Giải mật vụ Tổng thống Thiệu mang 16 tấn vàng ra nước ngoài

Có tin nói Nguyễn Văn Thiệu khi trốn ra nước ngoài năm 1975 đã lấy 16 tấn vàng dự trữ trong ngân khố làm của riêng.

Những luồng dư luận

Cuối tháng 4.1975, khi quân Giải phóng đã áp sát Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu lên truyền hình từ chức. Sau đó vài ngày ông ta lên máy bay chạy sang Đài Loan - nơi người anh trai là Nguyễn Văn Kiểu đang sinh sống.

Chuyến ra đi của ông Thiệu có lẽ sẽ chìm vào quên lãng nếu như nó không liên quan đến một câu chuyện về 16 tấn vàng của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Vào thời điểm tháng 4.1975, dư luận Sài Gòn và cả một số hãng tin phương Tây đã ồn ào về vụ này.

Báo Độc Lập ngày 28.4 đã dẫn nguồn tin UPI và Reuters nói rằng: “Theo tin UPI, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và cựu thủ tướng Trần Thiện Khiêm đã đến Đài Bắc bằng phi cơ quân sự Mỹ vào lúc 4 giờ sáng thứ bảy 26.4 với 16 viên chức Việt Nam cộng hòa cùng thân nhân tháp tùng. Tin Reuters ghi nhận liền sau khi đoàn người xuống phi cơ và được đưa vào phòng khách danh dự, một số hàng hơn 10 tấn cũng đã được cất xuống theo”. Dĩ nhiên, người ta nghĩ ngay 10 tấn hàng ấy là vàng.

giai mat vu tong thong thieu mang 16 tan vang ra nuoc ngoai

Nguyễn Văn Thiệu. Ảnh: Internet.

Trong một tin khác, câu chuyện được diễn tả chi tiết hơn về việc gia đình ông Thiệu đã làm thế nào để đưa vàng ra nước ngoài làm của riêng. Câu chuyện đồn đại đó đại khái nói rằng: “Martin giúp gia đình Thiệu ra đi, nhưng chỉ cho mang theo đồ vật cá nhân nhỏ. Thế là tay cựu tổng thống và bà vợ phải tính đến cách khác. Mai Anh (vợ Thiệu) đã xoay xở lấy được 16 tấn vàng ra khỏi ngân hàng quốc gia bằng cách ép dọa thuộc cấp. Bà ta cho chuyển phần lớn số vàng thỏi ấy lên một chiếc máy bay thuê của Hãng hàng không Thụy Sĩ. Nhưng các phi công, sau khi khám phá ra đó là vàng, đã hỏi sứ quán Thụy Sĩ và cuối cùng từ chối không chở nữa. Lý Long Thân (chồng em nuôi vợ Thiệu) nhảy vào cứu nguy. Thân ra lệnh chở vàng bằng tàu Trương Tinh đi Pháp, để sau này Thiệu nhận lại ở đó”.

Tất nhiên câu chuyện Nguyễn Văn Thiệu mang vàng ra nước ngoài còn nhiều dị bản khác. Nhưng tất cả đều cùng giống nhau ở nội dung là vợ chồng Nguyễn Văn Thiệu đã lấy 16 tấn vàng là tài sản của đất nước mang ra nước ngoài để làm của riêng.

Chỉ là tin đồn

Sự thực vụ việc hoàn toàn khác. Theo ông Lý Nhân – một nhân chứng sống và làm báo trong xã hội Sài Gòn trước 1975 thì 16 tấn vàng đó vẫn ở lại trong nước. Trong cuốn sách Thiệu-Kỳ một thời hãnh tiến – một thời suy vong, Lý Nhân đã tham cứu nhiều tài liệu khác nhau và trình bày câu chuyện một cách khá tỉ mỉ.

Theo đó, nguồn gốc tin đồn Thiệu mang vàng ra nước ngoài xuất hiện từ cuộc họp ngày 1.4.1975, tại Dinh Độc Lập. Trong cuộc họp này, Thiệu cùng các phụ tá có bàn đến việc mang vàng đi thế chấp để vay Mỹ 3 tỉ USD hòng dùng tiền mua vũ khí quân trang để tổ chức "cuộc phòng thủ cuối cùng".

Trong cuốn Khi đồng minh tháo chạy, ông Nguyễn Tiến Hưng – cựu Tổng trưởng Kế hoạch nói rằng, Thiệu muốn vay Mỹ 3 tỉ USD trong thời hạn 3 năm. Mỗi năm vay 1 tỉ và vật thế chấp để vay gồm tiềm năng dầu khí, tiềm năng xuất khẩu gạo và 16 tấn vàng dự trữ trong Ngân hàng Quốc gia.

Lo sợ quân Giải phóng xâm nhập vào Sài Gòn để phong tỏa Ngân hàng, buổi họp Nội các thường kỳ ngày 2.4, Nguyễn Văn Thiệu cùng các phụ tá quyết định chuyển vàng ra nước ngoài và đã bắt đầu cho người liên lạc với các tổ chức vận chuyển cùng các đối tác. Nhưng cũng từ đây tin tức rò rỉ. Lý Nhân viết: “Văn phòng thủ tướng gọi điện thoại cho Giám đốc Ngân hàng Quốc gia và chỉ thị cho ông thực hiện quyết định của Chính phủ. Ngay lập tức ông gọi điện cho TWA Pan America và Lloyd’s của Luân Đôn. Hai ngày sau đó, tin đó đã lọt ra đến “Radio Catinat” trên đường Lê Lợi – Tự Do, nơi có những quán cà phê là trung tâm của các tin đồn. Giới trí thức Sài Gòn la cà ở quán cà phê Brodard và Givral nghe đồn rằng sau khi thất thủ Thiệu đã chuyển toàn bộ số vàng của quốc gia ra nước ngoài làm giàu cho chính mình”.

giai mat vu tong thong thieu mang 16 tan vang ra nuoc ngoai

Ngân hàng Quốc gia (nay là Ngân hàng NN Việt Nam tại TP HCM) nơi cất giữ 16 tấn vàng năm 1975. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Sau khi tin tức bị rò rỉ, dư luận xôn xao khiến con đường đưa vàng đi bằng máy bay thương mại không thể làm được. Đến ngày 26.4.1975, Bộ Ngoại giao của Chính quyền Sài Gòn đánh điện cho sứ quán báo rằng giá hợp đồng bảo hiểm để di chuyển số vàng này là 60.240.000 USD – trị giá gấp 2 lần giá trị thực. Vàng sẽ phải di chuyển ra khỏi Sài Gòn vào 7h ngày 27.4 để hợp đồng bảo hiểm còn có hiệu lực. Một máy bay ở căn cứ không quân Clark tại Phi Luật Tân đã sẵn sàng chuyên chở số vàng đã được đóng kiện ở nhà băng.

Điều đó có nghĩa là cho đến 26.4, vàng vẫn còn ở trong nước. Trong khi đó ông Thiệu đã bay qua Đài Loan từ tối 25.4. Vậy số vàng đó đã đi đâu?

Vẫn theo tác giả Lý Nhân, vào phút chót, phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo đã không đồng ý cho chuyển vàng. Ông Hảo đã nói với tân Tổng thống Trần Văn Hương rằng: nếu cho phép chuyển vàng khỏi Sài Gòn, khi Dương Văn Minh lên thay thì Hương sẽ bị kết tội phản bội tổ quốc. Hương buộc phải đồng ý và Hảo đã gọi điện thoại cho cố vấn kinh tế của tòa đại sứ là Daniel Ellerman để báo rằng Tổng thống đã quyết định không chuyển vàng nữa.

Về kết cục số vàng dự trữ này, theo loạt bài của báo Tuổi Trẻ năm 2006, nó đã được chính quyền mới tiếp quản. Trong bài của Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Bửu Sơn – một nhân viên làm việc trong Ngân hàng Quốc gia Việt Nam của Chính quyền Sài Gòn trước năm 1975 và cũng là người chứng kiến đơn vị tiếp quản kiểm kê tài sản trong Ngân hàng cho biết: Số vàng chứa trong hầm của Ngân hàng đến thời điểm đó còn 1.234 thoi. Mỗi thoi vàng nặng từ 12 đến 14 kg được chứa trong các tủ sắt có 2 lớp khóa. Ngoài ra còn có các đồng tiền vàng đựng trong các hộp gỗ đặt trong tủ sắt. Các đồng tiền này đều được phát hành từ thế kỷ 18, 19. Ngoài giá trị của vàng nguyên chất, các đồng tiền này còn được tính theo giá trị tiền cổ, gấp nhiều lần giá trị vàng nội tại của nó...

giai mat vu tong thong thieu mang 16 tan vang ra nuoc ngoai Kho tư liệu vô giá ngày 30/4 lịch sử được bảo vệ thế nào?

Việc chiếm giữ ba cơ quan quan trọng nhất của Cảnh sát chế độ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) gần như không có tiếng súng, ...

giai mat vu tong thong thieu mang 16 tan vang ra nuoc ngoai Bi kịch cho mọi toán biệt kích VNCH khi ra miền Bắc

Mọi toán biệt kích mà CIA và VNCH đưa ra miền Bắc đều bị bắt ngay sau khi vừa nhảy dù. Những nhóm này được ...

/ http://danviet.vn