Giá năng lượng, thực phẩm sẽ leo cao trong 3 năm tới

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo cuộc chiến tại Ukraine sẽ khiến giá thực phẩm và năng lượng đắt đỏ trong vòng 3 năm tới và dẫn đến tình trạng lạm phát đình trệ.

Báo cáo triển vọng thị trường hàng hóa mới nhất của WB cho biết trong hai năm qua, thế giới đã chứng kiến mức tăng giá năng lượng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, cũng như mức tăng giá thực phẩm và phân bón lớn nhất kể từ năm 2008. Trong khi chi phí năng lượng và thực phẩm có xu hướng rời khỏi mốc kỷ lục, chúng vẫn được dự báo duy trì ở trên mức trung bình của 5 năm qua cho đến cuối năm 2024.

ttxvm_gia_luong_thuc
Một quầy hàng bán lương thực tại chợ ở Sanaa, Yemen. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Do trình trạng gián đoạn hoạt động thương mại và sản xuất do tình hình chiến sự ở Ukraine, WB cảnh báo giá năng lượng sẽ tăng 50% trong năm nay. Tổ chức này nhận định giá dầu thô Brent sẽ cán ngưỡng trung bình 100 USD/thùng vào năm 2022, mức cao nhất kể từ năm 2013 và tăng hơn 40% so với năm 2021. Giá dầu sẽ giảm trở lại mức 92 USD vào năm 2023, song vẫn cao hơn mức trung bình của 5 năm là 60 USD một thùng.

ttxvn_tram_xang
Người dân đổ xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Marseille, Pháp, ngày 18/1/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá khí đốt của châu Âu sẽ cao gấp đôi vào năm 2022 so với năm 2021, trong khi giá than sẽ cao hơn 80%. WB ước tính giá lúa mì sẽ tăng hơn 40% trong năm nay, gây áp lực lên các nền kinh tế đang phát triển bị phụ thuộc vào nhập khẩu lúa mì từ Nga và Ukraine.

Ông Indermit Gill, Phó Chủ tịch WB, cho biết: “Nhìn chung, đây là cú sốc hàng hóa lớn nhất mà chúng ta từng trải qua kể từ những năm 1970. Cú sốc này đang trở nên trầm trọng hơn do sự gia tăng các hạn chế trong buôn bán thực phẩm, nhiên liệu và phân bón.

Báo cáo gần đây do Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc thực hiện cũng cho thấy, số người nghèo đói đã gia tăng đáng kể dưới tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine lẫn đại dịch Covid-19. Theo đó, số người đang đối mặt tình trạng thiếu ăn đã tăng lên 44 triệu, so với mức 27 triệu hồi năm 2019. David Beasley, Giám đốc điều hành WFP cho biết, mức độ mất an ninh lương thực hiện nay là “chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai”.

Nga là quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên và phân bón lớn nhất thế giới, đồng thời là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai. Trong khi đó, Ukraine chiếm gần 33% xuất khẩu lúa mỳ toàn cầu, 19% xuất khẩu ngô và 80% kim ngạch xuất khẩu dầu hướng dương.

Việc sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng trên và các mặt hàng khác đã bị gián đoạn kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2.

P.V / Theo Nghề nghiệp và Cuộc sống