9% doanh nghiệp sẽ “giảm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí” và 38,8% môi trường sống được cải thiện. Như vậy, người lao động nhận thức tương đối cao khi doanh nghiệp thực hiện 44 giờ/tuần giảm xả thải ra môi trường góp phần cải thiện môi trường góp phần sự tồn tại và phát triển con người cũng như thiên nhiên được tốt hơn.
Tóm lại, điều chỉnh thời giờ làm việc không chỉ có lợi ích bền vững về mặt kinh tế khi doanh nghiệp buộc phải đầu tư công nghệ, tăng cường hiệu quả quản trị, đổi mới tổ chức sản xuất; mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với vấn đề bảo vệ môi trường sống và sức khỏe cho người dân. Sức khỏe của người lao động nói riêng, của cộng đồng nói chung chịu ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức bởi những can thiệp chính sách về kinh tế, lao động, môi trường. Nguy cơ trả giá về khủng hoảng ô nhiễm môi trường và những thiệt hại về chăm sóc sức khỏe y tế do nguyên nhân từ môi trường, sẽ được giải quyết ngay từ bây giờ chỉ với một điều chỉnh về thời giờ làm việc.
Kiểm điểm 4 cán bộ vào quán thịt chó ăn nhậu trong giờ làm việc |
Đề nghị người lao động được nghỉ thêm 1 ngày dịp Tết Dương lịch |
Công an mua bán online trong giờ làm việc có thể bị kỷ luật |