Giá vàng lao dốc, dầu thô tăng vọt

Mỗi ounce vàng giảm gần 30 USD, trong khi dầu thô Mỹ tăng 25% trong phiên giao dịch cuối tháng 4. 

Chốt phiên 30/4, giá vàng giảm 29 USD xuống 1.685 USD một ounce. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 22/4. Giá sáng nay vẫn dao động quanh mốc này.

Giá mua bán vàng SJC tại Tập đoàn DOJI hiện là 47,65 - 48,15 triệu đồng một lượng. So với hôm qua, giá này giữ nguyên ở chiều mua và giảm 350.000 đồng ở chiều bán.

"Nhiều nhà đầu tư đã bán ra khi thất vọng vì giá không tăng thêm nữa. Nếu xuống dưới ngưỡng hỗ trợ quan trọng tại 1.662 USD, vàng sẽ còn giảm sâu hơn", Edward Meir – nhà phân tích tại ED&F Man Capital Markets cho biết, "Lo ngại về đại dịch dường như đang giảm bớt, do ngày càng nhiều quốc gia mở cửa trở lại và nới lỏng lệnh phong tỏa. Nhu cầu trú ẩn hiện tại không còn nhiều như cách đây vài tuần".

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm qua cho biết nước này đã qua đỉnh dịch và cam kết đưa ra kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa trong tuần tới. Trước đó, nhiều quốc gia như Mỹ, New Zealand và Australia cũng đã dần mở cửa trở lại.

gia vang lao doc dau tho tang vot
Diễn biến giá vàng thế giới vài phiên gần đây.

Dù vậy, tính chung cả tháng, giá vàng vẫn tăng hơn 7% - mạnh nhất 8 tháng. Phiên 14/4, kim loại quý thậm chí lập đỉnh 7 năm tại 1.746 USD.

Hôm 29/4, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng cho biết sẽ giữ lãi suất tham chiếu tại 0-0,25% và tăng cường chương trình hỗ trợ khẩn cấp để vực dậy nền kinh tế. Fed hôm qua cũng mở rộng một chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua đại dịch. Kim loại quý thường hưởng lợi từ các chính sách kích thích quy mô lớn, do nó sẽ giúp phòng trừ rủi ro lạm phát.

Trên thị trường dầu thô, giá Brent chốt phiên 30/4 tăng 12% lên 25,27 USD một thùng. Giá dầu thô Mỹ WTI tăng tới 25% lên 18,84 USD. Đây là mức đóng cửa cao nhất của hai loại dầu này kể từ giữa tháng 4.

Sáng nay, dầu thô tiếp tục đi lên, với mức tăng lần lượt 2,79% và 5,63%. Thị trường tăng do một số nước cho biết sẽ cắt giảm sản xuất và các tín hiệu cho thấy tồn kho dầu Mỹ tăng chậm hơn dự kiến.

"Triển vọng đang khá lạc quan, do trong 1-2 tháng tới, nguồn cung có thể sẽ khớp với nhu cầu", Edward Moya - nhà phân tích tại OANDA dự báo.

Na Uy - nước sản xuất dầu lớn nhất Tây Âu cho biết sẽ giảm sản xuất từ tháng 6 đến tháng 12. Đây là lần đầu tiên trong 18 năm họ làm điều này. Hãng dầu khí Mỹ ConocoPhillips cũng sẽ hạ sản lượng mạnh tay trong vài tuần tới, đặt mục tiêu giảm 35% sản lượng cho đến tháng 6. Còn Novatek (Nga) sẽ giảm 20% chi tiêu vốn cho các dự án dầu năm nay.

Số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết tồn kho dầu nước này chỉ tăng 9 triệu thùng tuần trước, thấp hơn so với dự báo 10,6 triệu thùng trong khảo sát của Reuters. Dù vậy, kho chứa vẫn đang là mối lo trên toàn cầu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết năng lực lưu trữ của thế giới sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 6.

Tính chung cả tháng, Brent đã tăng 11%, sau khi giảm tới hơn 65% trong 3 tháng trước đó. Còn WTI ngược lại, giảm tháng thứ 4 liên tục và đã mất hơn 70% kể từ đầu năm. Riêng mức giảm tháng 4 là 8%. Hồi giữa tháng, WTI giao tháng 5 từng xuống dưới 0 USD lần đầu tiên trong lịch sử.

Hà Thu (theo Reuters, Bloomberg)

gia vang lao doc dau tho tang vot Giá vàng hôm nay 30/4/2020: Giá vàng SJC giảm 100.000 đồng/lượng

Giá vàng hôm nay 30/4/2020: giá vàng SJC tại Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 47.85 ...

gia vang lao doc dau tho tang vot Ngành dầu mỏ thế giới bao giờ mới hết bi kịch?

Dầu mỏ "vô gia cư" xuất hiện ngày càng nhiều trong khi giá dầu đã chạm đáy, thậm chí đã xuống mức âm trong phiên ...

/ vnexpress.net