Giảm lệ phí trước bạ cho ô tô: 'Liều thuốc' kích cầu có đi ngược với xu hướng Net Zero?

Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nhằm kích cầu thị trường tiêu thụ xe. Tuy nhiên, điều này có đi ngược với xu hướng Net Zero mà Thủ tướng đã cam kết tại COP 26?

hyundai_tc_5

Kích cầu hay "giải cứu"?

Trở lại với đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 1/8/2024 đến hết 31/1/2025, nếu được thông qua, đây là lần thứ 4 thực hiện giảm phí trước bạ. Trước đó, vào các năm 2020, 2022, 2023 việc giảm lệ phí trước bạ ô tô chưa đem lại những hiệu quả như đạt như kỳ vọng.

Đặc biệt, ngay sau khi hết khuyến mại vào tháng 12/2023 (đợt 3), doanh thu bán hàng của thị trường ô tô tiếp tục chìm trong ảm đạm, kinh doanh sụt giảm mạnh.

Đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 5% so với 2023. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 7%; xe thương mại giảm 2% và xe chuyên dụng giảm 13% so với năm 2023.

Tính đến hết tháng 5/2024, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm tới 14% trong khi xe nhập khẩu tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Việc kinh doanh ảm đạm khiến nhiều đơn vị ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận lao dốc, ví dụ như Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã chứng khoán HAX) -  được biết đến với thế mạnh phân phối xe sang Mercedes-Benz, nhưng năm 2023 mức lợi nhuận lao dốc vì kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng  lớn đến sức cầu tiêu thụ.

Báo cáo tài chính kiểm toán 2023 cho thấy doanh thu Haxaco chỉ đạt 3.981 tỷ đồng, bằng 59% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế chỉ 37 tỷ đồng, "bốc hơi" hơn 200 tỷ đồng (tương ứng -84%) so với năm 2022.

Ngay cả Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEA) - đơn vị có lợi nhuận "khủng" hằng năm từ việc liên doanh với các hãng ô tô hàng đầu như Toyota, Ford, Honda - cũng không ngoại lệ. Trong quý cuối năm 2023, VEA ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đồng loạt sụt mạnh, lần lượt giảm 23% và 37% so với cùng kỳ. Cả năm VEA lãi sau thuế 6.297 tỉ đồng, giảm gần 18%.

Đối với Thaco cũng ghi nhận mức sụt giảm nghiêm trọng, cụ thể, năm 2022 lãi sau thuế của Thaco là 7.420 tỉ đồng, sang 2023 chỉ còn 2.734 tỉ đồng (giảm gần 4.700 tỉ đồng).

Nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn khác trong cùng lĩnh vực như Savico lợi nhuận 2023 giảm 93%, Ô tô TMT giảm tới 98%...

Theo các chuyên gia tài chính, việc sụt giảm doanh số trong lĩnh vực ô tô là dễ hiểu khi kinh tế thế giới còn nhiều biến động. Kinh tế Việt Nam dù đã có bước phục hồi nhưng đa phần người dân còn dè dặt, thủ thế và ngại chi tiêu trong bối cảnh hiện nay. Vì thế, ngay cả khi hạ thuế trước bạ để kích cầu "giải cứu" thị trường ô tô cũng chưa chắc đem lại hiệu quả. 

"Bài toán" giao thông xanh

Trao đổi với MarketTimes về vấn đề giảm phí trước bạ xe ô tô, lãnh đạo Viện Chiến lược và Phát triển, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết: Việc ưu đãi, kích cầu tiêu thụ ô tô (chủ yếu đang là xe xăng, dầu) cần phải cân nhắc kỹ. Bởi điều này sẽ đi ngược với xu hướng "xanh hóa" phương tiện giao thông đã được cam kết tại COP 26.

Vị này cũng cho biết, tại Báo cáo "Triển vọng Năng lượng Việt Nam – Đường đến Phát thải ròng bằng không" (EOR-NZ) do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) kết hợp cùng Cục Năng lượng Đan Mạch, Đại sứ quán Đan Mạch chỉ rõ: 

Các thành phố lớn của Việt Nam đang phải đối mặt với tỷ lệ ô nhiễm không khí cao đáng báo động và có tác động tiêu cực đáng kể đến sức khỏe cộng đồng. Ngành giao thông vận tải cùng với các ngành kinh tế khác cũng đóng góp đáng kể vào tình trạng này. Các tiêu chuẩn hiệu suất cao hơn, bộ lọc bụi mịn và điện hóa, cùng nhiều giải pháp khác, có thể góp phần giảm thiểu những tác động nói trên.

Trong khi đó, Chiến lược Giao thông xanh (Quyết định 876/QĐ-TTg, 2022) đặt ra các chỉ tiêu quan trọng để phát triển ngành giao thông vận tải hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Các chỉ tiêu này bao gồm tăng tỷ trọng phương thức vận tải sử dụng điện và năng lượng xanh, bắt đầu từ năm 2025, cũng như kế hoạch chuyển dịch nhu cầu vận tải sang phương thức công cộng tại các đô thị chính.

Các thông điệp và khuyến nghị chính của báo cáo là Việt Nam cần nhanh chóng điện hóa các phương tiện vận tải hạng nhẹ và sử dụng nhiên liệu tái tạo trong các phân khúc vận tải hạng nặng để giảm tác động đến khí hậu và môi trường một cách hiệu quả về chi phí. Như vậy việc giảm phí trước bạ ô tô nhằm kích cầu là không hợp lý trong thời điểm này và dài hạn trong tương lai.

Đại diện Viện Chiến lược Bộ GTVT cũng chia sẻ, trong năm 2023, Bộ Tài chính đã từng không đồng ý giảm lệ phí trước bạ cho ô tô trong nước vì lo ảnh hưởng tới cam kết quốc tế. 

Theo quy ước, chính sách thuế, phí, lệ phí hiện được áp dụng thống nhất giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu. Vì thế, việc 3 lần liên tiếp giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được đánh giá là có ảnh hưởng đến thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ WTO và các FTA.

"Chính sách này đã được Ban Thư ký WTO đề cập đến trong quá trình rà soát chính sách thương mại WTO lần hai của Việt Nam năm 2021. Vì thế, dù chưa có quốc gia nào khởi kiện, nhưng cũng kết sức cân nhắc và cẩn trọng khi triển khai vì sự phân biệt áp dụng giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu", vị này cho biết.

Ngoài ra, đại diện Viện chiến lược cũng cảnh báo, trong bối cảnh xe cá nhân gia tăng mạnh trong vài năm trở lại đây, trong khi hạ tầng chưa hoàn thiện, mới chỉ duy nhất 1 tuyến metro được đưa vào hoạt động, cùng với lộ trình cấm ô tô, xe máy vào nội đô sắp được thí điểm... thì việc kích cầu mua ô tô chạy xăng, dầu sẽ làm tăng ô nhiễm khí thải, xa rời mục tiêu "giao thông xanh" cần phải cân nhắc kỹ. Phát triển công nghiệp ô tô phải có lộ trình bài bản, dài hơi, hướng tới điện khí hoá xanh, sạch... chứ không thể ngắn hạn, "giải cứu" nhất thời...

Bảo Châu / Markettimes.vn