Dự kiến các ngân hàng sẽ giảm hạn mức rút tiền trong thẻ ATM khoảng thời gian từ 23h đến 5h sáng, đây là “giờ vàng” để lấy trộm tài khoản. Khi việc rút tiền của người dân là không vi phạm pháp luật thì liệu đây có phải là giải pháp hợp lý hay chỉ là cách để ngân hàng thu phí nhiều hơn hay không?
Ngày 21.8.2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản số 6296/NHNN-CNTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc phòng ngừa rủi ro trong hoạt động thanh toán thẻ. Trong đó, đáng lưu ý các NHTM phải thay đổi linh hoạt, giảm hạn mức rút tiền vào các thời điểm có nhiều rủi ro (khoảng thời gian 23h-5h) để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng và ngân hàng.
“Giờ vàng” để trộm tiền tài khoản ATM
Chỉ đạo này của NHNN được đưa ra trong bối cảnh thời gian gần đây nhiều khách hàng sử dụng thẻ ATM bị rút trộm tiền. Nếu nhìn vào thời gian hoạt động của tội phạm thẻ có thể thấy, nửa đêm đến sáng là “giờ vàng” để thực hiện trộm tiền.
Đơn cử trường hợp mất tiền trong thẻ ATM (DongABank) của chị Đoàn Thị Ngọc Duyên (mất 116 triệu đồng) và Nguyễn Phương Thùy (mất 85 triệu đồng) là vào 3 - 4 giờ sáng 27.6 là những ví dụ điển hình. Vụ việc đã trải qua 2 tháng nhưng đến nay DongABank vẫn chưa thực hiện trả tiền cho khách. Lý do mà ngân hàng này đưa ra là có dấu hiệu tội phạm nên chuyển cơ quan công an xử lý.
Trước đó, vào khoảng đêm muộn ngày 25.4, nhiều cán bộ, nhân viên làm việc tại kênh Truyền hình Nhân Dân (Hàng Trống, Hà Nội), nhận được tin nhắn qua điện thoại thông báo tài khoản ATM thuộc ngân hàng Agribank liên tục bị rút tiền dù bản thân không thực hiện giao dịch nào. Có người bị rút mất hàng chục triệu đồng trong vòng vài phút.
Theo quy định hiện nay, mỗi tài khoản chỉ được rút tối đa từ 20 - 100 triệu đồng mỗi ngày tùy ngân hàng. Chính vì vậy, đối tượng phạm tội thường chọn thời điểm trước và sau 0 giờ rút trộm tiền để sử dụng luôn hạn mức của ngày hôm sau, số tiền trộm được sẽ nhiều gấp đôi. Hơn nữa, thời điểm này chủ thẻ thường đã ngủ, ngay cả với các chủ thẻ có sử dụng dịch vụ nhận tin nhắn SMS từ tổng đài ngân hàng báo về cũng khó phát hiện và không kịp báo cho phía ngân hàng để ngăn chặn.
Bình luận về giải pháp này, TS. Bùi Quang Tín cho rằng đây là giải pháp hợp lý. Bởi tội phạm thường hoạt động về đêm vào những khung giờ này nên cần hạn chế mức tiền rút. Hơn nữa nhu cầu rút tiền vào khoảng thời gian này thường không cao, việc hạn chế sẽ không ảnh hưởng đến nhiều người.
Tiến tới ngân hàng sẽ giảm hạn mức rút tiền ATM trong khung giờ 23h - 5h sáng
Cùng quan điểm, TS Lê Thẩm Dương cũng đồng ý biện pháp này và đánh giá cao phản ứng của NHNN trước tình trạng trộm cắp tiền trong tài khoản ATM thời gian qua.
“Thế nhưng đây chỉ mới là biện pháp tạm thời mà hệ thống ngân hàng có thể thực hiện nhằm hạn chế “cơn sốt”, xử lý khủng hoảng chứ không phải là biện pháp “gốc” có thể áp dụng dài hạn”, ông Dương bình luận.
Đẩy trách nhiệm lên vai người dân?
Ở một góc nhìn khác, luật sự Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty luật Basico, cho rằng giải pháp này không giải quyết được vấn đề trộm cắp tiền trong tài khoản thẻ mà lại ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng.
“Việc giảm hạn mức rút tiền vào thời điểm 23h -5h trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang tiến tới hội nhập sâu rộng không giải quyết được vấn đề trộm cắp tiền trong tài khoản thẻ mà lại ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng. Điều này cũng đi ngược với thông lệ quốc tế. Nếu đứng trên quyền lợi của khách hàng thì rõ ràng việc giảm hạn mức đồng nghĩa với việc giảm quyền lợi của khách hàng khi sử dụng dịch vụ”, ông Đức phân tích.
Ví dụ, nếu như khách hàng có nhu cầu đột xuất cần rút tiền mặt, thế những các ngân hàng lại hạn chế hạn mức quá lớn thì rõ ràng là quyền lợi của khách hàng không được ngân hàng đảm bảo. Trước đây, tình trạng mất cấp tiền trong tài khoản ATM cũng đã từng xảy ra và một số NHTM thực hiện giải pháp đóng của ATM sau 22h đêm. Động thái này đã khiến cho không ít người dân tại TP.HCM “bất bình” và NHNN TP.HCM cũng đã phải lên tiếng yêu cầu các NHTM phải mở cửa giao dịch ATM 24/7”
“Có phải ngân hàng giảm hạn mức rút tiền để thu phí nhiều hơn hay không? Ngoài rút tiền mặt, tội phạm còn thực hiện chuyển khoản qua các tài khoản khác thì giải pháp hạn chế rút tiền mặt cũng không giải quyết được”, luật sư Trương Thanh Đức đặt vấn đề.
Cũng đã từng là nạn nhân trong vụ “bốc hơi” tài khoản trong đêm, chị Hoàng Anh Thư (khách hàng sử dụng thẻ của ngân hàng Vietcombank), cho rằng ngân hàng tìm cách đảm bảo tài khoản cho khách hàng là đúng, nhưng nếu đảm bảo cho khách hàng bằng việc giảm hạn mức rút tiền thì chưa thực sự hợp lý.
“Nếu như tôi có việc đốt xuất cần nhiều tiền trong đêm thì tôi phải làm gì? Tôi giữ tiền trong tài khoản ATM, ngân hàng có thể sử dụng nó sinh lời thì việc ngân hàng đảm bảo an toàn cho dòng tiền của tôi là trách nhiệm của ngân hàng, không phải vì thế mà hạn chế giao dịch hay bắt khách hàng phải đóng thêm phí để ngân hàng nâng cấp hệ thống. Việc ngân hàng đầu tư nâng cấp hệ thống thông tin, bảo mật đương nhiên là việc mà các ngân hàng phải làm thay vì đổ lên đầu khách hàng”, chị Thư phàn nàn.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mùi, nguyên Giám đốc trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Vietinbank, cho rằng không nhất thiết phải giảm hạn mức rút tiền tài khoản ATM từ 23h – 5h, quan trọng là phải có phương án, biện pháp phòng ngừa rủi ro cho khách hàng
“Không thể ban ngày thì có rút 30 triệu, nhưng đến đêm khuya lại giảm hạn mức xuống chỉ còn 1 triệu. Nếu như việc rút tiền của người dân là không vi phạm pháp luật thì việc rút tiền này cần phải được đáp ứng. Không lẽ vì các NHTM, hệ thống ngân hàng không kiểm soát được rủi ro mất tiền cho khách hàng lại đẩy trách nhiệm lên vai khách hàng bằng việc hạn chế giao dịch”, bà Mùi nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giảm hạn mức rút tiền qua ATM vào đêm khuya
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng thay đổi linh hoạt, giảm hạn mức rút tiền tại ... |
VietinBank cho vay thấu chi đến 500 triệu đồng
Hạn mức thấu chi không tài sản bảo đảm của VietinBank lên đến 500 triệu đồng cho khách hàng ưu tiên. |