Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện giá chung cư đều ở mức trên 50 triệu đồng/m2 và thị trường không xuất hiện căn hộ giá bình dân. Trong khi đó, báo cáo thị trường của Bộ Xây dựng, hiện nay, căn hộ 3 tỷ đồng cũng đang dần biến mất. Giá nhà tăng cao đang ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề an sinh xã hội bởi đa số người dân có thu nhập trung bình thấp ngày càng khó tiếp cận nhà ở. Đặc biệt, với những người trẻ, hiện giấc mơ “an cư” càng lúc càng xa vời.
Tiết kiệm được 1 đồng thì giá nhà đã tăng 10 đồng
Lê Văn Nam (28 tuổi, quê ở Trực Ninh, Nam Định) hiện đang làm kỹ sư tin học cho một doanh nghiệp FDI tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội. Công việc ổn định, thu nhập cũng khá tốt với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng. Mới cưới vợ được hơn 1 năm, vợ làm nhân viên văn phòng nên mức lương chỉ hơn 7 triệu đồng/tháng. Để thuận tiện cho quãng đường đi làm nên 2 vợ chồng Nam thuê nhà ở khu vực Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm.
“Để tiết kiệm nên 2 vợ chồng em vẫn đang phải ở thuê một phòng trọ nhưng hiện nay đọc báo, xem tin tức ở đâu cũng toàn thấy chung cư giá 4 – 5 tỷ đồng trở lên. Với số tiền đó thì chúng em có tích luỹ cả đời chắc cũng chả xong. Sau này còn có con nữa, không thể ở thuê tạm bợ được nên bọn em quyết định tạm thời thế này, khi công ty hoàn thành xong nhà máy ở dưới Hà Nam, em sẽ xin chuyển về đó làm việc. Về quê sinh sống sẽ tốt hơn thay vì quyết bám trụ lại Hà Nội”, Nam chia sẻ.
Sinh sống và làm việc ở Hà Nội hơn 10 năm, vợ chồng anh Lăng Đức Phương (quê ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) luôn trăn trở với việc mua nhà. Thu nhập của hai vợ chồng khoảng 30 triệu đồng/tháng, cũng cố gắng dành dụm được chút vốn và gia đình cũng hỗ trợ nhưng vẫn không thể mua được nhà phù hợp với khả năng tài chính.
“Vợ chồng tôi cũng cố gắng dành dụm để sớm thoát cảnh ở thuê. Nhưng với tốc độ tăng giá như từ đầu năm đến nay thì câu chuyện sẽ càng lúc càng khó. Mình tiết kiệm được 1 đồng thì giá nhà tăng lên đến 10 đồng rồi. Cũng có lúc vợ chồng tôi tính đến việc vay ngân hàng, nhưng rồi suy đi tính lại không kham được nên không dám mạo hiểm. Thu nhập hơn 20 triệu/tháng, vay ngân hàng 1 tỷ thì một tháng sẽ phải trả cả gốc lẫn lãi khoảng 16 triệu đồng. Đang còn phải thuê nhà, hai con nhỏ đi học nữa. Cố vay để mua nhà chắc chắn vợ chồng tôi không kham được”, anh Phương nói.
Không chỉ vợ chồng Lê Văn Nam hay vợ chồng anh Lăng Đức Phương mà với rất nhiều gia đình trẻ sinh sống và làm việc tại Hà Nội và các thành phố lớn khác, việc mua được một căn hộ là không dễ dàng. Bởi hiện nay tốc độ tăng của thu nhập đang kém rất xa so với tốc độ tăng giá nhà. Giá nhà đang quá cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở không có khả năng tiếp cận.
Cần có phân khúc nhà ở “vừa túi tiền”
Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đến hết tháng 9, thị trường ghi nhận 38.797 sản phẩm mới được chào bán. Nguồn cung vẫn ghi nhận sự phân hóa mạnh. Theo đó, 70% nguồn cung mới đến từ phân khúc căn hộ chung cư. Tại Hà Nội, đa số chung cư đều có giá bán trên 50 triệu đồng/m2 và thị trường gần như vắng bóng hoàn toàn căn hộ chung cư thương mại giá bình dân. Vấn đề đáng nói là giá nhà đang tăng mạnh, trung bình từ 15-20%, vượt qua khả năng chi trả của phần đông người dân. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn trong giải bài toán an sinh xã hội.
Nói về khả năng tiếp cận nhà ở của người dân, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội đánh giá: “Với mức thu nhập trung bình của một hộ gia đình tại Hà Nội khoảng 250 triệu đồng/năm. Trong khi đó, giá một căn hộ trung bình khoảng 4 tỷ đồng. Để mua được một căn hộ với mức giá này, một hộ gia đình cần tới 18 năm tiết kiệm không tiêu xài. Thu nhập trung bình chỉ tăng 6% mỗi năm, trong khi giá nhà trên thị trường thứ cấp đã tăng trung bình 17 - 20%”.
Trước thực trạng giá nhà tăng quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh từng có nhiều văn bản đề nghị các chủ đầu tư giảm giá bán nhà ở, tăng chiết khấu và có các chính sách khuyến mại, hậu mãi nhằm kích cầu. Tuy vậy, với mức giá nhà cao như hiện nay, nếu chủ đầu tư có giảm giá thì theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cũng không mang lại nhiều ý nghĩa.
Nguyên nhân theo ông Châu lý giải là sự “lệch pha” trong cơ cấu sản phẩm đang rất lớn. Thị trường hiện nay chủ yếu là phân khúc nhà ở cao cấp và trung cấp. Việc giá có giảm đi một chút thì mức giá một căn hộ vẫn rất lớn, nằm ngoài khả năng của đại đa số người có mức thu nhập trung bình và thấp ở đô thị hiện nay. “Giải pháp để đảm bảo an sinh xã hội đặc biệt trong vấn đề nhà ở hiện nay theo tôi phải tăng nguồn cung, đặc biệt là nhà ở vừa túi tiền, phải ưu tiên tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang tồn đọng. Nếu tháo gỡ được các dự án này, thị trường sẽ có thêm hàng nghìn căn hộ mới. Nguồn cung mới sẽ trực tiếp giúp điều tiết kéo giảm giá nhà”, ông Châu cho hay.
Nói đến nhà ở vừa túi tiền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đình cho rằng, Nhà nước cần nghiên cứu để xây dựng phân khúc nhà ở vừa túi tiền. Phân khúc nhà ở này hoàn toàn khác với nhà ở xã hội. Cụ thể, nếu nhà ở xã hội chủ yếu hướng tới đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp tham gia được miễn tiền sử dụng đất và tiếp cận gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho chủ đầu tư, người vay mua nhà. Còn nhà ở vừa túi tiền là nhà ở thương mại có mức giá phù hợp với khả năng tài chính của đại đa số người dân.
“Giải bài toán nhà ở cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội, tôi cho rằng Nhà nước cần đưa ra định nghĩa chính thức về nhà ở vừa túi tiền. Cùng với đó nghiên cứu các cơ chế, chính sách ưu đãi dành riêng cho nhà ở vừa túi tiền với mục tiêu chính là khuyến khích chủ đầu tư tham gia phát triển nguồn cung phân khúc này, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các hộ gia đình có thu nhập trung bình hoặc cận trung bình. Nếu chỉ để “bàn tay vô hình” của cơ chế thị trường điều tiết sẽ rất khó phát triển được nhà ở vừa túi tiền cho người dân. Thời gian qua, giá nhà tăng liên tục là minh chứng. Vì vậy, Nhà nước nên trực tiếp tham gia tạo lập nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội cho thuê để dẫn dắt, điều tiết thị trường trong một giai đoạn nhất định”, ông Đình khuyến nghị.